Không chỉ các nhà máy thủy điện lớn quyết định sự “sinh tử” vùng hạ du mà các nhà máy thủy điện nhỏ cũng xây dựng phương án phòng chống lụt bão (PCLB) kịp thời, được cơ quan chức năng thẩm định theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Nhiều hồ thủy điện được UBND tỉnh phê duyệt phương án phòng chống lụt bão vùng hạ du. Trong ảnh: Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: P.V |
Thẩm định chặt chẽ phương án
Ngày 6.7.2017, phương án PCLB đảm bảo an toàn đập thủy điện Sông Bung 6 (Công ty CP Sông Bung chủ đầu tư) được UBND tỉnh phê duyệt. Trước đó nhà máy này phải mất ít nhất 2 năm xây dựng phương án, tranh thủ ý kiến đóng góp của các ngành chức năng, chính quyền 2 huyện Nam Giang và Đông Giang (nơi có lưu vực thủy điện của nhà máy). Thủy điện Sông Bung 6 có công suất lắp máy 29MW, là dự án thủy điện bậc thang cuối cùng của dòng sông Bung thuộc hệ thống thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn. Diện tích mặt hồ nhỏ 0,42km2, dài 4km. Chiều ngang hồ chứa vị trí rộng nhất 220m, vị trí hẹp nhất 50m. Thủy điện này có lòng hồ nhỏ hẹp theo sông, dung tích nhỏ, không có khả năng thoát lũ, đập tràn tự do không xả lũ, không điều tiết nước theo mùa.
Cùng với 10 dự án thủy điện do Bộ Công Thương phê duyệt, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn còn 32 dự án thủy điện đã được UBND tỉnh phê duyệt cấp phép. Ngành chức năng đã rà soát, loại bỏ khỏi quy hoạch và dừng nghiên cứu đầu tư 3 dự án công suất nhỏ nhưng chiếm dụng đất lớn và yếu về năng lực tài chính. Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, quy định của Chính phủ là các nhà máy bắt buộc phải gắn camera chuyển hình ảnh về các cơ quan chức năng địa phương giám sát. Sở Công Thương cũng đã thành lập liên ngành kiểm tra các nhà máy thủy điện về PCLB quản lý an toàn đập, an toàn điện, an toàn lao động... |
Theo UBND tỉnh, thủy điện Sông Bung 6 sở dĩ thẩm định, phê duyệt phương án PCLB chậm hơn với các thủy điện khác vì đây là loại công suất nhỏ, không có khả năng điều tiết nước theo mùa. Tuy vậy, các phương án phòng tránh thiên tai được xây dựng rất chi tiết. Với tình huống lún sụt, sạt lở một phần tiếp giáp với mái hạ lưu đập và vai đập có ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn của đập thì Trưởng ban PCLB của nhà máy thủy điện sẽ báo cáo với lãnh đạo công ty, chính quyền địa phương vùng hạ du đập trên mọi thông tin liên lạc để có phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm và yêu cầu hỗ trợ nhân, vật lực để xử lý sự cố hư hỏng đập. Trong tình huống xấu, nhà máy sẽ xả nước khẩn cấp với lưu lượng lớn nhất qua tua bin. Huy động ngay các tổ chuyên trách PCLB, vật tư phương tiện đã chuẩn bị theo phương án đã duyệt để xử lý khẩn cấp.
Theo Công ty CP Sông Bung, đơn vị có kế hoạch cảnh báo, cảnh giới tại những nơi có khả năng ngập lũ, có nước chảy xiết để hạn chế nhân dân đi lại, sản xuất trong mùa mưa lũ. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân tại những khu vực lân cận nhà máy thủy điện về phương án bảo vệ đập, quy trình vận hành, kế hoạch tích nước và xả lũ trong mùa mưa lũ để nhân dân chủ động phòng tránh. Để tăng cường hiệu quả PCLB trên lưu vực sông Vu Gia, nhà máy này phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các nhà máy thủy điện cùng nằm trên lưu vực sông như A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Kôn theo quy chế phối hợp PCLB đã ký kết vào năm 2011. Các phương án của nhà máy thủy điện này còn tính toán đến tình huống mất toàn bộ hệ thống điện, thông tin liên lạc với chỉ huy PCLB các cấp hoặc trong trường hợp mưa lớn gây sạt lở, ách tắc giao thông và từng phương án xử lý cụ thể. Theo Sở Công Thương, từ khi đưa vào vận hành năm 2013 đến nay, đập thủy điện nhà máy này được đánh giá an toàn, ổn định, vận hành bình thường.
Lo trước mùa mưa
Hiện nay có ít nhất 8 hồ thủy điện đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án PCLB vùng hạ du, bao gồm Sông Tranh 2, Khe Diên, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Kôn 2, A Vương, An Điềm. Theo Sở Công Thương, yêu cầu năm 2017 các nhà máy thủy điện và các đơn vị điều hành điều tiết các hồ chứa thủy điện cần chuyên nghiệp, thiết bị công nghệ phải hiện đại. Điều này phụ thuộc rất lớn vào xây dựng kịch bản, quá trình thẩm định, phê duyệt phương án PCLB của các nhà máy. Theo nguyên tắc, mỗi nhà máy sẽ tự xây dựng phương án PCLB, các ngành chức năng, chính quyền địa phương sẽ tham gia góp ý kiến hoàn thiện, sau đó Sở Công Thương sẽ thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, kịch bản tốt thì càng giảm rủi ro thiên tai, ngược lại kịch bản thiếu chuyên nghiệp sẽ không lường trước được những rủi ro.
Nhà máy thủy điện Sông Bung 6.Ảnh: T.H |
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua một số đập thủy điện được xây dựng trên cùng một hệ thống sông và cùng điều tiết nước về vùng hạ du. Do vậy, khi xây dựng phương án PCLB cho vùng hạ du của từng hồ thủy điện theo đúng quy định tại Công văn số 7277/BCT-ATMT ngày 8.8.2011 của Bộ Công Thương là không phù hợp trong tình huống tất cả hồ thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ. Ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhìn nhận: “Bất cập lớn nhất là tỉnh chưa xây dựng được bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trong tình huống tất cả hồ thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ hoặc dựa trên kịch bản”. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang theo dõi tình hình vận hành của các hồ thủy điện để tham mưu điều tiết nước trong mùa kiệt và phối hợp vận hành điều tiết lũ theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7.9.2015. Tích cực tham gia góp ý các phương án PCLB vùng hạ du, phương án PCLB đảm bảo an toàn đập, phương án bảo vệ đập của các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra công tác PCLB và quản lý an toàn tại 12 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh gồm Trà Linh 3, Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Đăk Mi 4, Đăk Mi 4C, An Điềm 2, Sông Kôn 2, Za Hung và Khe Diên. Nhằm tháo gỡ vướng mắc về quản lý, điều hành các nhà máy thủy điện, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ quy định thành lập một tổ quản lý vận hành thủy điện trực thuộc UBND tỉnh, bao gồm các cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm để điều phối chung việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ thủy điện. Đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ thủy điện phối hợp với ngành khí tượng thủy văn xây dựng bổ sung các trạm đo đạc khí tượng, thủy văn trong lưu vực hồ và vùng hạ du để có cơ sở điều tiết lũ phù hợp. Đồng thời đầu tư kinh phí phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng bản đồ ngập lụt, tháp báo lũ phục vụ cho công tác chỉ đạo, cảnh báo khi xả lũ thủy điện.
TRẦN HỮU