Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Khó ngăn chặn mầm bệnh

NGUYỄN SỰ - THÀNH CÔNG 07/08/2019 14:23

Dịch bùng phát mạnh, số lượng heo mắc bệnh quá lớn khiến chính quyền nhiều địa phương “đuối sức” trong việc tiêu hủy. Trong khi đó, khâu kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn sẽ tiềm ẩn nguy cơ mầm bệnh lây lan diện rộng...

Do số lượng heo mắc bệnh quá lớn, trong khi đó lực lượng lại rất mỏng nên có một số thời điểm chính quyền cấp cơ sở thấy “đuối sức” trong việc tiêu hủy. Ảnh: C.S
Do số lượng heo mắc bệnh quá lớn, trong khi đó lực lượng lại rất mỏng nên có một số thời điểm chính quyền cấp cơ sở thấy “đuối sức” trong việc tiêu hủy. Ảnh: C.S

Chính quyền cơ sở “đuối sức”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên tại xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) vào ngày 11.7. Gần 1 tháng nay, hầu như ngày nào tại địa phương này cũng phát sinh heo mắc bệnh. Ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho hay, mầm bệnh phát tán với tốc độ quá nhanh, đã phủ khắp 7/7 thôn của xã và những ngày gần đây số heo bị nhiễm dịch liên tục tăng mạnh. Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến chiều ngày 6.8 toàn xã đã có 511 con heo của 117 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng gần 34,7 tấn heo hơi. Số lượng heo bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi quá lớn, trong khi đó lực lượng tham gia chống dịch của xã mỏng (5 người) và phải tỏa đi nhiều nơi nên quá trình xử lý heo mắc bệnh có thời điểm bị chậm trễ so với yêu cầu. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho vi rút gây bệnh lây lan.

12 xã tái bùng phát dịch Theo Chi cục Chăn nuôi & thú y, hiện nay toàn tỉnh có đến 12 xã, phường tái phát dịch lần 2, gồm: Bình Dương (Thăng Bình), Phú Thọ (Quế Sơn), Điện Ngọc, Điện Thắng Trung (Điện Bàn), Tam Thanh, Hòa Hương, Tân Thạnh (Tam Kỳ), Duy Trung, Duy Thành, Duy Sơn (Duy Xuyên), Tam Xuân 2 (Núi Thành), Trà Tân (Bắc Trà My).

Cũng theo ông Phan Văn Thành, mặc dù đã nỗ lực hết mình nhưng trước áp lực công việc quá lớn, lực lượng chống dịch của địa phương đã thực sự... đuối sức. “Hơn 3 tuần nay, bình quân mỗi ngày tôi nhận từ 20 - 30 cuộc gọi của người dân báo có heo bị mắc dịch, hễ “bụm” chỗ này thì “xì” chỗ kia. Do đội ngũ thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy heo của địa phương quá ít nên ngày nào tôi cũng phải lăn lộn với anh em. Vừa rồi, do cố sức khiêng con heo nái với trọng lượng hơn 200kg, tôi đã bị rạn 2 cái xương sườn” - ông Thành nói.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng

chống dịch tả lợn châu Phi, nhất là đảm bảo khâu tiêu hủy heo mắc bệnh đúng thời gian quy định cũng như quy trình kỹ thuật do cơ quan chuyên môn hướng dẫn, chính quyền xã Quế Xuân 1 vừa thuê thêm 2 lao động và 1 xe cơ giới múc hố chôn.

“Như vậy, hiện nay đội ngũ tiêu hủy heo nhiễm dịch của địa phương có tổng cộng 7 người và 1 xe múc. Hằng ngày, số tiền xã phải chi trả cho số lao động và phương tiện nêu trên là 4 triệu đồng. Tốn kém là vậy nhưng chúng tôi xác định việc phòng chống, khống chế và dập tắt dịch là nhiệm hết sức quan trọng trong thời điểm này” - ông Thành nói thêm.

Dịch tả lợn châu Phi vừa tiếp tục xuất hiện tại phường Cẩm Nam (Hội An) và các xã Phước Năng, Phước Công, thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) khiến nhiều con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy khẩn cấp. Như vậy, hiện nay Quảng Nam đã có 16/18 huyện, thị xã, thành phố bị loại dịch nguy hiểm này gây hại (trừ Đông Giang và Tây Giang).

Trong khi đó, theo Chi cục Chăn nuôi & thú y, 2 ngày qua tại nhiều địa phương khác của tỉnh lại phát sinh thêm gần 2.000 con heo của 410 hộ dân bị mắc bệnh. Qua số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 63.451 con heo của 15.098 hộ dân ở 109 xã, phường, thị trấn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 3.346 tấn heo hơi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, thời gian đầu, dịch xuất hiện lẻ tẻ, việc chống dịch được làm rất tốt. Tuy nhiên, số lượng heo bệnh hiện nay đã tăng đột biến và chưa có dấu hiệu chững lại.

