Kém chất độc da cam/dioxin 10 lần về mức độc hại, PCB (chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong môi trường) hiện diện khá nhiều trong thực tế, tuy nhiên không phải ai cũng biết và có cách phòng tránh. Một cuộc tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về hóa chất độc hại PCB vừa được Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) tổ chức tại Đà Nẵng như là sự cảnh báo về tác hại nguy hiểm của chất độc này.
Sát thủ vô hình
PCB là một trong 22 nhóm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy tồn tại ở thể lỏng, không mùi, không vị, có màu từ trong suốt đến vàng nhạt và không thể phát hiện bằng mắt thường. Từ khi được tổng hợp lần đầu năm 1881, PCB được xem là chất phụ gia lý tưởng ứng dụng trong một số ngành công nghiệp và dân dụng như dầu cách điện máy biến thế và tụ điện, dầu thủy lực và dầu cắt công nghiệp, sơn, mực in, giấy than trắng (không chứa carbon), chất phủ bề mặt (dùng trong chống thấm, chống cháy); chất bôi trơn, chất bịt kín, chất làm dẻo và cao su nhân tạo, thuốc trừ sâu… Do khó hủy trong tự nhiên nên khi PCB phát thải vào môi trường sẽ tồn tại rất lâu trong nước, đất, trầm tích, thậm chí trong mô mỡ của cá và động vật thông qua chuỗi thức ăn của các loài này. Nghiên cứu cho thấy, con người bị phơi nhiễm PCB chủ yếu qua các đường tiêu hóa (do ăn động vật bị phơi nhiễm), hô hấp và tiếp xúc trên da; riêng trẻ sơ sinh có thể bị phơi nhiễm PCB từ sữa mẹ khi người mẹ bị phơi nhiễm PCB. Hậu quả, có thể gây ra các ảnh hưởng cấp tính và mãn tính đối với sức khỏe từ nhẹ như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt, đau đầu…, nặng hơn là ung thư, quái thai, dị dạng, tác động đến hệ sinh sản và phát triển cơ thể (đối với trẻ).
Theo bà Nguyễn Thị Hương Dịu (Công ty CP Tư vấn EPRO), do PCB hiện diện ở tất cả môi trường từ đất, nước, không khí nên dẫn đến khả năng tích tụ trong thực phẩm rất cao. Hạn chế thấp nhất sự phơi nhiễm PCB trong đời sống hàng ngày, cách tốt nhất là ăn cá, trứng, sữa, gia cầm, thịt mỡ có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, cần lưu ý cẩn trọng khi đến các khu công nghiệp cũ, vì PCB tại các nơi này có thể đã rò rỉ và phát thải ra môi trường trước đó. Đặc biệt, thận trọng khi tiếp xúc các loại vật liệu như chấn lưu điện tử, bóng đèn huỳnh quang, giấy than không carbon, sơn chống cháy…; nên thay thế các đồ gia dụng lâu năm như ti vi, tủ lạnh cũ từ trước năm 1979 vì phần lớn các thiết bị này đều có chứa PCB, quá trình sử dụng có thể rò rỉ một lượng PCB ra không khí. |
Tại buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về hóa chất độc hại PCB vừa được Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Quản lý PCB tại Việt Nam cho biết, dù Việt Nam không sản xuất PCB nhưng thời gian qua cũng đã nhập khẩu thiết bị và dầu có khả năng chứa PCB, chủ yếu là dầu biến thế, dầu cách điện, dầu công nghiệp (dầu thủy lực, dầu bôi trơn, chất phụ gia nhựa…). Dù đến nay việc nhập khẩu các thiết bị có chứa PBC đã được cơ quan chức năng kiểm soát nhưng những thiết bị cũ có chứa PCB vẫn còn khá nhiều. Theo số liệu điều tra năm 2006, cả nước có khoảng 9.000 tấn dầu cách điện chứa PBC, tuy vậy con số thực tế lớn hơn nhiều do hiện tượng lây nhiễm chéo trong quá trình lọc và tái sử dụng. “PCB được xem là sát thủ vô hình vì hợp chất hữu cơ này khó phân hủy, có tính độc cao và bền trong môi trường. PCB có khả năng tích lũy sinh học cao, phân tán, lan truyền rộng và nhất là mang tính ngấm dần, đến một ngưỡng nhất định mới phát sinh ra các triệu chứng, khi đó việc chữa chạy hết sức khó khăn” - ông Tuấn cảnh báo.
Phòng ngừa phơi nhiễm PCB
Tại Quảng Nam, đến nay dù vẫn chưa xác định cụ thể điểm, vùng nào có độ phơi nhiễm PCB cao nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngoài các máy biến thế, tụ điện (sản xuất trước năm 2000), khả năng PCB tồn tại ở những nhà máy thủy điện là tương đối. “Điều đáng ngại là ở những vùng có thiết bị chứa PCB, nếu không được quản lý kiểm soát tốt, chất này có nguy cơ rò rỉ ra môi trường sau đó tích tụ trong đất, hoa màu, sâu bọ, côn trùng và chuyển đến chim hoặc động vật có vú theo chuỗi thức ăn, sau đó xâm nhập vào cơ thể người qua con đường ăn uống nên chúng ta rất khó phòng tránh” - ông Tuấn phân tích. Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Sở TN&MT Quảng Nam, hiện tại ngoài 200 lít dầu có chứa PCB trong máy biến thế đời cũ do Điện lực Quảng Nam quản lý chờ tiêu hủy thì vẫn chưa phát hiện được chất PCB ở nơi khác. Riêng với các thiết bị trong nhà máy thủy điện, chưa thể kết luận có chứa PCB hay không do chưa có công trình nghiên cứu hoặc kiểm tra nào. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Nam cho biết, hiện tại việc tồn dư PCB hoặc phát tán ra môi trường là không đáng ngại do các đơn vị sử dụng thiết bị có chứa PCB đều đã đăng ký nguồn thải và cũng đã lưu giữ đúng nơi quy định. “Ở Quảng Nam, ngoài một số thiết bị cũ của ngành điện, chất này không có nhiều. Tuy nhiên thời gian qua chi cục cũng đã có văn bản yêu cầu ngành điện lực kê khai các thiết bị chứa PCB, đăng ký nguồn thải nguy hại để Nhà nước quản lý theo danh mục nguồn chất thải nguy hại” - bà Hạnh nói.
KHÁNH LINH