Phòng chống dịch sốt xuất huyết: Trách nhiệm của cả cộng đồng

NGUYỄN DƯƠNG 20/07/2017 08:39

Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực để phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát, lây lan trên diện rộng nhưng đến nay, tình hình vẫn diễn ra khá phức tạp với nhiều ca bệnh liên tục xuất hiện.

Người dân cần được tuyên truyền rộng rãi để cùng chung tay đẩy lùi dịch SXH đang diễn ra phức tạp. Ảnh: N.D
Người dân cần được tuyên truyền rộng rãi để cùng chung tay đẩy lùi dịch SXH đang diễn ra phức tạp. Ảnh: N.D

Nỗ lực chống dịch

Tình hình dịch bệnh SXH trên cả nước hiện nay đang diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương với các ca bệnh tăng cao như: TP.Hồ Chí Minh với hơn 12.500 ca bệnh, Hà Nội hơn 3.000 ca, An Giang hơn 2.300 ca... và đã có 14 trường hợp tử vong. Trên địa bàn Quảng Nam, tính đến thời điểm hiện tại đã có 1.320 ca mắc bệnh SXH, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2016, nằm rải rác ở 176 xã, phường tại 16/18 huyện, thành phố. Phát hiện và xử lý 41 ổ dịch tại các địa phương như: Điện Bàn, Tam Kỳ, Phú Ninh, Nông Sơn, Núi Thành, Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình, cao nhất là ở Điện Bàn với 23 ổ dịch.

“Với tình hình hiện nay cũng như sắp bước vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lăng quăng, bọ gậy. Nếu không có biện pháp chủ động phòng chống dịch thì nguy cơ dịch bùng phát trong thời gian đến rất cao. Chính vì vậy, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp trên địa bàn để có sự chỉ đạo kịp thời, thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch trong thời gian tới” - ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết. Theo đó, các cơ sở, cán bộ y tế của mỗi địa phương, mỗi ban ngành cần giám sát chặt chẽ các địa phương có số ca mắc SXH cao, những ổ dịch cũ và những địa hương có nguy cơ cao bùng phát dịch. Đặc biệt là việc giám sát véc tơ định kỳ tại các địa bàn trọng điểm tại các xã điểm, đồng thời cung cấp đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động xử lý và chống dịch. “Hiện tại, các cơ sở y tế đều đã có mạng để báo cáo trực tiếp trên phần mềm bệnh truyền nhiễm TT54, qua đó cập nhật để phát hiện, xử lý kịp thời trường hợp ghi nhận SXH để diều tra, giám sát và xử lý sớm...” - ông Hoàn nói thêm.

Cần sự chung sức

Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cùng các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... ký kết văn bản phối hợp phòng chống dịch bệnh và sẽ đẩy mạnh công tác này thời gian tới. Đối với trường hợp trong khu dân cư có 3 - 4 ca mắc bệnh SXH nhưng chưa phun thuốc tiêu độc, khử trùng do phải kiểm tra môi trường sống đó ra sao mới có thể tiến hành phun thuốc như yêu cầu của người dân. “Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh trong khu dân cư, cán bộ y tế cần xuống kiểm tra tình hình, khoanh vùng và xác định đã đảm bảo môi trường sống hay chưa. Ví dụ như phát hiện ra các bể chứa nước ngoài trời có thể làm nơi sinh sống cho muỗi thì phải dọn sạch và tiến hành phun thuốc mới hiệu quả” - ông Trần Văn Hoàn giải thích. Để đảm bảo dịch SXH không bùng phát, lây lan trên diện rộng người dân cần phải chung tay với các cơ quan chức năng để làm sạch môi trường sống. Đồng thời cũng khuyến cáo người dân, khi bị sốt hãy đến ngay trung tâm y tế để được chăm sóc và xác định có phải dịch SXH hay không, qua đó kịp thời có phương án ứng phó.

Vừa qua, đoàn công tác phòng chống dịch SXH của Viện Pasteur Nha Trang đã có buổi thị sát thực tiễn tại Quảng Nam để kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Ông Lê Xuân Huy - Viện phó Viện Pasteur Nha Trang cho biết, qua kiểm tra tại xã Quế Châu, Quế Sơn - nơi có nhiều ca mắc bệnh trong thời gian gần đây (96 ca) cho thấy, công tác đảm bảo vệ sinh chưa được thực hiện tốt. “Đây là vấn đề quan trọng, then chốt nhất trong việc phòng chống dịch SXH, bởi một khi còn có môi trường cho muỗi sinh sống thì dịch bệnh còn lây lan. Thế nhưng, công tác này vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết khi ý thức của người dân chưa cao. Cần tuyên truyền, vận động để cả cộng đồng vào cuộc, vì đây là trách nhiệm chung chứ không riêng của một ai, cá nhân hay tổ chức nào” - ông Huy nói. Cũng theo ông Huy, để làm được điều này, các ngành chức năng cần phối hợp với các cơ quan đoàn thể có những hoạt động trực tiếp như đoàn thanh niên hay các em học sinh các cấp. “Đây là những lực lượng năng động, liên quan trực tiếp ở mỗi gia đình. Và thực tiễn ở Khánh Hòa cũng đã áp dụng mô hình này rất tốt. Như với học sinh cấp 2 - 3 hay các đoàn viên thanh niên có thể trở thành lực lượng xung kích trong việc dọn sạch môi trường sống, cũng là một tuyên truyền viên cho chính gia đình của mình trong việc chung tay đẩy lùi SXH” - ông Huy cho biết.

Ngoài ra, việc thiếu hụt cán bộ y tế xử lý bệnh tại các cơ sở y tế địa phương cũng cần được khắc phục. Tại Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn, tại khoa Nhiễm chỉ có một bác sĩ trực cả 25 giường bệnh. “Giả sử chỉ cần 10 người mắc bệnh cùng lúc thì một bác sĩ khó có thể đảm bảo chạy chữa cho tất cả được. Thêm vào đó, vật tư y tế tại đây cũng đang thiếu rất nhiều. Vì vậy, cần phải có sự hỗ trợ tương thích để khắc phục tình trạng này” - ông Lê Trung Nghĩa - Trưởng khoa Phòng chống (Viện Pasteur Nha Trang) nói. Ông Nghĩa cũng lưu ý về việc dịch chuyển bệnh nhân SXH có thể đang diễn ra trên địa bàn, nhất là khu vực Điện Bàn - nơi tập trung nhiều người dân ngụ cư, thường hay di chuyển khiến phát sinh thêm nhiều ổ dịch. Vì vậy, công tác kiểm soát véc tơ SXH cần phải được đảm bảo.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống dịch sốt xuất huyết: Trách nhiệm của cả cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO