Y tế

Phòng ngừa bệnh mùa nắng nóng

LÊ QUÂN 11/04/2024 10:30

Dự kiến nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn với nền nhiệt tăng cao, nguy cơ gia tăng các bệnh lý liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, tim mạch… Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp phòng ngừa.

z5331455221135_bfadde1ce8937373a8f481a730480ee8-1-.jpg
Gia tăng trẻ em mắc các bệnh lý về hô hấp trong mùa nắng nóng. Ảnh: X.H

Bệnh lý mùa hè

Từ đầu tháng 3 đến nay, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân ở các độ tuổi đến khám và điều trị bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, tim mạch. Trong đó, bệnh nhi vẫn chiếm đa số.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang (Bệnh viện đa khoa Minh Thiện) cho biết, đa số trẻ em đến khám mắc các bệnh lý về viêm hô hấp, phế quản, viêm ruột… Chưa kể, thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao khiến vi khuẩn sinh sôi dễ gây các bệnh truyền nhiễm do siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Trong các tháng đầu năm 2024, số lượng bệnh nhi nhập viện về tay chân miệng tại Quảng Nam cũng tăng hơn so với các năm trước.

Năm 2023, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 3.068 trường hợp, giảm gần 7 lần so với năm 2022. Tuy nhiên, tay chân miệng ghi nhận 1.183 trường hợp, tăng hơn 2 lần so với năm 2022 (573 trường hợp).

Ngành Y tế Quảng Nam ghi nhận, hiện nay các chủng vi rút cúm xuất hiện, biến đổi liên tục bên cạnh dự báo sốt xuất huyết, tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ cũng tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan.

Năm 2024, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng sẽ còn kéo dài.

Thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, có nguy cơ gây hạn hán, thiếu nước sạch cho sinh hoạt và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người lao động.

Ngoài các bệnh dịch truyền nhiễm, nắng nóng cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh về đường ruột, tiêu hóa. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng là môi trường để bệnh dại bùng phát mạnh, đỉnh điểm vào khoảng tháng 5 đến tháng 8.

Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn Trung ương và của tỉnh, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 18 ca tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trên địa bàn Quảng Nam, trong năm 2023, đã xảy ra 5 ổ dịch dại trên động vật ở các địa phương: Đại Lộc, Phú Ninh, Tam Kỳ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 805 người bị chó, mèo cắn đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để điều trị dự phòng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 105 trường hợp chó có biểu hiện lên cơn dại hoặc chạy mất tích sau khi cắn người.

Chủ động phòng ngừa

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, các địa phương, bệnh viện, trung tâm y tế cần hướng dẫn, phổ biến các kiến chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động, hướng dẫn xử lý nước hộ gia đình bằng các biện pháp đơn giản.

Đối với người dân, để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe khi thời tiết nắng nóng, cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi.

Tại các cơ sở y tế, đảm bảo tổ cấp cứu lưu động hoạt động liên tục cũng như tập huấn các kỹ thuật sơ cấp cứu cho người sốc nhiệt được đặt ra.

Ông Mai Văn Mười yêu cầu các cơ sở y tế chủ động giám sát phát hiện bệnh dịch mùa hè, không để bùng phát dịch sau các đợt nắng nóng kéo dài. Đảm bảo người bệnh và người nhà có thể chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh.

Bổ sung và khắc phục ngay cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lắp đặt mái che lồi giữa các khối nhà và tại các khu vực ngoài trời tập trung đông người. Trồng thêm cây xanh cũng như bổ sung các thiết bị làm mát tại những khu vực cần thiết. Rà soát thông khí tại các khu vực đông người như sảnh chờ, hành lang và các khu điều trị…

Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt ra khi thời tiết nắng nóng. Theo đó, ngành y tế đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, tập trung chú ý tại các bếp ăn tập thể, hàng quán ăn nhanh…

Tăng cường các biện pháp phòng bệnh dại

UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại để đảm bảo đạt tỷ lệ phòng bệnh theo quy định, nhằm đáp ứng miễn dịch bảo hộ cho đàn chó, mèo.

Cạnh đó, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên địa bàn trong đó lưu ý các địa phương phát triển du lịch, tập trung khu công nghiệp, đô thị như Hội An, Tam Kỳ.

Đồng thời các địa phương triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng chống bệnh dại và các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh dại; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng ngừa bệnh mùa nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO