Sau những đợt nắng mưa xen kẽ giữa thu thì nấm tràm mọc nhiều ở khắp cánh rừng tràm. Thông thường, mỗi năm sẽ có 2 đợt nấm tràm mọc là vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 và cuối tháng 9 đến tháng 10.
Ở Quảng Nam, nấm tràm mọc nhiều vào cuối tháng 9. Theo ông Nguyễn Văn Báu (xã Tam Trà, Núi Thành), nấm tràm mọc nhiều ở những cánh rừng keo lá tràm chừng 2 - 3 năm tuổi. “Trong những cánh rừng này, lá keo rụng xuống, với độ ẩm cao do mưa nắng xen kẽ sẽ tạo ra vi sinh từ tinh dầu trên lá keo, nấm mọc lên từ đó. Đối với những cánh rừng lớn tuổi, độ dày của lớp lá cũng sẽ hạn chế nấm mọc” - ông Báu cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Thơm (Tam Trà), nấm tràm ở Quảng Nam cũng ít người biết và sử dụng như một món ăn vì cây nấm này có vị đắng nhẫn. Ai không quen sẽ không ăn được. Nhưng đối với một số tỉnh bắc miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thì nấm tràm là món ăn truyền thống, rất được ưa chuộng.
Những cây nấm tràm hái được, người dân đem về phân loại rồi bán cho các thương lái ở các đầu mối chợ. Nấm được phân loại thành: nấm tai (những cây nấm đã trưởng thành), nấm búp (những cây nấm mới mọc được 2 - 3 ngày). Cao điểm, có lúc giá nấm lên đến 70 nghìn đồng/kg đối với nấm búp và 60 nghìn đồng/kg đối với loại nấm tai.