Phòng chống dịch bệnh vật nuôi

MINH PHƯỜNG - GIA KHANG 13/10/2016 08:30

Để chủ động ứng phó dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thời gian qua huyện Đại Lộc đã triển khai các biện pháp phòng ngừa tích cực.

Chủ động phòng ngừa

Theo ông Phan Thanh Thiên - Trưởng trạm Thú y huyện Đại Lộc, vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện ít xảy ra dịch bệnh nguy hiểm nhưng địa phương vẫn chủ động triển khai công tác phòng ngừa. Thời tiết chuyển biến phức tạp nên vật nuôi không kịp thích nghi dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh bệnh. Biện pháp đầu tiên được đặt ra là thực hiện kế hoạch tiêm phòng và tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm. Mỗi năm Trạm Thú y huyện đều phối hợp với các trạm thú y địa phương thực hiện hai đợt tiêm phòng chính gồm đợt 1 vào tháng 3, 4 và đợt 2 vào tháng 8, 9. Ngoài ra, Cục Thú y tỉnh cũng thực hiện cung ứng, cấp phát thuốc khử trùng cho Trạm Thú y huyện và các xã từng xảy ra dịch bệnh để tăng cường phòng ngừa…

Công đoạn dọn vệ sinh chuồng trại được chú trọng.
Công đoạn dọn vệ sinh chuồng trại được chú trọng.

Báo cáo của Trạm Thú y huyện Đại Lộc cho biết, tính đến ngày 23.9 hơn 15 nghìn liều vắc xin đã được tiêm phòng cho đàn trâu, bò, chiếm hơn 91% tổng số lượng. Đối với đàn heo, đã tiêm được gần 19 nghìn liều, chiếm 52% số lượng. Riêng với gia cầm, hơn 20 nghìn liều đã được tiêm. Chủ yếu, các loại vắc xin phòng bệnh gồm: lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh, tụ huyết trùng, dịch tả... Ông Thiên cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây ra dịch bệnh, thứ nhất là vì thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ xảy ra liên tiếp; việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tăng cao, con vật được chuyển từ các nơi về không có nguồn gốc rõ ràng dễ mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan trong việc phòng chống dịch. Vì vậy, để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định ngay khi bước vào thời điểm giao mùa, Trạm thú y của huyện đã tập trung triển khai công tác phòng chống dịch bệnh quyết liệt và toàn diện.

Tăng cường vệ sinh chuồng trại

Ngoài những biện pháp phòng chống của của các cấp ban ngành, Trạm Thú y huyện cũng khuyến khích bà con tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại. Ông Lê Công Nhược, trú thôn Phú Thuận (xã Đại Thắng, Đại Lộc) người có kinh nghiệm nuôi gà gần 20 năm cho biết, năm 2010, gần 14 nghìn con gà của trang trại ông chết do dịch bệnh, gây tổn thất nặng nề. Rút kinh nghiệm, những năm sau này ông luôn chú trọng tăng cường việc dọn vệ sinh chuồng trại và đảm bảo độ ấm, thoáng mát cho vật nuôi, dù công đoạn dọn vệ sinh tốn khá nhiều thời gian nhưng bù lại đã hạn chế rất nhiều nguy cơ mầm bệnh lên đàn gia cầm. “Tôi thường dọn vệ sinh vào sáng sớm khoảng từ 4 giờ đến 9 giờ để khi nắng lên không bốc mùi hôi thối. Biện pháp này có tác dụng rất quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển ngay trong chuồng. Ngoài ra, vào mùa nắng thì tôi lắp đặt máy quạt điện để chuồng trại thoáng mát. Còn mùa mưa thì giăng bạt che chắn nhằm giữ độ ấm. Ngoài khâu dọn vệ sinh, tôi cũng thực hiện tiêm phòng vắc xin theo đợt 2 lần/tuần” - ông Nhược chia sẻ.

Với tinh thần sẵn sàng, chủ động trong phòng chống dịch bệnh như hiện tại, dự báo thời tiết giao mùa năm nay sẽ hạn chế tương đối những thiệt hại do bệnh dịch gây ra trên đàn vật nuôi trong dân. Đặc biệt, với phương châm ứng phó kịp thời, hiện tại ngành thú y cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án và dụng cụ ứng phó, từ những phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chuyên dụng đến thuốc, vắc xin cần thiết để kịp thời bao vây, dập tắt khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Quang - Phó phòng NN& PTNT huyện Đại Lộc, cho hay: “Để đi trước một bước trong phòng chống dịch bệnh, hàng năm Phòng Nông nghiệp đều phối hợp với trạm thú y tổ chức tiêm phòng vắc xin theo mùa. Đồng thời các phương án chống dịch luôn được rà soát, theo dõi tích cực. Trạm thú y cũng tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp để người dân hiểu và chủ động phòng ngừa tránh gây thiệt hại và khả năng lây lan sang người. Khuyến khích hộ chăn nuôi chú trọng việc dọn vệ sinh chuồng trại nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát triển. Hiện nay, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất chuyên dụng hiện đại chưa được đầu tư là hạn chế lớn nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh”.

MINH PHƯỜNG - GIA KHANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống dịch bệnh vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO