Những biến động phức tạp kéo theo sự thay đổi hình thái tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho công tác phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà lấy lời khai đối tượng bị bắt quả tang mua bán trái phép chất ma túy tại quán cà phê Biển Tình (xã Tam Quang, Núi Thành) vào chiều tối 1.10.2014. Ảnh: QUỐC VŨ |
Diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của ngành chức năng trong tỉnh tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương mới đây, ở Quảng Nam tuy tình hình dịch bệnh HIV/AIDS không còn tăng mạnh như các năm trước nhưng đã có sự thay đổi hình thái. Trong đó, tỷ lệ lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy vẫn chiếm đa số, lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn còn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Mặt khác, tội phạm ma túy, mại dâm tiếp tục diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động tinh vi, thay đổi địa bàn tiêu thụ ma túy từ khu vực đô thị sang khu vực miền núi, nơi có các bãi khoáng sản trái phép với số lượng lớn người nghiện chưa được theo dõi, quản lý. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, thực tế ban ngành nào cũng gặp khó trong việc nắm tình hình và hỗ trợ nắm tình hình người nghiện ma túy, người bán dâm trên địa bàn, bởi sự di chuyển liên tục của các đối tượng; gia đình che giấu không khai báo. Người nghiện và người bán dâm chỉ được phát hiện và lập hồ sơ quản lý khi có các hành vi vi phạm pháp luật bị bắt giữ, hoặc bị xét nghiệm tìm chất ma túy. Do đó kết quả thống kê chưa phản ánh được đầy đủ, chính xác.
Ông Huỳnh Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, nhất là ma túy “đá” trong một bộ phận đối tượng trẻ tuổi đang có dấu hiệu gia tăng. Một số địa bàn đặc biệt phức tạp về ma túy, như xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) có đến gần 100 người nghiện ma túy. Việc đưa các đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc chưa thực hiện được khiến nhiều nơi xuất hiện tình trạng người nghiện ma túy lộng hành”. Đề cập các trường hợp sử dụng ma túy “đá”, ông Thanh cho rằng việc phát hiện và xử lý còn gặp nhiều khó khăn do những trường hợp này đều ít có biểu hiện rõ ràng, khó xác định. Chín tháng năm 2014, chỉ mới có 6 trường hợp được đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh và 4 trường hợp vận động gia đình đưa đi cai nghiện tự nguyện, trong khi có đến 114 (trong tổng số 224) xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được xác định có tệ nạn ma túy. Bên cạnh đó, Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã phát hiện hơn 55 vụ, bắt giữ 73 đối tượng, triệt phá 2 chuyên án và đưa ra khởi tố 6 đối tượng liên quan đến ma túy. “Hiện tại, việc rà soát, lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện chưa được hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, phòng ngừa gia tăng đối tượng nghiện. Hệ lụy của vấn đề này là việc phát sinh tội phạm ma túy, tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội. Mặt khác, việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện chưa tốt sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tái nghiện” - ông Huỳnh Thanh nói.
Nhiều khó khăn
Tính đến 31.8.2014, Quảng Nam có 849 trường hợp nhiễm HIV, 409 bệnh nhân AIDS, phát hiện 33 người nhiễm HIV mới, 7 người nhiễm HIV chuyển sang AIDS và 8 người chết do bệnh AIDS; có 758 người nghiện ma túy (tăng 109 người nghiện so với cùng kỳ 2013); khoảng 1.700 cơ sở kinh doanh dịch vụ nghi vấn hoạt động mại dâm. Lực lượng chức năng đã triệt phá 30 điểm, 2 tụ điểm phức tạp về ma túy, bóc gỡ 2 đường dây mua bán trái phép chất ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy cho 300 người tại gia đình và cộng đồng… |
Trao đổi với các ban, ngành của tỉnh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - Trương Minh Tuấn cho rằng, khó khăn hiện nay là do việc phòng chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa các sở, ban ngành trong công tác này thiếu chặt chẽ. “Nhiều nơi, các ban, ngành, đoàn thể vẫn xem đây là trách nhiệm của đơn vị chuyên trách, chưa chủ động, tích cực. Tư duy trách nhiệm hạn chế, yếu kém là điều cần khắc phục ngay” - Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh. Một khó khăn nữa, do điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS, tệ nạn xã hội chủ yếu từ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế, do đó độ bao phủ của việc thực hiện các chương trình phòng chống vì thế cũng bị hạn hẹp. Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện tại, Quảng Nam mới chỉ triển khai chương trình trao đổi bơm kim tiêm ở một số huyện, thành phố. Riêng phương pháp điều trị nghiện ma túy bằng Methadone (đang được áp dụng ở nhiều thành phố lớn - PV) thì Quảng Nam mới chỉ vừa phê duyệt chương trình chứ chưa thể triển khai. Cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đặc biệt là ở tuyến cơ sở”.
Trước thực trạng đó, việc phát huy vai trò của hội, đoàn thể đã được đưa ra và xem là giải pháp theo chiều sâu, mang tính lâu dài. Thực ra, thời gian qua, những mô hình câu lạc bộ không tệ nạn xã hội, hoặc các hoạt động hỗ trợ cai nghiện, tạo việc làm, giúp các đối tượng mắc tệ nạn xã hội hòa nhập cộng đồng của các hội, đoàn thể tỏ ra hiệu quả. Các mô hình cũng là diễn đàn hiệu quả nhất trong việc tăng cường nhận thức của cán bộ, quần chúng nhân dân về phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói: “Thời gian tới, cần tập trung vào các biện pháp căn cơ, lâu dài, tiếp tục dựa vào tổ chức hội, đoàn thể để giáo dục, ngăn ngừa, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong cộng đồng. Thông qua hội, đoàn thể, làm tốt công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của quần chúng nhân dân, đồng thời giám sát, quản lý các đối tượng… là những việc làm cần duy trì, tạo thành điểm tựa trong thực hiện phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm”.
PHƯƠNG GIANG