Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
|
Người chăn nuôi heo lo lắng trước dịch tai xanh. Ảnh: VĂN SỰ |
Nhiều bất cập
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tính đến chiều qua 20.2, tại Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Nông Sơn đã có hơn 2.700 con heo nhiễm dịch tai xanh. Theo thống kê chưa đầy đủ, 6 huyện này có ít nhất 550 con heo phải tiêu hủy bắt buộc vì mắc bệnh quá nặng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai tiêm phòng đã có 136 con heo khác chết do phản ứng với vắc xin.
Ông Muộn cho rằng, nguyên nhân khiến vi rút gây bệnh tai xanh hoành hành là do phát hiện dịch trễ, để phát tán ra diện rộng rồi mới báo cáo. Hơn nữa, dịch xảy ra trong thời điểm nghỉ tết nên các địa phương giấu dịch. Đặc biệt, ở nhiều nơi việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch còn quá chậm, lúng túng, chưa triệt để. Ông Muộn nói thêm: “Những ngày qua công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh ở tuyến cơ sở vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể là chưa hướng dẫn người dân cách ly, chăm sóc, nuôi dưỡng heo bệnh, để số heo chết, phải tiêu hủy khẩn cấp tăng vọt theo từng ngày. Ví dụ tại xã Quế Cường (huyện Quế Sơn) có ngày số heo chết chiếm đến 50% số heo mắc bệnh”.
Cúm gia cầm bùng phát tại Tam Kỳ Chiều qua 20.2, ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, mới đây tại địa phương đã có gần 2 nghìn con gà và vịt bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm các mẩu bệnh phẩm cho thấy số gia cầm vừa nêu mắc dịch cúm A/H5N1. Các cơ quan có trách nhiệm đã khẩn trương tiêu hủy toàn bộ đàn gà, vịt trên. Đồng thời, triển khai đồng bộ những biện pháp cấp bách để khoanh vùng dập tắt dịch, không để lây lan ra diện rộng. |
Theo lãnh đạo ngành thú y tỉnh, thời gian gần đây công tác tiêm phòng bao vây, khống chế dịch, vệ sinh tiêu độc, khử trùng vẫn chưa được thực hiện triệt để, kịp thời. Chẳng hạn, tại xã Đại Tân (huyện Đại Lộc) dịch xảy ra từ ngày 10.2 nhưng đến ngày 18.2 mới bắt đầu tiêm phòng cho những đàn heo ở các vùng đã bùng phát dịch và một số nơi có nguy cơ cao bị vi rút tấn công. Đặc biệt, dù tỉnh đã công bố dịch tai xanh kèm theo yêu cầu nghiêm cấm mua bán, giết mổ, vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo nhưng suốt buổi sáng 20.2, có mặt tại nhiều nơi ở huyện Duy Xuyên và Thăng Bình chúng tôi thấy thịt heo sống vẫn cứ bày bán tràn lan. Trên các trục đường chính dẫn vào những vùng đang xảy ra dịch, không hề thấy băng rôn tuyên truyền, cảnh báo về dịch bệnh...
Thực hiện nghiêm lệnh cấm
Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y Trung ương (Bộ NN&PTNT) cho biết, hôm qua 20.2, khi kiểm tra thực tế tại một số địa phương ở Quảng Nam, ông nhận thấy công tác tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi vẫn chưa được chú trọng. Khâu chốt chặn, vệ sinh môi trường và phun tiêu độc, khử trùng còn thả lỏng. Ông Đông đề nghị: “Để nhanh chóng khống chế và dập tắt vi rút gây bệnh tai xanh, các ngành, địa phương liên quan của tỉnh phải tập trung cao độ cho khâu phòng chống dịch. Trong đó, phải xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh và những đàn heo bị mắc bệnh nặng nhưng điều trị nhiều ngày không thuyên giảm. Đồng thời, quyết liệt tiêm phòng bao vây tại những vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch tai xanh”. Cũng theo ông Đông, tỉnh cần sớm có cơ chế nâng mức hỗ trợ hằng tháng cho đội ngũ thú y tuyến cơ sở để lực lượng này toàn tâm, toàn lực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, nhất là trong khâu tiêm phòng vắc xin, phun khử trùng, tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh...
Cân trọng lượng heo chết vì nhiễm bệnh trước khi đưa đi tiêu hủy. Ảnh: V.SỰ |
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, thời điểm này, các ngành, địa phương phải xem công tác phòng chống và dập tắt dịch tai xanh là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Để chặn đứng sự phát tán của mầm bệnh, ngoài việc tổ chức phun khử trùng thường xuyên trên diện rộng, phải nghiêm cấm tuyệt đối việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo trên toàn địa bàn tỉnh. “Trong những ngày tới các huyện, thành phố, nhất là 6 địa phương đang có dịch phải nhanh chóng thắt chặt công tác chốt chặn, quản lý địa bàn, kiên quyết xử lý thật mạnh những trường hợp vi phạm lệnh cấm. Khi tiến hành tiêu hủy heo bị mắc bệnh, yêu cầu phải áp dụng triệt để quy trình mà ngành chuyên môn đã hướng dẫn” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang lưu ý, bên cạnh các giải pháp nêu trên, ngành thú y các cấp và chính quyền các địa phương phải huy động tối đa nhân lực, phương tiện gấp rút triển khai tiêm 25 nghìn liều vắc xin tai xanh do Sở NN&PTNT vừa chi viện. Đặc biệt, các cơ quan thông tin đại chúng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong công tác phòng chống dịch...
NGUYỄN VĂN SỰ