Phòng đọc biên giới

NGUYỄN DƯƠNG 28/02/2014 08:54

Tại xã biên giới Ga Ry (Tây Giang) một “phòng đọc biên giới” do cán bộ, chiến sĩ biên phòng lập nên không chỉ mang tri thức, ánh sáng văn hóa đến đồng bào biên giới mà còn hình thành thói quen đọc sách cho rất nhiều người...

Các em học sinh thích thú đọc những cuốn truyện tranh.  Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Các em học sinh thích thú đọc những cuốn truyện tranh. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Thế giới của trẻ thơ

“Phòng đọc biên giới” là mô hình do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 651 Ga Ry triển khai với mong muốn giúp cho người dân có thêm những kiến thức bổ ích từ sách báo để ứng dụng thích hợp vào đời sống sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế. “Hằng ngày, từ 7 giờ sáng đến 17 giờ 30, phòng đọc mở cửa phục vụ bà con nhân dân và học sinh. Khác với mô hình “Tủ sách pháp luật” thường có ở các đồn biên phòng khác, “Phòng đọc biên giới” không chỉ gói gọn trong những sách pháp luật mà còn mở rộng ra các hạng mục, đầu sách khác, như: truyện tranh cho các em học sinh, thiếu nhi; sách hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, sách về lịch sử, văn hóa các dân tộc…” - Thiếu tá Phạm Văn Thí, Trưởng đồn Biên phòng 651 cho biết.

Đối với học sinh ở đây, được cầm trên tay những bộ truyện tranh  như: Cô tiên xanh, Cổ tích Việt Nam, Đôrêmon… là điều hết sức thích thú. “Từ khi có phòng đọc này em mới biết truyện tranh là như thế nào. Hình vẽ đẹp lắm, vui nữa. Muốn đọc cho hết mới thôi…” - Riah Sâm, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Ga Ry chia sẻ. Được tiếp xúc với những câu chuyện vẽ bằng tranh, đọc truyện cổ tích, học sinh trường Tiểu học Ga Ry rất thích và chăm chỉ đến phòng đọc mỗi khi có thời gian rảnh. “Thường thì các em tranh thủ thời gian sau khi đã học xong chương trình ở trường để xuống phòng đọc sách. Riêng những ngày cuối tuần, các em dành phần lớn thời gian cho phòng đọc. Phòng đọc biên giới  tạo cơ hội cho các em tiếp xúc với những điều mới lạ. Đặc biệt là qua những trang sách, các em có thể trau dồi vốn tiếng Việt của mình trở nên phong phú hơn, sử dụng ngôn từ thuần thục hơn…” - thầy giáo Châu Ngọc Quốc nói.

Nhìn các em ê a đọc từng trang sách say sưa, mới thấu hiểu những thiếu thốn của các em lâu nay, và nghĩ xa hơn về những nơi chưa có được phòng đọc sách như thế này. Ngay cả cách đọc nhẩm (đọc thầm, không thành tiếng) các em cũng chưa biết cách, nhưng thay vào đó là niềm đam mê với một thế giới sách phong phú, lôi cuốn bằng những câu chuyện đầy ý nghĩa.

Kiến thức cho người lớn

Theo Thiếu tá Phạm Văn Thí, để có được những đầu sách thiết thực, các chiến sĩ của đồn đã cố gắng vận động các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh quyên góp hơn 1.500 đầu sách phục vụ “Phòng đọc biên giới. Mỗi khi có chiến sĩ đi công tác hay nghỉ phép, chúng tôi đều phân công nhiệm vụ đi lấy sách hoặc cố gắng quyên góp thêm những cuốn sách bổ ích để làm phong phú cho phòng đọc, cũng là bổ sung kiến thức cho người dân đến đọc sách” - Thiếu tá Phạm Văn Thí cho biết. Cũng theo Thiếu tá Phạm Văn Thí, đây là mô hình đầu tiên của huyện Tây Giang khi bố trí phòng đọc ở ngoài khuôn viên của đồn biên phòng. Như vậy người dân sẽ thoải mái hơn, đến đọc sách thường xuyên hơn.

“Phòng đọc biên giới” là nơi đồng bào có thể tìm cho mình những kiến thức bổ ích.
“Phòng đọc biên giới” là nơi đồng bào có thể tìm cho mình những kiến thức bổ ích.

Xác định mục đích không chỉ cung cấp kiến thức cho người dân về pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn là nơi để người dân có thể tiếp cận với những kiến thức bổ ích cho cuộc sống, phát triển kinh tế, tủ sách của “Phòng đọc biên giới” có khá nhiều đầu sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… để người dân tham khảo, ứng dụng phù hợp. “Mình đọc sách, mới biết được nuôi con dê, con heo, con gà như thế nào cho tốt, cho sạch. Trước đây do không chú trọng vệ sinh, phòng bệnh nên gia súc, gia cầm thường bị chết, mất do thả rông. Nhờ đọc sách báo, bà con nay đã biết làm cái chuồng cho con gà, con dê, con bò ngủ mỗi đêm nên không bị lạnh, không chết vì dịch bệnh nữa. Trồng cây lúa cũng đứng thẳng, ít bị bệnh, vui lắm!” - chị Ploong Thị Mới, trú thôn Dading nói. Bên cạnh những đầu sách hướng dẫn kinh tế nông nghiệp, phòng đọc biên giới còn có những cuốn sách giới thiệu về văn hóa các vùng miền, tập tục của người dân tộc thiểu số ở các nơi khác để bà con tìm hiểu. “Trước đây, chỉ nghe kể về tập tục của dân tộc khác, biết thế, nhưng không hiểu như thế nào. Giờ có sách để đọc, biết thêm nhiều cái, biết thêm có nhiều dân tộc khác cũng có tập tục giống dân tộc mình, rất thú vị” - già Coor Bê, 60 tuổi, ở thôn Dading bảo.

“Một khi người dân đã có kiến thức cơ bản, có thể hiểu được những gì anh em cán bộ, chiến sĩ muốn nói thì việc tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chính sách của Đảng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Họ cũng hiểu được trách nhiệm, vai trò của mình là gì để từ đó nâng cao nhận thức. Mô hình “phòng đọc biên giới” như thế này thật sự hữu ích đối với nhân dân và cả cán bộ địa phương” - Thiếu tá Phạm Văn Thí tâm sự.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng đọc biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO