Việc xác định những nguy cơ tiềm ẩn về sự cố bức xạ và hạt nhân để từ đó xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp cho toàn tỉnh là mục tiêu được các nhà khoa học, nhà quản lý chú trọng.
Nhận diện nguy cơ
Theo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBX & HN), Quảng Nam có 5 cơ sở sử dụng 6 nguồn phóng xạ. Đó là chi nhánh Công ty Pepsico Việt Nam tại Quảng Nam sử dụng phóng xạ để đo mức nước trong lon; Công ty CP Thủy điện A Vương: kiểm tra độ chặt, độ ẩm; Công ty CP Giấy Sài Gòn miền Trung và Công ty TNHH MTV Giấy Thành Bắc - chi nhánh Quảng Nam: đo độ dày giấy; Liên đoàn địa chất xạ hiếm: thăm dò giếng khoan. Theo phân tích của Cục ATBX&HN, nhìn chung, các nguồn phóng xạ sử dụng trên địa bàn Quảng Nam đều xếp ở nhóm 4, 5 nên mức độ nguy hiểm thấp nhất phân loại trong Quy chuẩn Việt Nam - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATBX - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, Cục ATBX&HN cũng cảnh báo, nguy cơ sự cố với các nguồn phóng xạ là vẫn có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tới con người và môi trường, tức hậu quả phóng xạ và phi phóng xạ.
Ký kết hợp tác vùng giữa 5 tỉnh từ Thừa Thiên Huế tới Bình Định trong ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân. Nguồn: baodanang.vn |
Cũng theo phân tích của đơn vị này, chiếu xạ quá liều ít có khả năng xảy ra trong quá trình đo mức nước trong lon, do nguồn phóng xạ có hoạt độ thấp đã được che chắn trong thiết bị bảo vệ, song không loại trừ nguy cơ mất nguồn trong quá trình bảo trì, bảo dưỡng thiết bị hoặc mang nguồn lưu kho. Đối với thiết bị đo độ chặt, độ ẩm sử dụng nguồn phóng xạ, đây là thiết bị di động nên việc quản lý nguồn khó khăn và cần có thiết bị chuyên dụng đo suất liều nơtron, song trên thực tế, rất ít cơ sở trang bị được thiết bị này. Đối với thiết bị đo độ dày giấy, nguy cơ tương tự với trường hợp sử dụng nguồn trong đo mức nước như chiếu xạ quá liều ở mức độ thấp, mất nguồn phóng xạ và xảy ra cháy nổ gần khu vực đặt nguồn. Với thiết bị thăm dò giếng khoan, do đặc thù công việc, nguồn phóng xạ sử dụng di động và khi làm việc tại các công trường thì nguồn được đưa xuống các lớp đất đá để thăm dò các thông tin về địa chất nên nguy cơ cao nhất là kẹt nguồn phóng xạ trong lỗ khoan…
Theo ông Nguyễn Tuấn Khải - Cục trưởng Cục ATBX&HN, trong các nguy cơ mất ATBX thì tình huống hay gặp nhất là nguy cơ mất nguồn phóng xạ. Khi đó, nguồn phóng xạ bị mất kiểm soát, gây ảnh hưởng cho con người và môi trường bên ngoài cơ sở. Tình trạng mất nguồn trong vận chuyển nguồn phóng xạ cũng là nguy cơ rất lớn, ví như tình trạng nhập khẩu nguồn, vận chuyển đến các tỉnh/thành khác, hoạt động do các cơ sở từ địa phương khác mang đến… Nguy cơ tai nạn trên đường vận chuyển, tình trạng rò rỉ, thất thoát, mất nguồn. Hay như tình trạng mất an ninh nguồn phóng xạ như mất cắp, phá hoại nhằm mục đích xấu với con người và môi trường, tạo tâm lý hoang mang, tác động lớn đến kinh tế - xã hội địa phương…
Lập kế hoạch ứng phó
Trên địa bàn cả nước, đã từng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến sự cố bức xạ và hạt nhân. Có thể điểm lại một số vụ điển hình như sự cố tai nạn kẹt nguồn phóng xạ (vụ Ir - 192 trong xạ hình công nghiệp của Công ty Alpha năm 2002); sự cố rơi nguồn (vụ Ir - 192 tại công trường ở Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty Alpha năm 2007). Chưa kể, một vài sự cố liên quan tới mất nguồn phóng xạ hở (vỡ nguồn)… Từ những nguy cơ trên, nhu cầu cấp bách đặt ra là việc nghiên cứu nguyên nhân và quy trình khắc phục các sự cố mất nguồn, rơi nguồn từ các thiết bị xạ hình công nghiệp cũng như tìm kiếm nguồn thất lạc, khắc phục sự cố vỡ nguồn đối với phóng xạ hở là vô cùng cấp thiết. Việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, giảm thiểu thiệt hại do các sự cố gây ra cho con người và môi trường là cấp thiết.
Năm 2016, Sở KH&CN phối hợp với Cục ATBX&HN (Bộ KH&CN) đã tổ chức thành công hội thảo “Ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Cùng với đó, UBND tỉnh, Bộ KH&CN đã phê duyệt “Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân (BXHN) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” theo Quyết định số 3478/QĐ-BKHCN năm 2016. UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ huy ứng phó sự cố BXHN cấp tỉnh theo Quyết định số 436/QĐ-UBND năm 2016 gồm 14 thành viên. Cùng với việc thành lập ban chỉ huy ứng phó sự cố, tỉnh cũng đã đầu tư trang bị các thiết bị ghi đo bức xạ, phát hiện nguồn, đo nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt, các dụng cụ phục vụ ứng phó sự cố BXHN. Đây là cơ sở để chỉ đạo, phối hợp các cơ quan trung ương, địa phương, các cơ sở để triển khai hiệu quả các hoạt động ứng phó sự cố BXHN trên địa bàn. Theo đó, những khu vực tập trung cơ quan hành chính có độ nhạy cảm an ninh cao của tỉnh như các cơ quan hành chính tỉnh; quảng trường; khu du lịch; các khu/cụm công nghiệp; ban quản lý cửa khẩu… được thiết lập trong kế hoạch ứng phó BXHN của tỉnh. Vấn đề liên kết vùng trong ứng phó sự cố bức xạ cũng được chú trọng. Cuối năm 2016, Sở KH&CN các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã tham mưu UBND các tỉnh thành ban hành cơ chế phối hợp, liên kết vùng trong ứng phó sự cố BXHN nhằm phối hợp xây dựng kịch bản, diễn tập ứng phó và giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, trang thiết bị để ứng phó với các sự cố BXHN nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, trang thiết bị, nguồn lực để ứng phó sự cố xảy ra trên địa bàn.
HOÀNG LIÊN