Phòng chống HIV/AIDS: Hướng tới mục tiêu 90-90-90

CHÂU NỮ 13/12/2017 13:52

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã và đang nỗ lực hướng đến mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, đây là mục tiêu không dễ đạt được.

Tuyên truyền lưu động phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: C.N
Tuyên truyền lưu động phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: C.N

Lợi ích của xét nghiệm HIV sớm

Mục tiêu 90-90-90 có nghĩa là 90% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV); 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng HIV ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Theo bác sĩ Chế Thị Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, trong các mục tiêu nêu trên, thì mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình là mục tiêu hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu sau. Để biết được tình trạng nhiễm, cần xét nghiệm HIV sớm. Do vậy, chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay là “Xét nghiệm HIV sớm - hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.

Một nam bệnh nhân ở Tiên Phước đang điều trị bằng ARV ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tâm sự, cách đây vài năm anh dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích với bạn bè. Mặc dù luôn lo lắng về tình trạng bệnh của mình và cảm thấy sức khỏe giảm sút nhưng anh vẫn ngại đi xét nghiệm vì sợ bị kỳ thị. “Thậm chí, có lúc tôi nghĩ, HIV là chấm hết nên cũng không muốn đi xét nghiệm. Sau khi được tư vấn xét nghiệm và có kết quả dương tính, tôi dùng thuốc ARV đều đặn gần một năm qua và cảm thấy khỏe mạnh dần dần” - bệnh nhân này nói.

Bác sĩ Chế Thị Việt Hoa khẳng định, một người nhiễm HIV vẫn có thể sống lâu dài và khỏe mạnh nếu được điều trị sớm. Xét nghiệm sớm HIV có nhiều lợi ích. Đó là giúp cho người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân; từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp, hiệu quả, giảm lây lan cho cộng đồng. Khi được điều trị, chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV tăng lên, duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và sống có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chưa kể, khi phát hiện và điều trị sớm, người bệnh giảm được chi phí khám chữa bệnh. “Nhiều người nhiễm HIV dùng thuốc đều đặn, theo đúng phác đồ, có khả năng sống khỏe mạnh bình thường đến 20 - 30 năm. Đối với những người có hành vi nguy cơ như tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng tính..., nên đi xét nghiệm HIV sớm”  - bác sĩ Việt Hoa khuyến cáo.

Nhiều kết quả, lắm khó khăn

Năm 2017, toàn tỉnh thực hiện hơn 5.670 mẫu xét nghiệm, kết quả có 35 trường hợp dương tính; tăng 16,6% so với năm 2016; nâng tổng số người nhiễm HIV toàn tỉnh lên 976 trường hợp. Các trường hợp nhiễm HIV chủ yếu nằm trong độ tuổi 20 - 49 (chiếm hơn 90% trường hợp). Đường lây chủ yếu vẫn là lây truyền qua đường máu do dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy (62%), do quan hệ tình dục (27%), lây truyền từ mẹ sang con chiếm 3% và có 8% số trường hợp không rõ đường lây truyền. Đối tượng nhiễm HIV nhiều nhất vẫn là những người tiêm chích ma túy (35,2%), người hành nghề mại dâm (khoảng 3,7% số trường hợp phát hiện); 24,4% trường hợp phát hiện nhiễm HIV là bệnh nhân nghi AIDS đến khám tại các cơ sở y tế... Bên cạnh đó, các trường hợp bệnh nhân lao phát hiện đồng nhiễm HIV chiếm 5,2%; phụ nữ mang thai nhiễm HIV chiếm 3,8%; phạm nhân tại các trại giam chiếm 10,3%; vợ người nhiễm chiếm khoảng 5,2% trong số các trường hợp bị nhiễm.

Tại Quảng Nam, bên cạnh hoạt động thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, như truyền thông lồng ghép phòng chống HIV/AIDS với phòng chống các tệ nạn xã hội; truyền thông trực tiếp, truyền thông qua các cuộc thi, giao lưu; qua tờ rơi, pa nô, áp phích...; thì hoạt động giám sát, tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV rất được quan tâm. Năm 2017, trong số 1.130 người được tư vấn trước xét nghiệm có đến 1.125 người làm xét nghiệm. Nhiều trường hợp, cả người thân và người có liên quan (cha mẹ, vợ con, bạn tình...) đều tham dự các buổi tư vấn và làm xét nghiệm. Bác sĩ Việt Hoa cho biết, nhằm giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, hiện nay 18/18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã triển khai hoạt động can thiệp giảm hại, tập trung chủ yếu can thiệp trong nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm. Quảng Nam có mạng lưới cộng tác viên phủ khắp các xã, phường, thị trấn và có 20 thành viên nhóm tiếp cận cộng đồng về nghiện chích ma túy. Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh còn tổ chức phát bao cao su miễn phí, thu gom và tiêu hủy bơm kim tiêm bẩn... Riêng chương trình cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone hiện có 386 người điều trị. Bước đầu, chương trình đã cho những kết quả khả quan trong việc góp phần giảm lây nhiễm HIV cũng như giảm hoạt động phạm tội.

Bác sĩ Chế Thị Việt Hoa nhận định, dịch HIV/AIDS ở Quảng Nam đã có dấu hiệu chững lại, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,1% dân số, đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, do sự chững lại chưa có tính bền vững nên hiện nay dịch vẫn tiếp tục lây lan với một số thay đổi đáng lưu ý như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai… “Nhìn chung, dịch HIV/AIDS tuy không còn tăng mạnh như các năm trước, nhưng đã có sự thay đổi hình thái dịch. Tỷ lệ lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy tuy có giảm song vẫn chiếm đa số trường hợp phát hiện; trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn vẫn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Qua đó cho thấy, mặc dù đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS ở Quảng Nam vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn” -  bác sĩ Chế Thị Việt Hoa nói.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống HIV/AIDS: Hướng tới mục tiêu 90-90-90
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO