Vẫn biết đây là việc được khuyến tấn tự lòng, nhưng căn phần nặng lắm, lại ham ăn nhậu, ác thay lại mê cá đồng, mà nghe nói là đã phóng sanh con gì thì không được ăn con nấy nên cứ lần lữa, nhưng lần này tôi phải… tu mới được, bèn đi mua cá phóng sanh.
Ảnh: Internet |
1. Chợ Bàn Thạch (Duy Vinh). Một bà bán cá mau miệng: “Có, loại nhỏ vừa hay nhỏ hung, cá tràu đó, mua mấy?”. “Nhỏ chi cũng được, một thau là bao nhiêu?”. Nhấc từ cái cân xuống, bà nói: “Hai ký, 130 nghìn đồng. Mùng 9, rằm, họ mua nhiều lắm”. Nói xong, bà ụp cái rọt vô bao ni lông, thắt cổ bao lại. “Chết răng?”. “Không”. “Biết tôi thả ở mô không mà nói không chết?”. “Ở mô gần là được”. Mấy thau cá lớn, nào trê, tràu, rô, lớn có nhỏ có. Có một thau cá trê cỡ như ngón tay út, chắc là trê giống. Mấy trăm con loi choi chòi đạp nhau trong cái thau trắng nhỏ xíu, tự dung thấy rờn rợn. Ở đây không có bao ni lông trắng to đổ nước vô, mà cứ bán đại, ai sợ cá chết thì tìm bao kiểu đó mà đùm. Tôi xách bao cá ra gần khỏi chợ, một bà bán rau nói: “Mi kiếm chỗ thả, xa xa xí”. Tôi cười, gật, biết rồi, mấy cha xung điện đang giăng bẫy chờ.
Vừa lên xe, một cặp tấp tới, ngó xách cá, bèn hỏi: “Mấy đó, còn không?”. Tôi gật. “Em cũng đi mua cá phóng sanh”. Trên đường đi, tôi có thêm vài người đi cùng cũng kiếm chỗ thả cá. Một bà ở Điện Phong nói: “Mua ở chợ Hà Mật được một mớ, không biết răng thả, mấy con chết, thấy sợ sợ răng đó”. “Rứa là chị tận nghiệp”. Ông cho biết mình tên Tân, nhà ở Nam Phước, nối chuyện: “Tôi đọc trên mạng, nói phóng sanh mà để cá chết, là coi như chưa phóng”. “Thì rứa nên tôi mới mua lại chứ. Nhưng mà mắc hè, tết thì tết, nhưng cá phóng sanh thì cũng là làm việc thiện, bán thì bán nhưng cũng vừa phải chứ”. “Đừng nghĩ rứa, mình mua, đừng trả, ai bán mắc, nghiệp ác họ gánh. Mình cũng đừng nghĩ mua ít mua nhiều cá lớn cá nhỏ, tâm mình là quan trọng”.
Tôi nghe, nói thiệt, rối mù lên. Một phản biện khác, nghĩ như thế là tiêu cực, bởi nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sinh tự có ác báo của sát sinh. Phóng sanh tự có thiện báo của phóng sanh. Ta hãy thực hành thiện nghiệp của mình, còn ai làm ác, họ gánh, mai sau quả báo hiện tiền không sai, vì thế đừng tạp niệm, bởi mỗi một biệt nghiệp khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa trong việc sống hay chết… Bà kia ráng gân cổ: “Biết rồi, mình thấy cần làm thì làm thôi…”. Tự dưng, thấy mấy bà ở quê mình hơn hẳn nhiều người, đi phóng sanh mà như kiểu phát động phong trào, thấy họ đi mình cũng đi. Lại nhớ lâu rồi, hồi đó tôi đang học cuối cấp 3, làng bỗng dưng nổi lên chuyện học trò cấp hai nhiều đứa bỏ ngang để đi chùa. Lý do rất đơn giản: học mệt, chùa vui. Đi chùa đâu có dễ. Đâu chừng mấy tháng, trụ lại chỉ còn những đứa gia đình có truyền thống theo đạo Phật, còn mấy thằng kia coi như hết đường đến trường.
Cá như thế này, được mua nhiều để phóng sanh. Ảnh: T.V |
2. “Rứa chị thả chỗ mô?”. “Ra cầu Câu Lâu thôi”. Ông Tân e hèm: “Ừ, nhưng ngó khúc mô ít ghe lưới với mấy đứa soi cá”. Rồi ông kể, ở quê vợ Khánh Hòa, mấy ông soi cá xung điện, cứ nhắm chỗ họ phóng sanh cá, ngồi trên ghe phục kích, vừa thả xong là ào tới. Con cá vô bao ni lông, là đờ đờ, thả xuống chưa kịp lặn, đã bị “hóa kiếp ngục tù” lần nữa, được phóng sanh đâu không thấy, mà bị ở tù hai lần, thậm chí chưa biết sẽ mấy lần. Mấy ông này bắt được, đem đến gần chùa bán lại cho mấy người mua phóng sanh... Trưa về, tôi nghe kể, ở cầu Kỳ Phú (Tam Kỳ), người phóng sanh đi theo nhóm khá đông, có sư thầy hướng dẫn tụng niệm bằng loa hẳn hoi, cá vừa thả xong là mấy ghe lưới ào tới… Chuyện như thế, tại Sài Gòn, báo chí nói rần rần nhưng đâu có giảm. Cứ nhè kênh rạch mà thả, khác chi đưa con cá vô cảnh “kiến bò miệng chén biết ngày nào ra”. Ở mình, nếu thả ao hồ, mấy đám ruộng trũng, sông nhỏ, cạn, chết sớm là cái chắc.
Phóng sanh chim cũng vậy. Mang đến chùa và thả, điều chắc chắn số phận chúng nó rồi cũng quay trở lại đây. Nhiều người mang đến rừng, với lý do đó mới là không gian của chúng, chứ đồng bằng bây giờ cạm bẫy giăng cả trên trời. Chịu khó đi xa để thả, nhưng lòng yên hơn. Hình như đến bây giờ, lưới trời không lồng lộng bằng lưới người, nên ai cũng lo. Mua để phóng sanh, góc độ đạo đức như thế là không thiết thực, góc độ tâm linh với người thả cá sẽ được trả nghiệp thì lại trở thành những người tạo nghiệp bất thiện… Quá khổ. Phật dạy rằng phóng sanh theo lời Phật dạy là thể hiện lòng từ bi, nhưng từ bi cũng phải có trí tuệ, nếu không con vật được phóng sanh không bao giờ gặp được tam bảo. Tôi từng nghe một đại gia ở Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh) nói, rằng tôi không mua cá chim nữa, vì loài phóng sanh sẽ không thoát được oan nghiệp người đời mà mỗi ngày tôi càng thấy càng sợ; tiền tôi không thiếu, tôi đi làm từ thiện cho con nít nghèo mà đỡ áy náy hơn…
3. “Rứa anh thả ở mô ?”. “Để tôi coi”, tôi đáp. Ngang cầu Câu Lâu, nhóm họ chừng 6 người dừng xe, ngó trên ngó dưới. “Chỗ ni hè”. Đó là đoạn trên cầu cũ. Bà kia gật đầu. Cũng chưa thả. Cứ ngó, bởi có mấy đứa choai choai đứng gần đó chơi. Họ khiến tôi chột dạ. Hai ký cá bỏ trong hai bao ni lông, nó cứ chòi đầu ra, cột kỹ sợ chết, trên đường đi nó phóng ra hai lần, khiến vừa đi vừa ngó như cầm theo vàng. Thả ở đâu bây giờ? Không thả nhanh thì nó chết, không khéo mình mang thêm tội ác vốn đã… không ít, mà thả liền ở chốn giang hồ trên thuyền dưới bến ni, không khéo lại tội nặng hơn. Tôi nhớ người bạn nói rằng lục đạo chúng sinh đều là cha mẹ ta, thả mà sống được tức là cứu được cha mẹ ta. Nhớ đến đây, là sợ. Tôi phóng xe đi, quá nửa cầu phía Điện Bàn vẫn thấy họ đứng đó. Khổ quá, ở đời kỹ quá cũng khổ, nhưng chuyện này khổ cũng phải chịu, đâu có tùy tiện được. Chạy đến cầu Vĩnh Điện, nắng rát, tôi có lạ chi ở vùng này, nhà cửa san sát, ghe thuyền ầm ĩ, cá mắm ở đây đâu có ổn. Lại chạy đến Thanh Quýt, quẹo xuống ngõ phía bên phải ngay cầu phía bên kia, tính ra sông, mấy con mắt dòm theo bao cá cười cười, khiến tôi quay lui. Lúc đó, có ý nghĩ trồi lên làm tôi bật cười, rằng xem ra mình cũng mộ đạo thiệt chứ không phải như mấy bạn đồng nghiệp rượu chè trời ơi đất hỡi chuyên xỏ xiên, rằng là mình sống cạnh chùa, giả hình, chuyên quậy, có ngày chùa không chịu nổi sẽ phải di dời tái định cư.
Tôi ráng chạy miết đến cầu Tứ Câu. Không dừng ở điểm này, là cá chết. Phóng qua cầu, ngay đầu cầu là quán cà phê, cạnh đó là miếng đất trống gai cỏ um tùm, có lối đi nhỏ xuống sông. Tôi chạy xe xuống, gai móc chích đau điếng. Vắng. Bên kia sông là làng tre xanh ngắt. Ngó tới ngó lui không có ghe nào, tôi mở bao cá, lạy Phật cá đừng chết. Mười mấy con cá tràu gặp nước, không hớn hở chút nào, bởi bị cầm tù hơn tiếng đồng hồ trong bao ni lông không nước, ít hơi. Chúng nó cứ nằm cạnh bờ, nổi lờ đờ, không con nào lật ngửa hoặc nằm nghiêng, tức là chưa chết, đầu cứ quay vào bờ. Tôi đâm sợ, bèn khấn rằng “Mô Phật về với sông với suối đi!”. Mấy phút sau, nó đi một hơi không giã biệt. Tôi thở phào đứng lên. Có ai đó nói, rằng hãy tích cực ăn chay, không giết gia cầm gia súc thì bạn cũng đã là người phóng sinh hàng ngày không cần chờ đến ngày vía Phật hay ngày lễ để có cơ hội phóng sanh. Ăn chay thì ăn được, nhưng ăn miết đâu có được. Tôi ngó lại chỗ thả cá. Cầu mong chúng nó sống, không bị có ngày vào chợ để rồi lại được mua rồi thả...
Ghi chép của TRUNG VIỆT