Hàng chục năm nay, Phòng khám Đông y thuộc Hội Từ thiện TP.Tam Kỳ đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều bệnh nhân nghèo.
Chữa bệnh bằng cả tình thương là phương châm mà phòng khám luôn hướng đến. Ảnh: VINH ANH |
Điểm tựa cho bệnh nhân nghèo
Trước đây, Phòng khám Đông y đặt trụ sở tại đường Nguyễn Du nhưng nay đã di chuyển đến địa điểm mới trên đường Phan Đăng Lưu (TP.Tam Kỳ). Phòng khám giống như “mái nhà” cho những bệnh nhân nghèo suốt hàng chục năm qua. Ông Nguyễn Quốc Trang - Chủ tịch Hội Từ thiện TP.Tam Kỳ cho biết, phòng khám được hình thành cùng thời gian thành lập Hội Từ thiện thành phố (năm 1994). Với mong muốn giúp đỡ những bệnh nhân nghèo ít có điều kiện khám bệnh, Hội Từ thiện thành phố đã quyết định cho ra đời phòng khám Đông y. Ban đầu phòng khám chỉ hoạt động ở phạm vi nhỏ, tức là chỉ khám bệnh bằng cách bắt mạch, châm cứu mà không có thuốc để điều trị. Sau này, khi thông tin về phòng khám được nhiều người biết đến nên nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã tài trợ thêm kinh phí thường xuyên cho phòng khám. Nhờ đó ngoài việc châm cứu, bấm huyệt… người bệnh còn được phát thuốc miễn phí để điều trị. Việc chữa bệnh từ đó cũng đạt hiệu quả hơn. Cũng có những năm phòng khám rơi vào tình trạng thiếu kinh phí vì không tìm ra nhà tài trợ. Nhưng từ 3 - 4 năm nay, nhờ có nguồn tài trợ thường xuyên của một tổ chức hảo tâm ở Đài Loan nên phòng hoạt động đảm bảo.
Mặc dù hiện nay phòng khám hoạt động khá ổn định nhờ có nhà hảo tâm tài trợ kinh phí thường xuyên. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Quốc Trang, một trong những vấn đề trăn trở đó là mong muốn có thêm kinh phí để đầu tư một số máy móc hỗ trợ trong việc chữa trị bệnh bằng Đông y. |
Hàng nghìn bệnh nhân nghèo (chủ yếu trên địa bàn Tam Kỳ) đã được khám và chữa bệnh miễn phí nhờ phòng khám tình thương này. “Không thủ tục rườm rà, không tiền bạc và đặc biệt là không phân biệt bất cứ ai, làm nghề gì, ở đâu, chúng tôi cũng đều quan tâm tận tình” - ông Trang chia sẻ.
Nhiều người nghèo đã xem phòng khám như điểm tựa lúc đau ốm. Trường hợp của bà Ung Thị Tài (80 tuổi, xã Tam Thăng) là một ví dụ. Gần 10 năm nay, nhờ được điều trị thường xuyên ở phòng khám nên bà vẫn có sức khỏe để đi bán vé số kiếm sống. Hoàn cảnh của bà Tài ở phòng khám này ai cũng biết. Tuổi già nhưng phải nuôi chồng bệnh tật nằm một chỗ. Bà lại thường xuyên chống chọi với những cơn đau, mỏi do bệnh khớp hành hạ. May mắn, bà biết đến phòng khám Đông y của Hội Từ thiện thành phố nên tháng nào cũng 2 - 3 lần bà lại ghé để được châm cứu và điều trị bệnh miễn phí. Không chỉ bà Tài mà nhiều người nghèo khác cũng vậy, họ xem phòng khám như điểm tựa mỗi lúc ốm đau. “Cứ thấy nhức mỏi đi lại khó khăn là tôi lại đến phòng khám. Sau khi được châm cứu là bệnh lại đỡ, chân cẳng lại khỏe khoắn để tiếp tục đi bán vé số kiếm tiền nuôi chồng bị bệnh” - bà Tài nói.
Tấm lòng lương y
Chị Hoàng Thị Ngọc Yến (SN 1976) là lương y làm việc tại phòng khám gần 5 năm nay. Tốt nghiệp ngành Đông y, Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh năm 2000, chị Yến về quê tìm việc làm và duyên số đã đưa chị đến với phòng khám Đông y. Chị cho biết, ban đầu chỉ nghĩ làm tạm thời ở phòng khám, tuy nhiên sau một thời gian ngắn gắn bó với người bệnh, chị ở lại phòng khám đến tận bây giờ. “Mỗi lần được khám và chữa bệnh cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thì lòng tôi thấy rất nhẹ nhõm và thoải mái” - chị Yến nói. Hiện nay chị được trả lương hơn 2 triệu đồng/tháng nhưng trước đó một thời gian dài công tác ở phòng khám chị chỉ nhận có 250 nghìn đồng tiền hỗ trợ. “Nếu không có gia đình và tình yêu với công việc chắc tôi không bám trụ với phòng khám được lâu đến thế” - chị Yến chia sẻ.
Bệnh nhân đến với phòng khám đa số là người nghèo. Người bán vé số, người chạy xe thồ… họ là những bệnh nhân gắn bó thường xuyên với phòng khám. Không phải trả chi phí khám bệnh, tấm lòng của người thầy thuốc đã tạo niềm tin cho bệnh nhân. Đôi lúc họ đến không chỉ để được bấm huyệt, bắt mạch mà vì họ tin ở tình thương thật sự của người thầy thuốc. Chị Yến tâm sự: “Thực sự thì chất lượng chuyên môn của phòng khám không thể sánh bằng các bệnh viện lớn. Nhưng ở đây, chúng tôi chữa bệnh cho bệnh nhân bằng cả tấm lòng. Chữa bệnh không nhất thiết chỉ bắt mạch và bốc thuốc mà còn là cách chữa từ chính trong tâm hồn họ. Sự động viên và chia sẻ thêm với bệnh nhân về những khó khăn trong cuộc sống đôi khi lại là liều thuốc tinh thần giúp bệnh tật của họ sớm nhanh khỏi”.
VINH ANH