Phòng chống đuối nước cho trẻ em ở Đại Lộc: Nhiều biện pháp thiết thực

CÔNG TÚ 16/07/2022 08:26

Địa phương, ngành chức năng, các đơn vị trường học tại huyện Đại Lộc chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng cơ bản để góp phần phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Học sinh học bơi tại bể bơi Trường Tiểu học Hứa Tạo. Ảnh: CT
Học sinh học bơi tại bể bơi Trường Tiểu học Hứa Tạo. Ảnh: CT

Chú trọng thực hành

Gần 2 năm tạm nghỉ do dịch bệnh Covid-19, đầu tháng 6 vừa qua, bể bơi tại Trường Tiểu học Hứa Tạo (thị trấn Ái Nghĩa) lại rộn rã tiếng cười. Gần kết thúc khóa đầu tiên, học sinh tham gia khóa bơi lội đã có thể tự mình thực hiện động tác bơi mà không cần giáo viên phải theo sát chỉ huấn.

“Bể bơi cùng các hạng mục phụ trợ do Nhà nước đầu tư với kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng được đưa vào sử dụng từ năm 2018. Ngoài giáo viên tại chỗ, chúng tôi còn mời giáo viên thể dục ở trường bạn có chuyên môn, nghiệp vụ để dạy bơi. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, mỗi khóa học có hàng trăm học sinh tham gia” - thầy giáo Nguyễn Văn Mua, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hứa Tạo chia sẻ.

Thầy giáo Nguyễn Đại Phước (giáo viên thể dục Trường Tiểu học Hứa Tạo) cho biết, khóa dạy bơi đầu tiên sau khi dịch bệnh được kiểm soát có 104 học sinh theo học, độ tuổi từ lớp 2 đến lớp 5. Do thiếu người, trường đã chủ động liên hệ, hợp đồng với 2 giáo viên thể dục đến từ các trường tiểu học lân cận có nghiệp vụ cùng dạy bơi.

Tại đây, học trò được học kỹ thuật, nắm căn bản kỹ năng bơi, cách cứu người đuối nước; được đào tạo 2 nội dung bơi ếch và bơi ngửa; việc ứng phó nếu gặp dòng nước chảy xa bờ khi tắm biển.

Kết thúc khóa học sẽ có khoảng 98% em biết bơi thành thạo ít nhất một kiểu. Trường cũng sẽ tuyển chọn học sinh có tố chất vào đội tuyển để tiếp tục đào tạo, chuẩn bị tham gia các giải bơi lội.

Tại huyện Đại Lộc, các trường tiểu học Lê Thị Xuyến (xã Đại Hòa), Nguyễn Thị Bảy (xã Đại Minh) và Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa) đều được Nhà nước đầu tư xây dựng bể bơi để dạy cho học sinh.

Kinh phí tổ chức dạy bơi thực hiện từ xã hội hóa, trong đó có sự đóng góp của phụ huynh theo thỏa thuận để nhà trường chi cho bảo trì, làm sạch nguồn nước, quản lý, hợp đồng giáo viên chuyên môn khác về dạy bơi.

Ngoài ra, nhiều hồ bơi do tư nhân đầu tư tại thị trấn Ái Nghĩa, các xã Đại Nghĩa, Đại Đồng hay Đại Quang cũng triển khai dạy bơi cho thanh thiếu niên. Nhờ đó, nhiều gia đình cố gắng cho con em mình theo học vừa rèn luyện thân thể, vừa biết bơi để có thể xoay xở nếu gặp sự cố.

 Nâng cao nhận thức

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc, với chức năng của mình, đơn vị luôn quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống đuối nước.

“Năm 2022, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục các cấp và cán bộ, nhà giáo để đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Mô hình “Dạy bơi an toàn” nơi học đường cũng được khuyến khích nhân rộng. Ngành còn yêu cầu nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa phương về phòng chống đuối nước cho trẻ, nhất là dịp nghỉ hè, nghỉ lễ” - bà Vân nói.

Đại Lộc hiện có 35.414 trẻ em, trong đó hơn 16.000 trẻ dưới 6 tuổi. Từ năm 2020 đến nay, địa bàn huyện xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 4 trẻ em tử vong. Nguyên nhân chủ quan là các em chưa được dạy kỹ năng bơi, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối nước.

Đáng báo động, sự quan tâm quản lý của một bộ phận gia đình đối với con cái chưa sâu sát. Mặt khác, do địa bàn có nhiều sông, suối, ao, hồ, đập; khu vực sông do khai thác cát bừa bãi tạo nên nhiều hố sâu gây nguy hiểm cao. Chính vì vậy, Đại Lộc rất quan tâm triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Đơn cử, năm 2021 đã phối hợp tập huấn cho 25 cán bộ ở 7 xã có nhiều ao, hồ, đập, sông, suối có nguy cơ cao về đuối nước. Mới đây, Phòng VH-TT huyện phối hợp tổ chức lớp tập huấn bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em cho 100 cộng tác viên có chuyên môn bơi lội, học sinh từ 13 - 15 tuổi ở 18 xã, thị trấn.

Ông Đặng Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, xác định phòng chống đuối nước trẻ em là nhiệm vụ rất quan trọng, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, phát hiện kịp thời các công trình chứa nước, ao, hồ, sông suối, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa.

Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, khu dân cư, gia đình, cá nhân về phòng chống đuối nước trẻ em.

Mở rộng dạy kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, dạy bơi. Huyện cũng yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật có liên quan; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với vụ việc gây tử vong trẻ em do đuối nước…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống đuối nước cho trẻ em ở Đại Lộc: Nhiều biện pháp thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO