Là đơn vị có nhiệm vụ chốt chặn để kiểm tra tất cả loại xe vận chuyển gia súc, gia cầm đi vào địa phận Quảng Nam từ phía nam - giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi, Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi vẫn đang thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình.
Siết chặt khâu kiểm tra
Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi đóng tại địa phận thôn Đông Yên [[(xã Tam Nghĩa]], huyện Núi Thành), cách ranh giới giữa Quảng Nam – Quảng Ngãi khoảng 3km. Hiện nay, các xe chở gia súc, gia cầm từ các tỉnh phía nam ra đều được kiểm soát chặt chẽ. Ông Châu Ngọc Phương - Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi cho hay: “Bình thường, có khoảng 3 - 4 lượt xe chở gia súc, gia cầm đi qua trạm trong một ngày. Các xe này đều dừng lại để kiểm tra, tuy nhiên do nhiều tỉnh chưa công bố dịch nên sau khi kiểm tra hành chính, biết nguồn gốc xuất xứ gia súc, gia cầm nếu không nằm trong vùng dịch thì chúng tôi phun hóa chất tiêu độc, khử trùng rồi sẽ cho xe tiếp tục lưu thông”. Theo ông Phương, hiện trạm có 3 cán bộ túc trực cả ngày lẫn đêm để kiểm soát tình hình. Nhiệm vụ chính của trạm là kiểm tra hành chính về các loại giấy tờ liên quan, phát hiện các trường hợp vận chuyển động vật không đúng quy định, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Chỉ khi nào có tỉnh khác công bố dịch thì mới có thể cấm các xe chở gia súc, gia cầm của tỉnh đó lưu thông vào địa phận Quảng Nam.
Phun hóa chất tiêu độc cho xe chở gia cầm đi vào địa phận Quảng Nam tại Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi vào sáng 13.2.Ảnh: Đoàn Đạo |
Theo ông Phương, vì lợi nhuận, sợ bị phạt do vi phạm, nhiều chủ phương tiện vẫn chỉ đạo tài xế lén vượt trạm. Ông Phương nói: “Hiện tượng lén vượt trạm của các xe chở gia súc, gia cầm luôn diễn ra. Nhất là vào ban đêm, lợi dụng lúc khuya các xe thường có dấu hiệu vượt trạm không dừng lại để chúng tôi kiểm tra xe. Chúng tôi đã có cách khắc phục khá hiệu quả là phối hợp liên lạc chia sẻ thông tin giữa những trạm ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với nhau. Ví dụ như khi có một xe chở gia cầm từ Phú Yên lưu thông ra hướng Đà Nẵng thì trạm ở Phú Yên sẽ thông báo cho các trạm ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam biết trước để dễ dàng kiểm tra và ngược lại chúng tôi sẽ thông báo cụ thể biển kiểm soát xe, màu sơn, loại gia súc, gia cầm vận chuyển trên xe… cho các trạm phía trong”. Đối với các xe cố tình bỏ chạy, Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi cũng đã đưa ra phương án xử lý bằng cách phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an huyện Núi Thành để kịp thời bắt giữ. Đặc biệt, những ngày gần đây khi dịch cúm gia cầm bùng phát, nhất là từ lúc nhận được Công điện số 02 của Chủ tịch UBND tỉnh, Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi đã tăng cường cảnh giác, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để ứng phó với công tác phòng ngừa việc xe chở gia cầm mang mầm mống dịch cúm từ các địa phương khác vào Quảng Nam. Đơn vị cũng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hóa chất để kịp thời phục vụ khâu phòng, chống dịch. “Khi xe chở gia súc, gia cầm dừng lại sẽ có một cán bộ kiểm tra xe, kiểm tra các loại giấy tờ liên quan và một cán bộ thực hiện nhiệm vụ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Nếu không có vấn đề gì trở ngại thì chúng tôi mới đồng ý cho xe tiếp tục lưu thông” – ông Phương nói.
Vẫn gặp khó
Dù đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhưng Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi vẫn còn gặp phải không ít khó khăn khiến công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch cúm gia cầm và các loại bệnh nguy hiểm khác trên vật nuôi bị hạn chế. “Khó khăn đầu tiên là cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương nơi chúng tôi đóng chân. Bởi lẽ, trên địa bàn xã Tam Nghĩa có nhiều đường đi khác để các xe chở gia cầm lẩn trốn trạm như đường Thanh niên ven biển nối Quảng Nam – Quảng Ngãi. Nếu chính quyền địa phương không phối hợp lập các trạm kiểm soát lưu động ở một số khu vực này thì chúng tôi cũng đành chịu khi không thể đi tuần tra do chúng tôi không được quyền làm việc này. Cái khó thứ hai là về mặt chế tài, trạm không được quyền xử phạt, nếu phát hiện vi phạm chỉ lập biên bản rồi báo cáo về Chi cục Thú y tỉnh hoặc UBND xã Tam Nghĩa cử người đến để tiếp nhận và ra quyết định xử phạt” – ông Phương cho biết.
Công tác chốt chặn phòng, chống dịch của Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi lại càng khó khăn khi đơn vị không có cơ sở pháp lý để bắt buộc chủ các phương tiện phải dừng xe. Ông Châu Ngọc Phương thừa nhận: “Không có quy định nào cho quyền chúng tôi được dừng xe, kiểm tra xe nên dù phát hiện nghi vấn cũng không thể truy đuổi, bắt buộc phải dừng xe cả. Việc này càng khó khăn bội phần khi có dịch xảy ra”. Các cán bộ của trạm này cho biết thêm, vào mùa dịch khi người vận chuyển gia cầm không thể vận chuyển gia cầm sống ra khỏi vùng dịch thì họ thường giết mổ lén lút tại chỗ, cho vào các thùng chứa thịt heo rồi vận chuyển bằng xe đông lạnh chuyên dụng. Chính vì vậy, dù phát hiện nghi vấn nhưng cán bộ trạm cũng đành bó tay. “Những lúc ấy, chỉ bằng sự quen biết với lực lượng cảnh sát giao thông chúng tôi điện thoại trực tiếp với họ để nhờ họ chặn xe giúp, báo cáo thanh tra của Chi cục Thú y tỉnh để đến hiện trường áp tải về xử phạt nếu đúng xe đó vi phạm. Chứ xe vượt khỏi trạm rồi thì chúng tôi không còn quyền gì nữa” - ông Phương nói.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ cần phải sớm tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành thú y cho Trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi để công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch được thuận lợi, bài bản hơn, nhất là trong giai đoạn dịch cúm gia cầm và nhiều loại bệnh nguy hiểm khác trên vật nuôi đang bùng phát mạnh như hiện nay.
MAI NHI - ĐOÀN ĐẠO