Hội thảo “Giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển khu vực miền Trung” do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa qua một lần nữa khẳng định phương pháp phá sóng nuôi bãi, hạn chế các hoạt động can thiệp thô bạo phía thượng nguồn được xem như phương án hữu hiệu trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp.
|
Quang cảnh hội thảo. |
Hàng chục nhà khoa học, các công ty tư vấn xây lắp có kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống sạt lở bờ biển trong nước và quốc tế cùng cơ quan chuyên môn các địa phương ven biển từ Quảng Trị đến Phú Yên tham dự hội thảo này. Một số chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp cấp bách hạn chế tình trạng sạt lở và giải pháp dài hơi bảo vệ và khôi phục một phần khu vực sạt lở bờ biển Cửa Đại.
“Muối bỏ biển”
TP.Hội An có đường bờ biển dài khoảng 7.6km, nhưng đã mất gần 200m do hiện tượng sạt lở trong vòng 10 năm trở lại đây. Từ tháng 10.2014, bờ biển lại tiếp tục bị lấn sâu khoảng 30m. Đợt gió mùa đông bắc cuối tháng 11 vừa qua còn xói lở nghiêm trọng hơn với 250m chiều dài bờ biển và ăn sâu 10m vào đất liền. PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung nhận định, hiện tượng xói lở đang dịch chuyển dần về phía bắc một cách rõ nét, xói lở không chỉ xuất hiện trong điều kiện gió bão mà còn ngay cả trong thời tiết bình thường. Ngày 30.11 vừa qua, trong lúc thị sát bờ biển Cửa Đại, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo, Hội An đang dần “trượt” sâu xuống biển, phải khẩn cấp có giải pháp để cứu bờ biển này. Xói lở bờ biển đã phá hủy các công trình xây dựng buộc hai khu nghỉ dưỡng Vincom và Fusion Alyas phải dừng hoạt động.
“Với tình thế Cửa Đại hiện nay, dù có tốn nguồn lực tiền của lớn cũng phải xây kè bảo vệ bờ biển; tăng lượng trầm tích từ thượng nguồn; xây dựng kè chuyển dòng ở cửa sông để chuyển dòng ra hướng bắc; áp dụng phương pháp phá sóng nuôi bãi”. (GS-TS. Hitoshi Tanaka, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản) |
Để hạn chế sạt lở, đến nay Nhà nước đầu tư 70 tỷ đồng xây dựng kè chống dài hơn 850m dọc bãi biển Cửa Đại. Các tổ chức và cá nhân kinh doanh ở khu vực này cũng đã tự đầu tư nhiều tỷ đồng nhằm xây kè nhưng kết quả mang lại không như mong muốn. Điển hình, từ tháng 6.2015, khu nghỉ dưỡng Victoria đầu tư kinh phí 10 tỷ đồng cho cụm công trình giảm sóng, ngăn cát bằng kết cấu ống địa kỹ thuật. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là “muối bỏ bể” khi đầu tư manh mún, không có hệ thống, giải pháp đồng bộ. Xói lở bờ biển Cửa Đại vẫn đang tiếp diễn với tốc độ nhanh và cường độ mạnh hơn trước. Theo GS-TS. Hitoshi Tanaka - nguyên Chủ tịch Hội Quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường vùng châu Á - Thái Bình Dương (hiện là Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản), tựu trung có ba nhóm nguyên nhân gây nên sạt lở bờ biển Cửa Đại. Đó là sự suy giảm bùn cát hàng năm từ phía thượng lưu là yếu tố chính; giảm lưu lượng dòng chảy ở thượng lưu và biến đổi khí hậu là những nguyên nhân thứ yếu. Suy giảm bùn cát do hoạt động khai thác cát dọc sông, vùng cửa sông, xây dựng hệ thống hồ chứa thủy điện ở thượng lưu. Việc xây dựng cầu đường hoặc san lấp mặt bằng cũng làm giảm và thay đổi lượng bùn cát bổ sung hàng năm cho vùng cửa biển. Việc giảm lưu lượng dòng chảy ở thượng lưu là do thay đổi điều kiện tự nhiên và tích trữ nước ở thượng lưu hoặc chuyển nước sang lưu vực khác.
Phá sóng
Hiện nay, chính quyền TP.Hội An và các doanh nghiệp đang thực hiện các giải pháp bảo vệ bờ biển như bao tải cát, kè cứng mái nghiêng, kè cứng tường đứng và đê giảm sóng, nuôi bãi. Trong đó, giải pháp kè cứng mái nghiêng và giải pháp đê giảm sóng, nuôi bãi thực hiện tại khu nghỉ dưỡng Victoria tỏ ra khá hiệu quả. Một số chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp cấp bách hạn chế tình trạng sạt lở và giải pháp dài hơi bảo vệ và khôi phục một phần khu vực sạt lở. Trước mắt, khẩn trương áp dụng các giải pháp phá sóng, nuôi bãi tương tự như đã thực hiện ở khu nghỉ dưỡng Victoria đã được đề xuất. Về lâu dài, nghiên cứu quy hoạch đầu tư bảo vệ bờ biển cần được xây dựng và có phương án bổ sung lượng cát đã mất. Việc đầu tư theo quy hoạch này có thể giúp tránh hiện tượng bồi ở vùng có công trình nhưng sạt lở ở vùng không được bảo vệ.
Thực tế những năm qua, hầu hết tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung chủ yếu áp dụng giải pháp xây dựng kè cứng chống sạt lở bờ biển. Theo đánh giá chung, đây là giải pháp có suất đầu tư cao, chưa thực sự bền vững, hiệu quả tại một số khu vực, không phù hợp với xu thế chung được nhiều nước hiện nay hướng tới là áp dụng các biện pháp “thân thiện với môi trường” và trả lại không gian cho biển. Việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp phù hợp để hạn chế sạt lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn là cần thiết. Sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân miền Trung. Cách thức mà con người phát triển như hiện nay là không bền vững khi sự đầu tư chỉ mang tính đơn ngành, cục bộ. Con người cần phải dựa vào thiên nhiên một cách có hệ thống để phát triển tránh những hệ lụy không đáng có.
Ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra hàng loạt giải pháp như khi triển khai xây dựng đầu tư cần xét đến tính hệ thống của tự nhiên, xác định nguyên nhân chính gây sạt lở để có giải pháp phù hợp, xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể để tránh hối tiếc về sau. Thêm nữa, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân và các cấp chính quyền. Trong khi đó, GS-TS. Hitoshi Tanaka đề xuất, với tình thế Cửa Đại hiện nay, dù có tốn nguồn lực tiền của lớn cũng phải xây kè bảo vệ bờ biển; tăng lượng trầm tích từ thượng nguồn; xây dựng kè chuyển dòng ở cửa sông để chuyển dòng ra hướng bắc; áp dụng phương pháp phá sóng nuôi bãi.
Cũng trong hội thảo gần đây, do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tổ chức, PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam, kiến nghị cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển”. Theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, vùng bờ biển rất quan trọng, nằm chuyển tiếp giữa lưu vực sông và biển bên ngoài, nhưng các hệ thống này lại quản lý một cách biệt lập. Vì vậy, cần cách tiếp cận tích hợp để lồng ghép quản lý lưu vực sông với vùng bờ biển dựa trên mối liên kết sinh thái, thủy văn và kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng.
TRẦN HỮU - PHẠM TOÀN