Phòng chống lụt bão: Tập trung cho những "điểm đen"

NGUYỄN DƯƠNG 01/10/2013 08:25

Trước mùa mưa bão năm nay, nhiều địa phương đã xây dựng phương án cụ thể để ứng phó, nhất là lập danh sách những “điểm đen” có nguy cơ thiệt hại nặng để lên phương án phòng tránh.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, Ban chỉ huy PCLB huyện, xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ, thống kê các địa bàn dân cư, những thôn, tổ, hộ trong khu vực có nguy cơ sạt lở, số hộ ven sông, suối, sườn đồi núi, khu vực hạ lưu các hồ đập… để lên kế hoạch di dời các hộ có nguy cơ cao đến nơi an toàn, đặc biệt chuẩn bị phương án tại chỗ. Ban chỉ huy PCLB huyện Thăng Bình đã thành lập 22 ban chỉ huy với số lượng 541 người tại các địa phương trên địa bàn, 22 tổ công tác với 461 người, có 22 đội xung kích cấp xã với 340 người và 137 đội xung kích cấp thôn với 985 người. Các xã, thị trấn đã phân công lịch trực cụ thể, đứng điểm các thôn và vùng trọng điểm để chỉ huy khi có tình huống xấu xảy ra.

Tại huyện Phú Ninh, những khu vực thường xảy ra sạt lở, lũ quét hay ngập lụt như Tam Đại, Tam Lãnh, Tam Dân, Tam An, Tam Đàn… đều được “để ý”, tăng cường các biện pháp phòng chống. Theo ông Nguyễn Thành Đức - Phó ban Chỉ huy PCLB huyện Phú Ninh, đối với những khu vực dễ bị cô lập, chia cắt dài ngày khi xảy ra thiên tai cần phải chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm. Đồng thời củng cố, thành lập các đội xung kích cấp thôn, xã, các cơ quan, trường học nhằm chủ động trong công tác cứu nạn, cứu hộ kịp thời trong mọi tình huống. Trong trường hợp xảy ra lũ lớn, ngập lụt nguy hiểm cần phải di dời dân, Ban chỉ huy PCLB huyện Phú Ninh cũng đã có phương án cụ thể. Theo đó, Núi Vàng và Rừng Chùa là nơi di dân cho xã Tam Đại; khu vực trên dốc Suối Đá dành cho xã Tam Dân; Gò Trời dùng để di dân xã Tam Thái; Nông trường Chiên Đàn dành cho xã Tam Đàn, Tam An…

Tương tự, Ban PCLB huyện Bắc Trà My cũng đang rà soát những “điểm đen” trên địa bàn để có phương án hỗ trợ, ứng phó kịp thời trong mùa mưa lũ. Hiện nay các tụ điểm dân cư trên địa bàn thường bố trí ở và sản xuất dọc theo nà, sườn đồi thấp của các sông, khe suối, nơi hợp thủy của các con sông, suối lớn nên khi mưa lũ lớn nước dâng cao có nguy cơ cuốn trôi nhà cửa, tài sản.  Các “điểm đen” như dọc theo sông Trạm, sông Trác xã Trà Kót; sông Phương Đông xã Trà Đông; sông Yên xã Trà Dương; sông Vang, suối Nước Trắng xã Trà Nú; sông Trường xã Trà Giang, Trà Sơn và thị trấn Trà My; các xã dọc theo sông Tranh... Vùng có nguy cơ sạt lở núi như khu vực thôn 2 xã Trà Nú; khu vực thôn Dương Lâm và thôn Dương Bình xã Trà Dương; khu vực Đồng Trường II, Trấn Dương, Đàng Nước, Đồng Bộ, Mậu Cà của thị trấn Trà My; Mậu Long xã Trà Sơn. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng ban Chỉ huy PCLB huyện cho biết: “Xác định được những vùng trọng tâm này, Ban chỉ huy PCLB huyện đã quán triệt, trong thời gian xảy ra mưa lũ cần tiến hành sơ tán người dân đến ở nhờ vào những hộ dân cư, các cơ sở công cộng không bị ngập lụt, lũ quét, không có hiện tượng sạt lở núi. Đồng thời chuẩn bị kho, lán trại cất giữ tài sản như lúa gạo, vật nuôi và những đồ dùng khác ở những nơi an toàn…”.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống lụt bão: Tập trung cho những "điểm đen"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO