Lợi dụng khó khăn của nền kinh tế, các đối tượng làm ăn phi pháp đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng phân bón. Trong khi đó, việc ngăn chặn và xử lý vi phạm trên lĩnh vực này hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Thủ đoạn tinh vi
Ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Nam cho biết, thời gian gần đây, phương thức và thủ đoạn của các đối tượng buôn hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Chi cục QLTT của tỉnh, trong năm 2013, lực lượng QLTT đã kiểm tra và phát hiện trên 3.000 vụ vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng quá hạng sử dụng và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Còn riêng trong 4 tháng đầu năm nay, số vụ lực lượng QLTT đã kiểm tra và xử lý lên đến 1.331 vụ vi phạm, xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Lực lượng QLTT bắt giữ hàng gian lận thương mại đang được vận chuyển trên quốc lộ 1. |
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng cho thấy, hiện nay trên thị trường Quảng Nam, đa phần các mặt hàng được làm giả về nhãn mác và xuất xứ hàng hóa. Các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều phương thức hoạt động trá hình nhằm đối phó với việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng như: giấu hàng trong các xe chuyên dùng, xe ô tô đời mới, sử dụng biển kiểm soát giả, thay đổi biển số nhiều lần trên một tuyến đường, thậm chí dùng người theo dõi lực lượng chức năng; sử dụng chứng từ hóa đơn hợp pháp để quay vòng nhiều lần trong ngày và vận chuyển số hàng vượt mức cho phép... Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng. Hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ không những xảy ra đối với hàng hóa thông thường như phân bón, thực phẩm chế biến, quần áo may sẵn, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… mà còn xảy ra với những mặt hàng yêu cầu về khoa học, công nghệ cao như đồ điện, điện tử, đồ trang trí nội thất, thiết bị nhà tắm, mực in…
Theo ông Công, khó khăn hiện nay đối với lực lượng QLTT là mỗi khi xử lý hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, đơn vị thường phải gửi mẫu đi kiểm định, gây tốn kinh phí và mất nhiều thời gian chờ đợi. Hơn nữa các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe nên nhiều khi vì lợi nhuận cao, các đối tượng bất chấp để sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ. Đặc biệt, việc xử lý hàng hóa là thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, động, thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh rất khó khăn trong việc tạm giữ, bảo quản. Đa số các đội QLTT ở các huyện, thành phố hiện nay đều không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, nhất là với loại hàng hóa gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tác động xấu đến môi trường.
Siết chặt quản lý phân bón
Thời gian qua, vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón như phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Theo Cục QLTT (Bộ Công Thương), qua đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón mới đây cho thấy có đến 50% số mẫu chất lượng kém cả về yếu tố vi lượng và đa lượng. Trước tình hình đó, Cục QLTT đã chỉ đạo chi cục QLTT các tỉnh Duyên hải miền Trung cần tập trung mở đợt kiểm tra chuyên ngành về kiểm tra, kiểm soát sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn quản lý. Theo đó, tập trung kiểm tra về giấy phép đăng ký kinh doanh, thực hiện quy định về nhãn hàng hóa, giá bán và niêm yết giá, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng... Sau hơn 1 tháng mở đợt triển khai đồng loạt, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra 22 điểm kinh doanh phân bón, bước đầu đã tiến hành xử lý cảnh cáo 10 vụ và xử phạt hành chính 3 vụ với số tiền 5,5 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu về kinh doanh không đúng mặt hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sử dụng cân có tem kiểm định hết hạn... Tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng QLTT vẫn chưa phát hiện số vụ vi phạm về kinh doanh phân bón hàng nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng bởi mới chỉ dừng lại việc kiểm tra, kiểm soát về điều kiện kinh doanh, nguồn gốc mà chưa có thể kiểm tra, giám định về chất lượng phân bón; muốn làm được đòi hỏi phải có thiết bị và đội ngũ chuyên ngành có trình độ chuyên môn cao mới kiểm định được. Để phát hiện và xử lý phân bón giả không thể nhận biết bằng mắt thường, phải qua kiểm định, nhưng do thiếu kinh phí và chờ kết quả giám định kéo dài nên khó xử lý được kịp thời.
Theo quy định của Chính phủ, hiện nay quản lý về phân vô cơ do Bộ Công Thương, còn quản lý về phân hữu cơ thuộc Bộ NN&PTNT, riêng đối với các loại phân vi sinh thì chưa quy định rõ đơn vị quản lý dẫn tới khoảng trống trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, từ trước đến nay, sản xuất và kinh doanh phân bón không nằm diện hàng hóa sản xuất, kinh doanh có điều kiện nên số cơ sở sản xuất phân bón quá nhiều do việc cấp giấy phép dễ dàng. Cả nước hiện có trên 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón. Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang soạn dự thảo nghị định mới về quản lý sản xuất, buôn bán phân bón theo hướng đưa phân bón vào diện hàng hóa sản xuất, kinh doanh có điều kiện để trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện nhất định thì mới được cấp giấy phép sản xuất phân bón, đồng thời phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng sản phẩm.
HÀ ĐẶNG