Cho đến nay, không có số liệu nào cho thấy người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm Covid-19 hơn người bình thường.
Nguy cơ nhiễm Covid-19 phụ thuộc sự lây lan trong cộng đồng và khả năng thực hiện các biện pháp bảo vệ; tuy nhiên, vấn đề của người bệnh đái tháo đường trong đại dịch Covid-19 là dễ bị các biến chứng nặng hơn và kết quả điều trị thấp hơn. Trong suốt đại dịch Covid-19, các bác sĩ lâm sàng đã lưu ý rằng một số bệnh nhân có nguy cơ đặc biệt cao diễn tiến bệnh nặng hoặc tử vong do nhiễm SAR-CoV-2.
Trong đó, bệnh đái tháo đường type 2 là một trong những yếu tố nguy cơ chính khiến bệnh Covid-19 nghiêm trọng. Các nhà khoa học cho hay, nguyên nhân chính có thể do một loại enzyme có tên SETDB2.
Cũng chính loại enzym này có liên quan đến các vết thương viêm, không lành được tìm thấy ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Một số nghiên cứu khác về đái đường và Covid-19 cũng đã chỉ ra rằng khoảng 25% những người đến bệnh viện mắc Covid-19 nặng kèm theo tiểu đường. Những người này có nhiều khả năng bị biến chứng nghiêm trọng và tử vong do vi rút.
Có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đái tháo đường mắc Covid-19 dễ bị biến chứng nặng. Đó là hệ miễn dịch ở bệnh nhân đái tháo đường yếu, khó đánh bại vi rút, làm kéo dài quá trình hồi phục. Đường huyết cao có thể là môi trường tốt cho vi rút phát triển. Có biến chứng hoặc bệnh đi kèm như bệnh tim mạch, tăng huyết áp… làm nặng thêm bệnh.
Ngoài ra, những nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát đường huyết ở các bệnh nhân đái tháo đường nhiễm SAR-CoV-2 khó khăn. Bao gồm chế độ ăn và giờ ăn thay đổi, nhất là bệnh nhân ở các khu cách ly; thiếu hoặc thay đổi các thuốc uống đái tháo đường tại vùng bị cách ly; bệnh nhân bị viêm, nhiễm khuẩn… khi đó cơ thể có phản ứng tăng tiết glucocorticoid và một số nội tiết tố khác để chống stress và viêm nhưng chính các nội tiết tố này lại làm tăng đường huyết.
Lo âu, sợ hãi, căng thẳng (stress) cũng làm tăng đường huyết; một số bệnh nhân nặng cần điều trị glucocorticoid. Bản thân SAR-CoV-2 kích thích cơ thể tăng sản xuất nhiều cytokine viêm, gây stress nặng ở các bệnh nhân nặng và nguy kịch; ảnh hưởng của các thuốc giảm đau chống viêm (Aspirrin, Paracetamol, Ibuprofen…) được sử dụng để điều trị làm giảm triệu chứng của bệnh...
Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường hoàn toàn không nên lo ngại trước dịch Covid-19, mà cần chú trọng phòng bệnh nhiều hơn những người bình thường khác. Cách tốt nhất để tránh bị bệnh là ở nhà càng nhiều càng tốt. Nếu phải ra ngoài, người bệnh tiểu đường hãy tránh xa người khác ít nhất 2m và rửa tay thường xuyên; khi trở về từ siêu thị hoặc nơi công cộng khác, hãy rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong ít nhất 20 giây...
Ngoài ra, để bảo vệ người bệnh tiểu đường trong gia đình không mắc Covid-19 và lây cho người nhà bị bệnh đái thào đường cần thường xuyên thực hiện 5K để phòng bệnh, đặc biệt là rửa tay trước khi nấu ăn cho gia đình. Nhà có người bệnh đái tháo đường, nếu bất cứ ai trong nhà bị ốm, nên ở trong phòng riêng, tránh tiếp xúc với người bệnh tiểu đường càng nhiều càng tốt để họ không phải lây nhiễm bệnh từ mọi người.