Phòng chống lãng phí là chủ trương đã được đặt ra từ lâu, được thực hiện thường xuyên nhưng gần đây trở thành yêu cầu cấp bách, “mang tính thức tỉnh sâu sắc” trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn hẹp.
Thông tin về một dự án thủy sản quy mô lớn ở vùng ven biển Quảng Nam bị bỏ hoang nổi trên mặt báo trong mấy ngày qua, đã ghi thêm một địa chỉ mới về sự lãng phí cơ sở vật chất của Nhà nước. Đó là Dự án khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam (xã Bình Nam, Thăng Bình), có vốn đầu tư khoảng 39 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, công trình bị bỏ hoang, xuống cấp, hư hỏng.
Dự án này được bàn giao vào tháng 7/2015, Sở NN&PTNT giao Chi cục Thủy sản Quảng Nam quản lý, sử dụng. Theo giải thích của cơ quan này, từ năm 2016 đến nay, do quy định không còn thực hiện kiểm dịch giống thủy sản nội tỉnh nên không có cán bộ thường xuyên tại khu sản xuất giống, khu nhà hành chính không được sử dụng, khai thác, bị hư hỏng nhiều hạng mục...
Thông tin Dự án khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam bị bỏ hoang cũng vô tình gợi lại cái không khí chộn rộn một thời của nhu cầu nuôi tôm trên cát.
Cách đây hơn mươi năm, cùng thời điểm dự án này hình thành, tại vùng ven biển Bình Nam và ở nhiều địa phương khác, phong trào đào ao lót bạt nuôi tôm lan nhanh như gió.
Lúc đó, việc xây dựng một khu sản xuất giống thủy sản tập trung với công suất mỗi năm 2,5 - 3 tỷ con giống sạch bệnh, đạt chất lượng; kết hợp với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, tạo thành điểm du lịch nghề nghiệp, tự nhiên, sinh thái liên hoàn... như mục tiêu của dự án này, nghe ra rất có lý.
Nhưng nguyên nhân của sự thất bại cũng có cái lý của nó, rằng do không còn quy định nên bị bỏ hoang hay dù được nhiều ưu đãi, nhưng các công ty đầu tư vào đây hoạt động không hiệu quả... Dù gì, kết quả cuối cùng cũng là một sự lãng phí khó khắc phục.
Nguyên nhân các công trình của Nhà nước bị bỏ hoang thì rất nhiều, điều đáng nói, không ít trong số đó đã được nhìn thấy trước nhưng không được cân nhắc kỹ lưỡng để có thể phòng chống lãng phí.
Ví dụ tại thôn Ngọc An (xã Tam Tiến, Núi Thành), một “tòa trụ sở” của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung được xây dựng sát bãi biển, với thời gian thi công “lập kỷ lục” chậm chạp về tiến độ, nhưng khi đưa vào hoạt động thì gần như bỏ hoang.
Trước khi xây dựng công trình này, nhiều người “bàn lui” rằng, một công trình được thiết kế kiểu trụ sở kiêm khu dịch vụ du lịch như vậy rất dễ lỗi thời; trong khi nhu cầu sử dụng của cơ quan chủ quản lại không có...
Dù vậy, nó vẫn được đầu tư xây dựng, thi công cầm chừng trong một thời gian dài, để cuối cùng bị bỏ rơi cho cỏ mọc um tùm. Trong chủ trương sáp nhập Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung về Quảng Nam, công trình này thật sự là một bài toán khó về phương án bàn giao...
Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều trụ sở đang bị bỏ hoang; trong đó có những công trình chẳng đặng đừng như hàng loạt trụ sở ở huyện Nam Giang do phải di chuyển trung tâm hành chính, nhưng cũng còn nhiều công trình ở trong tình thế “đắp chiếu” vì chạy theo nhu cầu không có thực.
Câu chuyện không để lãng phí trụ sở làm việc gần đây cũng được nhiều cử tri quan tâm trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Nam; và cũng đặt ra yêu cầu phòng chống lãng phí ở mọi lĩnh vực đầu tư công.
Trong một bài viết gần đây về chống lãng phí đăng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội.
Từ đó, kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức phòng chống lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai...
Công trình, trụ sở bị bỏ hoang là hình ảnh dễ thấy trong bức tranh về sự lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Trong cái khó chung ở từng lĩnh vực với nhiều “chi tiết” khó phát hiện, thiết nghĩ nên bắt đầu phòng chống lãng phí từ những hình ảnh dễ thấy nhất!