Phòng ngừa người tâm thần, "ngáo đá" gây án

PHƯƠNG NAM 20/01/2017 08:37

Cơ quan công an triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn người mắc bệnh tâm thần, người nghiện ma túy đá gây án nhưng người dân cũng cần chủ động phòng ngừa khi phát hiện đối tượng đã sử dụng ma túy đá, lên cơn tâm thần.

Thời gian qua, các đối tượng bị bệnh lý về tâm thần, bị ảo giác do sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi dã man, giết người thân, giết nhiều người, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Gần đây nhất, ngày 9.1.2017, khi lên cơn “ngáo đá”, Phạm Quang Sinh ở thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) đã đập phá đồ đạc trong nhà rồi lao sang nhà hàng xóm gây rối, đánh người. Khi lực lượng chức năng có mặt, Sinh hung hăng dùng vật dụng tấn công hai công an. Tuy nhiên, Sinh đã bị Công an huyện khống chế, áp giải về trụ sở để xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, gần cuối năm 2016, Nguyễn Văn Sơn trú xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) cũng bị Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh bắt giữ do sử dụng ma túy đá rồi gây án. Được biết, trước khi gây án, Sơn đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép các chất ma túy.

Các vụ án do người bị bệnh tâm thần, người sử dụng ma túy đá gây ra đều có điểm chung là sự việc diễn ra bất ngờ, không thể lường trước. Vì vậy, cần phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng người có biểu hiện tâm thần, “ngáo đá” gây án. Ngày 30.12.2016, Giám đốc Công an tỉnh đã có văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa như rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng có tiền sử bị bệnh lý về tâm thần hay đang có biểu hiện tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp và các chất ma túy khác gây ra hiện tượng ảo giác, “ngáo đá”; tiếp tục tấn công trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy... Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, người dân cũng cần phải chủ động phòng ngừa. Thực tế cho thấy, những vụ án mạng từ người có bệnh tâm thần và “ngáo đá” xảy ra một phần là do người thân trong gia đình của họ đã không nhận thức được mức độ nguy hiểm khi đối tượng mất kiểm soát. Gia đình cứ nghĩ rằng khi người bệnh được xuất viện là đã ổn, không nghĩ tới hậu quả khi bệnh tái phát. Còn các đối tượng “ngáo đá” thông thường không có biểu hiện theo cơn như đối tượng sử dụng ma túy khác nên người thân mất cảnh giác.

PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng ngừa người tâm thần, "ngáo đá" gây án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO