Phòng chống tệ nạn ma túy ở Bình Trị (Thăng Bình): Vẫn còn nhiều thách thức

TRẦN HỮU 09/06/2014 11:36

Ma túy một thời đã càn quét, tàn phá nhiều làng quê Bình Trị (Thăng Bình) để lại bao cái chết trẻ, gây hoang mang cho người dân. Dù đã quyết liệt vào cuộc, nhưng xem ra nỗ lực phòng chống “cái chết trắng” ở miền quê này vẫn còn nhiều thách thức...

Dai dẳng tệ nạn xã hội

Trở lại chợ Vinh Huy (thôn Vinh Đông, xã Bình Trị) - nơi từng được mệnh danh là “trại tị nạn” của nhiều đối tượng nghiện ma túy một thời, thấy đã khác xa so với cách đây hơn 10 năm. Các quầy, sạp kinh doanh buôn bán không còn cảnh xập xệ, mất vệ sinh; chợ đã được xây dựng khang trang. Còn nhớ năm 2004, hàng chục thanh niên trẻ đã lập gia đình ở vùng đất này lần lượt ra đi vì ma túy, HIV/AIDS. Các tiểu thương cho biết, bây giờ điện đường sáng trưng, dân cư sinh sống ven chợ đông đúc, nên con nghiện ít có cơ hội lui tới tiêm chích. Thế nhưng, tại đây người dân vẫn thi thoảng bắt gặp cảnh trao đổi chớp nhoáng “hàng trắng” của các con nghiện. Nhiều người còn liệt kê cụ thể đối tượng nghiện ma túy đang ẩn náu, sinh hoạt tại địa phương. Năm năm trở lại đây, năm nào ở các thôn Vinh Đông, Châu Lâm, Vinh Nam (Bình Trị) cũng xảy ra vài trường hợp chết bởi ma túy, HIV/AIDS, gần đây nhất là trường hợp của N.V.N. (thôn Châu Lâm). Phần lớn các đối tượng này thuộc diện nghiện ma túy nặng ở các bãi vàng, địa phương khác, lúc lâm bệnh mới trở về quê. Nỗi lo lớn nhất của cán bộ y tế địa phương là nhiều thanh niên chết do HIV/AIDS, trong số đó có nhiều người đã có vợ, con nên khả năng lây nhiễm khá cao. Cái khó là làm sao để tuyên truyền, vận động đối tượng bị bệnh có biện pháp phòng ngừa cho người thân hiệu quả.

Ma túy đã gây mất bình yên cho các làng quê ở Bình Trị. Ảnh: TRẦN HỮU
Ma túy đã gây mất bình yên cho các làng quê ở Bình Trị. Ảnh: TRẦN HỮU

Bất an của làng quê Vinh Đông là các con nghiện nặng vẫn sinh hoạt bình thường trong khu dân cư. Chính quyền địa phương xác nhận, hiện có 3 đối tượng trốn trại sinh hoạt tại Trung tâm Cai nghiện ma túy (Hiệp Đức) về lại địa phương sinh sống. Rõ ràng, những đối tượng này chưa đủ thời gian học tập, lao động, cai nghiện để có thể tái hòa nhập cộng đồng. Theo Chủ tịch UBND xã Bình Trị - Nguyễn Văn Diên, trên địa bàn có 7 đối tượng bắt buộc vào trung tâm cai nghiện ma túy tập trung, chưa kể nhiều đối tượng lén lút sử dụng. Số thanh niên hút chích mấy năm gần đây giảm rõ rệt, nhưng hậu quả để lại về “cái chết trắng” khá nặng nề, tạo “tiền lệ xấu” cho địa phương. “Những thanh niên phần lớn rơi vào con đường nghiện ngập từ nơi khác, rồi mang mầm bệnh về quê, nên địa phương không thể nào kiểm soát hết” - ông Diên nói.

Cần tiếp sức      

Câu lạc bộ Đồng Cảm do Hội phụ nữ xã Bình Trị thành lập đã thu hút nhiều người tự nguyện tham gia. Ngoài nhiệm vụ hướng dẫn người nghiện bị nhiễm bệnh có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, thành viên câu lạc bộ còn tuyên truyền cho cộng đồng xã hội chống phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS; phát bao cao su, kim tiêm miễn phí cho các đối tượng nghiện ma túy. Lặng lẽ suốt hơn 10 năm nay, Đoàn Minh Phước và Thái Văn Tấn - những người từng sử dụng ma túy nhưng cai nghiện thành công - là các tuyên truyền viên xung kích của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Nam. Hàng tháng, Phước, Tấn cùng anh chị em đội tuyên truyền “đến từng ngõ, gõ từng nhà” nói chuyện với thanh niên, học sinh về tác hại của tệ nạn ma túy; hướng dẫn các biện pháp đề phòng lây nhiễm HIV. Chỉ cần nhìn thấy các biểu hiện hành vi thiếu lành mạnh của thanh niên là các anh khéo léo tiếp cận, khuyên răn.

Hơn 4,4 tỷ đồng hỗ trợ người sau cai nghiện
UBND tỉnh vừa phê duyệt hỗ trợ hơn 4,4 tỷ đồng cho người sau cai nghiện. Theo đó, 100% người nghiện ma túy được tư vấn về việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội Quảng Nam; đảm bảo 100% số học viên cai nghiện ma túy tại trung tâm được thực hiện đầy đủ quy trình điều trị cai nghiện phục hồi; 100% người cai nghiện ma túy có nhu cầu học nghề, đào tạo nghề theo khả năng thực tế của trung tâm và cộng đồng.

Mỗi tháng, “cặp bài trùng” Phước - Tấn đưa ít nhất 8 thanh niên trên địa bàn có hành vi, nguy cơ nhiễm bệnh cao vào Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tư vấn, xét nghiệm miễn phí. Phước chia sẻ: “Từ cuộc đời lún sâu vực thẳm, tôi đã can đảm đứng dậy. Với các em còn trẻ vì nhận thức lệch lạc, dễ bị cám dỗ, tôi thành thật kể về cuộc đời mình để các bạn tuyệt đối tránh xa ma túy”. Bằng lời nói và hành động cụ thể, không ít những thanh niên nghiện nặng, hoặc mới bắt đầu sa ngã vào “nàng tiên nâu” trên địa bàn xã Bình Trị đã quay đường phục thiện, trở về làm ăn chân chính và đồng hành với Đoàn Minh Phước trong công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, trăn trở của Phước là dù nỗ lực sát cánh cùng chính quyền địa phương trong cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy, nhưng bóng đen “hàng trắng” vẫn lờn vờn ở làng quê. Tội phạm về buôn bán, vận chuyển ma túy ngày cành tinh vi; nhiều trường hợp cai nghiện không thành công trở về cộng đồng gây bất an cho xóm làng.

“Làm đồng đẳng viên đối mặt với nhiều rủi ro, không lường hết tai nạn nghề nghiệp. Người nghiện chích ma túy khi “đói thuốc” đều bất chấp, sẵn sàng làm liều, dùng chung bơm kim tiêm nếu không có sẵn. Thế nhưng, cái khó hiện nay là nhiều địa bàn có “điểm nóng” thiếu đội ngũ đồng đẳng viên. Trong khi đó, cơ chế chính sách hỗ trợ cho những người tham gia vào công tác xã hội hiện nay chưa tương xứng. Nhiều người vì phải vất vả mưu sinh hằng ngày nên đành bỏ đội tuyên truyền” - anh Phước bộc bạch. Cũng theo anh Phước, những người đã “lầm đường lạc lối” sau khi cai nghiện thành công, chính quyền lẫn các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi để họ tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và cần sử dụng lực lượng này làm tuyên truyền viên tích cực.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống tệ nạn ma túy ở Bình Trị (Thăng Bình): Vẫn còn nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO