Mùa trồng rừng trên rẻo cao Tây Giang

HỒ QUÂN 27/11/2021 15:51

(QNO) – Trên rẻo cao Tây Giang, đồng bào đang bước vào vụ trồng rừng mới. Những cánh rừng lim, giổi trong dự án trồng rừng phòng hộ, rừng thay thế đang bắt đầu cắm xuống đất, hứa hẹn sẽ bảo tồn được nguồn gen quý, đa dạng hệ sinh thái rừng và hạn chế nguy cơ xói lở đất nơi đây. 

Những giống lim được BQL rừng phòng hộ Tây Giang chăm sóc chu đáo trước khi bàn giao cho người dân đem đi trồng. Ảnh: H.Q
Những giống lim được BQL rừng phòng hộ Tây Giang chăm sóc chu đáo trước khi bàn giao cho người dân đem đi trồng. Ảnh: H.Q

Thời điểm này, chủ rừng là Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tây Giang đang tất bật vào vụ mùa trồng rừng phòng hộ, trồng rừng thay thế cho kịp kế hoạch năm. Ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tây Giang cho biết, thời tiết mưa bay, đất đai tơi xốp là điều kiện rất thuận lợi để cây phát triển, tỷ lệ sống cao hơn.

Hai năm nay, chủ rừng trồng được hơn 140ha rừng lim, giổi trên toàn huyện Tây Giang. Riêng năm 2020, BQL rừng phòng hộ Tây Giang trồng hơn 100ha rừng lim tại 2 xã Lăng và A Xan. Đến nay, hơn 90% diện tích rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt với chiều cao trung bình hơn 1m.

Người dân bỏ cây giống vào gùi, lội bộ xuyên rừng núi hàng cây số để đến các khu vực trồng. Ảnh: H.Q
Người dân bỏ cây giống vào gùi, lội bộ xuyên rừng núi hàng cây số để đến các khu vực trồng. Ảnh: H.Q

“Hiện chưa có nguồn giống bản địa nên chúng tôi đang nhập giống chất lượng cao từ các tỉnh phía bắc. Qua thời gian thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy giống cây này phát triển tốt trong điều kiện đất đai, khí hậu địa phương nên chủ rừng bắt đầu hợp đồng với đơn vị thi công triển khai trồng diện rộng” – ông Sinh cho hay.

Hơn 90% diện tích trồng sống, phát triển tốt. Ảnh: H.Q
Một cây con bắt đầu trồng xuống đất. Ảnh: H.Q

Với vai trò là đơn vị giám sát dự án trồng rừng, BQL rừng phòng hộ Tây Giang phối hợp với đơn vị thi công trong công tác triển khai trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật. Theo quy trình lâm sinh, 2 năm đầu tiên trồng rừng đóng vai trò tiên quyết, nên cần đầu tư chăm sóc, liên tục phát bụi rậm để cây phát triển mạnh.

Theo ông Sinh, đơn vị thuê hơn 100 người dân địa phương thường xuyên trồng và chăm sóc rừng. Đồng bào được thuê trồng rừng vừa tăng thu nhập vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng hơn. Sau 5 năm, khi rừng bắt đầu kết tán, những diện tích rừng này sẽ được đưa vào chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, người dân nhận khoán bảo vệ sẽ được hưởng lợi, giữ rừng có trách nhiệm hơn và hạn chế tác động vào rừng.

Dân bản địa được thuê trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng. Ảnh: H.Q
Người dân địa phương được thuê trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng. Ảnh: H.Q

Từ đầu năm đến nay, BQL rừng phòng hộ Tây Giang trồng được hơn 50ha rừng và phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ phủ xanh thêm 50ha. Theo kế hoạch, đến năm 2030, chủ rừng này sẽ trồng được khoảng 1.000ha rừng, tăng độ che phủ rừng nằm trong phạm vi BQL rừng phòng hộ Tây Giang quản lý lên 94%. 

Việc tham gia trồng rừng cũng giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, hạn chế tác động vào rừng. Ảnh: H.Q
Việc tham gia trồng rừng cũng giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, hạn chế tác động vào rừng. Ảnh: H.Q
Trồng rừng ở những khu vực đồi dốc sẽ tăng độ che phủ rừng, hạn chế việc sạt lở. Ảnh: H.Q
Trồng rừng ở những khu vực đồi dốc sẽ tăng độ che phủ rừng, hạn chế sạt lở. Ảnh: H.Q
Nhờ người dân trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc kỹ lưỡng nên tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%. Ảnh: H.Q
Nhờ người dân trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc kỹ lưỡng nên tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%. Ảnh: H.Q
Mùa trồng rừng tại Tây Giang.Ảnh: H.Q
Mùa trồng rừng tại Tây Giang. Ảnh: H.Q
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa trồng rừng trên rẻo cao Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO