Phòng chống dịch bệnh sau lũ

PHƯƠNG GIANG 26/11/2013 08:22

Sau bão lũ, hàng loạt giếng nước bị nhiễm bẩn; bùn rác, nước đọng ở nhiều nơi... khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết tăng cao ở nhiều địa phương.

  • Duy Xuyên tập trung xử lý môi trường sau lũ
  • Sau lũ, Duy Vinh thiếu nước sạch
  • Đại Lộc: Mặt đường ĐT609B hư hỏng nặng sau lũ
  • Sau lũ, Cửa Đại bị bồi lấp nặng
  • Các địa phương khẩn trương khắc phục sau lũ
Phun thuốc khử trùng tại một điểm chợ phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh:  PHƯƠNG GIANG
Phun thuốc khử trùng tại một điểm chợ phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Cảnh báo...

Hơn 10 ngày sau khi lũ rút, rác và bùn bẩn vẫn còn vương vãi ở nhiều vùng quê các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Đại Lộc. Giếng nước bị ô nhiễm, nhiều vũng nước đọng, ao tù trở thành mối đe dọa bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết. Bà Lê Thị Hường (thôn 3, xã Duy Thành, Duy Xuyên) nói: “Tất cả các giếng nước trong xóm đều bị nhiễm đục, bốc mùi hôi. Chưa kể hồi lũ mới rút, xác động vật chết, rác thải từ khắp nơi trôi về, dân đeo khẩu trang mà cũng còn thấy khó chịu”. Sau lũ, dù người dân đã tích cực khắc phục ô nhiễm, tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác lại bắt đầu có xu hướng bùng phát.

Thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt mỗi năm, TP.Hội An là một trong những địa phương được cảnh báo dễ bùng phát dịch bệnh sau lũ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hội An cho biết, địa phương đã ghi nhận 20 ca nhập viện vì nhiễm sốt xuất huyết sau đợt lũ gần nhất, các ca bệnh này xuất phát rải rác ở các địa bàn trong thành phố. Các chợ, trường học, lò giết mổ, những khu vực tập trung đông dân cư đều tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện và bùng phát dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.

Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn Quảng Nam đã có 1.330 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thành lập các đội chống dịch lưu động, tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt muỗi. Từ đầu tháng 11 đến nay đã xử lý 115 ổ dịch nhỏ trên địa bàn.

Bác sĩ Võ Quang Lợi - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, từ sau lũ rút đến nay đã có gần 30 trường hợp nhập viện vì nhiễm sốt xuất huyết, rải rác ở địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An...  Tính từ đầu tháng 11 có 8 huyện, thành phố xác nhận xảy ra bệnh sốt xuất huyết với hơn 60 ca bệnh. Trong đó, nhiều nhất là TP.Hội An với 22 ca, huyện Duy Xuyên có 16 ca, huyện Điện Bàn 8 ca, huyện Đại Lộc 7 ca, các huyện lân cận mỗi huyện có từ 2 - 4 ca mắc bệnh. “Dù chưa có trường hợp nào tử vong vì nhiễm sốt xuất huyết, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ vẫn được cảnh báo đồng thời với việc triển khai các biện pháp phòng chống. Hiện tại, tất cả các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện đều được lưu ý về việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đảm bảo kịp thời có hướng xử lý, kiểm soát không để bùng phát và lây lan” - ông Lợi nói.

Tập trung phòng chống

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh sau lũ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã sớm triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh xuất hiện và lây lan. Ngoài số thuốc, hóa chất đã được cấp phát từ trước mùa mưa bão để ứng phó với nguy cơ dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng vừa tăng cường thêm 400kg cloramin B, 65.000 viên khử trùng nước và nhiều hóa chất khử khuẩn khác để bảo đảm cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân vùng bị ngập lụt. Lực lượng chuyên trách của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã có mặt tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP.Hội An ngay sau khi lũ rút để kiểm tra, xử lý môi trường. Các địa phương đã chủ động tiến hành phun khử trùng, tuyên truyền vận động người dân khắc phục môi trường khu vực sinh sống để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Tại Hội An, 7 xã phường bị ảnh hưởng bởi lũ đã được tiến hành phun khử trùng ngay sau khi lũ rút, đặc biệt là các khu vực tập trung dân cư như Quảng trường sông Hoài, các chợ, trường học, lò giết mổ gia súc... Tại Đại Lộc, dù chỉ ghi nhận 8 ca phải nhập viện do bệnh sốt xuất huyết rải rác ở các xã, mọi diễn biến về tình hình dịch bệnh vẫn được giám sát chặt chẽ, kịp thời có biện pháp phòng chống dịch bùng phát. Ông Võ Hồng Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đại Lộc cho biết thêm: “Trên địa bàn huyện chưa xuất hiện ổ dịch, dịch bệnh cũng chưa có biểu hiện bùng phát và lây lan nhưng công tác giám sát vẫn được thực hiện chặt chẽ từ cấp cơ sở. Một lượng lớn cloramin B đã được chuẩn bị để sát khuẩn những khu vực tập trung đông dân cư và có nguy cơ cao xảy ra dịch tả. Cùng với đó, cơ số lớn hóa chất sát khuẩn diệt muỗi, bọ gậy gây bệnh sốt xuất huyết cũng được điều động để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh có thể xảy ra”.

Để phòng ngừa dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh theo các nội dung tập huấn đã được triển khai. “Người dân nên giữ gìn vệ sinh sau đợt ngập úng. Nước rút đến đâu nên làm vệ sinh sạch sẽ đến đó. Cần lưu ý diệt ruồi, bọ gậy ở những nơi nước tù. Nếu phát hiện người nhà có hiện tượng sốt cao, tiêu chảy kéo dài cần đưa bệnh nhân đến viện điều trị kịp thời, phòng ngừa bệnh lây lan” - ông Võ Quang Lợi, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nói.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống dịch bệnh sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO