Với hơn 10.000 công nhân lao động, trong khi điều kiện làm việc, ăn ở sinh hoạt tại các nhà trọ tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng, TP.Tam Kỳ chật chội tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nếu xuất hiện trường hợp F0; vì vậy chính quyền địa phương và các doanh nghiệp liên quan đã xây dựng nhiều phương án ứng phó.
Tuân thủ 5K
Chiều 3.8, rảo quanh chợ Kim Thành và chợ tạm sát đường dẫn vào KCN Tam Thăng, phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận không khí khá im ắng, khác với hình ảnh họp chợ đông đúc trước đây. Giờ tan ca, công nhân nữ ghé các ki-ốt thịt cá, rau xanh tranh thủ mua hàng rồi về phòng trọ.
Chị Trần Thị Dung, công nhân may, quê ở xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) cho biết, ngày thường sau giờ tan ca công nhân thường rủ nhiều người đi chợ nấu ăn; tuy nhiên khi được công ty và chính quyền tuyên truyền tuân thủ thông điệp 5K, mọi người đều ý thức giữ khoảng cách với nhau. Các quán ăn tại đây cũng chỉ bán đem về.
UBND xã Tam Thăng cho biết, tại khu chợ tạm ở thôn Vĩnh Bình có ít nhất 50 ki-ốt cho tiểu thương thuê chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt tại chỗ cho công nhân ở trọ. Toàn xã có 246 hộ kinh doanh mở quán ăn, tập trung phần lớn ở các thôn Vĩnh Bình, Thạch Tân, Thái Nam nằm trong KCN.
Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng - Châu Thanh Phong cho biết, toàn KCN Tam Thăng có 23 công ty, xí nghiệp đang hoạt động với hơn 10.000 công nhân lao động. Tại địa bàn, qua thống kê có 1.100 phòng trọ, nhà ở cho thuê, với khoảng hơn 2.000 công nhân lưu trú.
“Địa phương thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 từ cấp xã đến thôn, mỗi ngày đi từng ngõ, gõ từng phòng trọ tuyên truyền, vận động công nhân tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế” - ông Phong nói.
Chủ động phương án xử lý
Để vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, chính quyền tỉnh nhất quán chủ trương không “ngăn sông cấm chợ” trong hoạt động giao thương của doanh nghiệp. Tuy nhiên, yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN phải chủ động xây dựng phương án cách ly cụ thể đối với từng tình huống.
Các công ty phải có phương án khi chưa có ca bệnh; khi phát hiện ca bệnh và phương án xử lý; phương án xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị bệnh; bố trí nơi ăn, ở tập trung cho người lao động; phương án tổ chức sản xuất khi xuất hiện ổ dịch.
Đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai - chủ đầu tư KCN Tam Thăng cho biết, thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, tại KCN Tam Thăng mỗi doanh nghiệp tự bố trí khu cách ly; thực hiện nghiêm túc phương châm 3 tại chỗ (ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi tại chỗ).
Tại KCN, các phương án phòng chống kiểm soát dịch bệnh Covid-19 siết chặt hơn, bởi nếu xuất hiện ca dương tính lây nhiễm tại khu vực ăn uống, lưu trú của công nhân sẽ dễ dẫn đến có nhiều hình thái lây nhiễm như giữa các công ty với nhau, lây nhiễm giữa công nhân với công nhân trong công ty.
Thu hút lực lượng lao động đông nhất ở KCN này là Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng với khoảng 7.000 công nhân. Công ty đã bố trí khoảng 300 chỗ ở cho người lao động tại khu nhà ở công nhân (phường An Phú, Tam Kỳ). Trong tình huống xuất hiện ca dương tính ở KCN hoặc tại công ty, thì khu nhà ở xã hội sẽ là nơi cách ly tập trung cho trường hợp F1.
Cũng theo Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai, tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tại KCN Tam Thăng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, như yêu cầu công nhân lao động tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, sát trùng, khử khuẩn trước khi vào làm việc, khai báo y tế.