Những ngày qua, thông tin về dịch tả lợn châu Phi khiến người tiêu dùng tại Núi Thành lo ngại, ít sử dụng đến thịt heo; trong khi đó ngành thú y và các địa phương lúng túng trong công tác tuyên truyền, giải thích…
Thiếu thông tin về dịch tả lợn châu Phi gây lo ngại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Ảnh: Văn Phin |
Gặp bà Nguyễn Thị Phú ở xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) đi mua thực phẩm về đám giỗ tại gia đình, bà bộc bạch: “Bữa ni tôi dứt khoát không mua thịt heo mà thay bằng các thứ thịt khác như gà, vịt, bò… Trước đây, trong đám giỗ nhà tôi luôn có món thịt heo luộc hoặc thịt heo rim với tôm, xương heo nấu canh… nhưng mấy bữa nay nghe heo bị dịch tả lợn châu Phi, tôi ngại quá...”. Không riêng gì bà Phú, nhiều chị em nội trợ ở Núi Thành cũng không muốn mua thịt heo và bữa cơm của không ít gia đình thiếu vắng hẳn món thịt vốn quen thuộc trong mâm cơm người Việt. Các bà nội trợ “lắc đầu”, không mua, theo đó, không ít quầy bán thịt heo cũng ế ẩm. Một chủ quầy bán thịt heo ở chợ Chu Lai (xã Tam Nghĩa) chia sẻ: “Do có thông tin về dịch tả lợn châu Phi, quầy bán thịt heo của tôi ít người mua hẳn. Các quầy khác cũng có hiện tượng như vậy”. Tiêu thụ thịt heo ngoài thị trường sụt giảm cũng gây lo lắng cho người chăn nuôi heo, nhất là các chủ trang trại nuôi heo với số lượng lớn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Tiến - cán bộ thú y Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn huyện chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, do thông tin về dịch này bùng phát ở các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ làm người dân lo lắng. Trong khi đó chúng tôi chưa có văn bản hướng dẫn chính thống nào về dịch bệnh này; đến nay, mới chỉ nhận được Công văn số 02 ngày 6.3.2019 của UBND tỉnh “về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống, khống chế dịch bệnh trên đàn lợn”. Do vậy, công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân còn lúng túng”.
Theo các tài liệu khoa học thì virus dịch tả lợn châu Phi là tác nhân gây bệnh sốt ở heo dẫn đến xuất huyết với tỷ lệ tử vong cao và chưa có vắc xin phòng bệnh. Đáng chú ý, dịch tả lợn châu Phi chỉ gây nguy hiểm đến đàn vật nuôi chứ không lây lan và gây nguy hiểm cho con người. Do vậy, vào thời điểm này, các ngành, các cấp, các địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu. Đồng thời, ngành chuyên môn cấp trên sớm có văn bản chính thống thông tin đầy đủ về dịch bệnh trên đàn heo hiện nay. Qua đó giúp người dân nhận thức được mức độ tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi và không xem thịt heo đảm bảo vệ sinh thú y hiện nay là thực phẩm cấm kỵ. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích về dịch tả lợn châu Phi sẽ giúp người chăn nuôi heo yên tâm, tránh được thiệt hại do thông tin về loại dịch bệnh này gây ra.
“Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ tìm hiểu thông tin về dịch tả lợn châu Phi qua mạng internet và những thông tin chưa chính thống cùng công văn về phòng chống dịch của UBND tỉnh. Trong khi đó vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào của ngành chuyên môn cấp trên về dịch tả lợn châu Phi đang gây lo ngại cho người tiêu dùng và người chăn nuôi heo” - ông Đặng Văn Tiến cho biết thêm.
VĂN PHIN