Phòng chống HIV/AIDS cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội trong nỗ lực “ba không”: Không còn người nhiễm mới, không còn tử vong vì HIV, không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho bệnh nhân nhiễm HIV (ảnh minh họa). |
Những con số
Tính đến ngày 31.12.2011, tổng số các trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện ở Quảng Nam là 701 người; trong đó có 352 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 277 trường hợp tử vong do AIDS và liên quan. Trong toàn tỉnh, Tam Kỳ là nơi có số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện cao nhất (80 người), tiếp theo là Thăng Bình (78 người), Phước Sơn (77 người), Điện Bàn (69 người). Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh nhận định: “Sự phát triển về kinh tế - xã hội trong những năm gần đây đã kéo theo nhiều tệ nạn nhất là khu vực tập trung nhiều công nhân, người lao động, các điểm du lịch... Tệ nạn tiêm chích ma túy vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tại các khu khai thác vàng và khoáng sản ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Ngoài các yếu tố đó, HIV đã lây ra cộng đồng qua các đối tượng như vợ, con người nhiễm HIV, các bạn tình của người nhiễm HIV”.
Bên cạnh hệ thống giám sát phát hiện, với sự hỗ trợ từ “Dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS tại Việt Nam” (LIFE-GAP) nằm trong chương trình hợp tác Bộ Y tế Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) qua dịch vụ Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, bí mật, miễn phí từ cuối năm 2004 đến nay đã phát hiện 587 trường hợp nhiễm HIV, số trường hợp này có thể trùng với các trường hợp phát hiện qua hệ thống giám sát và một số trường hợp mới nhưng theo nguyên tắc bí mật, giấu tên. Tuy vậy, theo cách ước tính dự báo áp dụng đối với các tỉnh khu vực miền Trung của Bộ Y tế, con số thực tế nhiễm HIV tại Quảng Nam ước tính gấp khoảng từ 2 đến 3 lần số trường hợp phát hiện.
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trên toàn tỉnh là 42 người/100.000 dân (thấp hơn so với tỷ lệ hiện nhiễm HIV chung trong toàn quốc 176 người/100.000 dân). Riêng năm 2011 phát hiện 69 trường hợp nhiễm HIV, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS là 32 người; có 16 trường hợp tử vong do AIDS và các bệnh liên quan. Chỉ so sánh giữa năm 2011 và 2012, số người nhiễm HIV giảm 6,76%; số bệnh nhân AIDS giảm 25,58% và số tử vong do AIDS giảm 44,83% chứng tỏ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai có hiệu quả, đúng đối tượng. |
Phân tích đặc điểm dịch tễ học số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện qua các năm (chỉ phân tích các trường hợp phát hiện qua hệ thống giám sát, có tên, tuổi, địa chỉ rõ ràng và giám sát được) cho thấy những năm đầu thực hiện, đối tượng phát hiện đều trên 40 tuổi nhưng càng về sau đối tượng càng trẻ hóa ở độ tuổi 20 đến 30. “Đối tượng từ 20 đến 39 chiếm 83%, trong đó tuổi từ 20 đến 29 chiếm 50% tổng số người nhiễm HIV là điều cực kỳ lo ngại hiện nay trong công tác phối hợp phòng chống HIV/AIDS” - ông Kiệm cho biết.
Xu hướng dịch HIV/AIDS của Quảng Nam không còn khu trú trong các đối tượng nguy cơ cao: tiêm chích ma túy, gái mại dâm, bạn tình của họ mà đã lan ra cộng đồng. Các trường hợp mắc bệnh ngày càng trẻ hóa là lực lượng lao động chính của xã hội trong những năm về sau và chủ yếu là nam giới. Đối tượng nhiễm nhiều nhất vẫn là người nghiện chích ma túy. Dịch đã lan ra tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, đến tận các xã vùng vùng sâu vùng xa. Một vài địa phương trên địa bàn tỉnh, dịch đã ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển kinh tế, xã hội, tác động đến cuộc sống người dân và cộng đồng dân cư tại đó.
Nỗ lực phòng, chống
Theo thông tin ghi nhận được từ Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có 467 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý; đa số đều tiêm chích hêroin. Hiện tại 4/18 huyện, thành phố triển khai hoạt động can thiệp giảm hại, tập trung chủ yếu là can thiệp trong nhóm nghiện chích ma túy là Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình và Núi Thành. Toàn tỉnh có 8 thành viên nhóm Tiếp cận cộng đồng về nghiện chích ma túy, chưa có nhóm tiếp cận cộng đồng về gái mại dâm và phụ nữ có nguy cơ cao nhưng hoạt động của nhóm tiếp cận cộng đồng này đã mang lại những kết quả đáng khích lệ trong những năm qua. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền thay đổi hành vi được phối hợp rất chặt chẽ từ những ban ngành có liên quan như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, ban tuyên giáo... Ông Trần Văn Kiệm cho biết: “Nội dung truyền thông lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống các tệ nạn xã hội; truyền thông về Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người; về các biện pháp can thiệp giảm hại; về chống kỳ thị phân biệt và đối xử thông qua nhiều hình thức như kịch hóa, sân khấu hóa sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc thay đổi hành vi của người dân, nhất là xóa bỏ rào cản kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS”.
Tuy nhiên, con số thống kê về tỷ lệ người mắc và nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh so với số người đến khám và điều trị tại các phòng khám dịch vụ của tỉnh vẫn còn chênh lệch cao. Số người nhiễm HIV/AIDS được khám, chăm sóc, điều trị nhiễm trùng cơ hội là 212 người, trong đó có 12 trẻ em. Tổng số bệnh nhân AIDS đang được quản lý, điều trị ARV là 126 người, trong đó có 2 trẻ em. Thêm nữa, tại tỉnh Quảng Nam không có máy đếm CD4 nên các mẫu bệnh phẩm phải chuyển đi Bệnh viện Quân y 17 Đà Nẵng trong khi số lượng bệnh nhân đủ tiêu chuẩn được tham gia điều trị ARV ngày càng nhiều. Cũng theo ông Kiệm, Quảng Nam là một trong những tỉnh ít có dự án nước ngoài tài trợ nên một mặt huy động nguồn tài trợ từ nhiều phía cùng chung tay cho nỗ lực “ba không” của công tác phòng chống HIV/AIDS, vấn đề tuyên truyền thay đổi hành vi nhận thức của người dân cần phải được nâng cao hơn nữa.
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, làm cho cơ thể giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong.
|
TÂM AN