“Các đội xung kích chống dịch ở cơ sở không làm xuể, heo chết trong chuồng quá lâu làm phát tán vi rút gây bệnh. Có địa phương như Thăng Bình, mỗi ngày tiêu hủy hàng chục tấn heo chết. Chúng tôi đã hướng dẫn rất kỹ việc vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng nhưng trong điều kiện người ít, ổ dịch quá nhiều, không thể nào kiểm soát chặt mọi khâu. Qua các đợt kiểm tra đột xuất, chúng tôi cũng đã phát hiện, làm việc với địa phương đề nghị chấn chỉnh. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi & thú y đang tiếp tục đi kiểm tra, nhắc nhở việc xử lý chôn lấp và một số hoạt động liên quan” - ông Nam nói.

Khó kiểm soát giết mổ

Theo ông Nguyễn Thành Nam, việc quản lý giết mổ heo đang là khó khăn rất lớn trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đã được bàn giao cho địa phương. Tuy nhiên, cán bộ thú y ở cơ sở không nhiều, trong bối cảnh đang phải tăng cường tối đa để kiểm tra tình hình dịch bệnh, giám sát heo chết, kiểm tra con mắc bệnh để tiêu hủy, sẽ không đủ lực lượng kiểm tra lượng heo giết mổ.

“Không kiểm soát được giết mổ cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đây đang là tồn tại lớn mà ngành chăn nuôi gặp phải ở thời điểm hiện tại. Trước đây, Bộ NN&PTNT yêu cầu trước khi giết mổ phải lấy mẫu máu xét nghiệm để kiểm tra tình trạng con heo đem giết thịt có âm tính không, sau đó phải lấy mẫu thịt đưa đi kiểm nghiệm một lần nữa rồi mới cho bán ra thị trường. Tuy nhiên, các cơ sở nhỏ lẻ giết mổ và tiêu thụ trong ngày, nên cán bộ thú y lấy mẫu gửi đi, trong khi họ vẫn cứ bán thịt vì không có thiết bị bảo quản thịt. Chúng tôi đã phản ánh vấn đề này và Bộ NN&PTNT đã có văn bản điều chỉnh theo hướng không xét nghiệm lại mẫu thịt sau giết mổ” - ông Nam nói.

Song song với việc kiểm soát giết mổ, công tác thu gom rác thải, chất thải và tiêu độc khi đưa heo bệnh đi tiêu hủy cũng gặp nhiều áp lực. Một số địa phương chưa thực hiện triệt để việc chống rơi vãi, thu gom chất thải, rác thải và tiêu độc trong quãng đường từ nơi chăn nuôi đến nơi tiêu hủy. Quá trình này qua một loạt tuyến đường có hộ chăn nuôi, cũng là nguy cơ gây lây lan dịch. Nhiều địa phương hiện nay thuê xe vận chuyển heo mắc bệnh đi tiêu hủy nhưng cán bộ tiêu độc đi theo không kịp. Mặc dù đã hướng dẫn quy trình tổ chức vệ sinh, thu gom rác thải, chất thải rồi mới tiêu độc nhưng với tình trạng hiện tại, không có cách nào khác ngoài tiêu độc trên diện rộng.

“Theo nguyên tắc, phải gom rác thải - chất thải, cọ rửa chuồng ở nơi có heo chết sau đó tiêu độc khử trùng. Nhưng số lượng tăng đột biến, heo lại nuôi rải rác, thời gian để heo chết trong chuồng quá lâu khiến dịch dai dẳng và càng lan rộng hơn. Ngoài ra, vẫn còn một số kẽ hở khác mà Chi cục Chăn nuôi & thú y đã chỉ đạo chấn chỉnh như việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học cho cán bộ tham gia dập dịch, song vẫn còn rơi rớt một số nơi chưa làm tốt” - ông Nguyễn Thành Nam nói thêm.

Nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh nhìn nhận, tác động của dịch tả lợn châu Phi ngoài gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi, còn một nỗi lo khác dai dẳng hơn là vấn nạn môi trường. Theo quy định, hố tiêu hủy phải đào sâu hơn 3m, lót bạt, rải vôi, lấp đất, cách xa khu dân cư 300m. Tuy nhiên, về lâu dài, khi số heo này phân hủy, nguy cơ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm là có. Chưa kể nước thải, chất thải từ giết mổ cũng sẽ thấm vào đất gây hại cho mạch nước ngầm, nhất là ở vùng cát. Ngoài ra, thực trạng dễ nhận thấy hơn là việc người dân lén lút mang xác heo chết đi vứt ngoài kênh mương, sông suối, ruộng đồng. Điều này xuất phát từ quan niệm lạc hậu của người dân về việc không mang chôn để “dễ nuôi” sau này. Dù cơ quan chức năng đã tích cực dùng xe lưu động tuyên truyền lẫn tăng cường kiểm soát, nhưng chỉ cần lơ là là tình trạng trên tái diễn. Chính quyền và ngành chuyên môn đã giải thích, vận động rất nhiều nhưng sự chấp hành chưa cao. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến việc phát hiện dịch bệnh chậm, làm lây lan dịch mạnh hơn, và cái “hậu” đáng lo nhất vẫn là yếu tố môi trường.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Khó ngăn chặn mầm bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO