Bảo vệ từng dấu chân thú

TUỆ LÂM 09/07/2022 08:13

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, là sự dè dặt: “Hay là thôi, đừng viết nữa. Chứ các nhóm săn thú, chỉ cần đọc được thì lại lùng sục trong các cánh rừng mất. Lúc đó, tụi em lại thêm khó. Thấy rứa thôi, chứ họ tài lắm. Thợ săn mà!” - một cán bộ của Vườn Quốc gia sông Thanh (Nam Giang) nói.

Ngoài nhiệm vụ giữ vàng, giữ rừng thì giữ gìn hệ sinh thái, đa dạng sinh học của VQG sông Thanh là nhiệm vụ tối quan trọng của các cán bộ bảo vệ rừng. Ảnh: T.L
Ngoài nhiệm vụ giữ vàng, giữ rừng thì giữ gìn hệ sinh thái, đa dạng sinh học của VQG sông Thanh là nhiệm vụ tối quan trọng của các cán bộ bảo vệ rừng. Ảnh: T.L

Mất một lúc lâu thuyết phục, thì ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia sông Thanh (VQG) mới đồng ý cung cấp số liệu cụ thể, kèm theo “ghi chú”: chỉ được nêu tên những loài vốn đã được công bố trên số liệu của tỉnh hay tổ chức WWF (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên).

Cuộc chiến không khoan nhượng

Không phải tự nhiên sự “khó khăn” đó tồn tại, mà nó xuất phát từ thực tiễn, từ những gì mà người cán bộ bảo vệ rừng đã phải nếm trải qua chừng ấy năm. Qua từng lời kể, từng vết sẹo thâm đen do vắt rừng cắn chằng chịt ở dưới bắp chân cũng đã đủ nói lên điều đó.

Trong tổng số 899 loài thực vật bậc cao được ghi nhận tại VQG sông Thanh có 101 loài quý hiếm, có tên trong Danh lục Đỏ IUCN 2016, Sách đỏ Việt Nam 2007 và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22.1.2019 của Chính phủ về quản lý động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi buôn bán quốc tế loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Hệ động vật trong rừng tự nhiên trên địa bàn phong phú và đa dạng, gồm 68 loài thú, 130 loài chim, 112 loài bò sát, 56 loài lưỡng cư, 103 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống. Trong đó: 22 loài thú, 5 loài chim, 23 loài bò sát, 1 loài lưỡng cư, 1 loài cá có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Điển hình như: voọc chà vá, mang lớn, mang Trường Sơn, vượn, gấu, chào mào, chích chòe lửa, trĩ sao, cu xanh má quặp.

Ngoài ra, VQG sông Thanh còn là sinh cảnh quan trọng của các loài thú lớn khác và thuộc vùng sinh thái ưu tiên trong cảnh quan Trung Trường Sơn. Nếu được bảo vệ tốt, VQG Sông Thanh có thể là nơi điển hình để phục hồi các quần thể thú lớn ở miền Trung Việt Nam.

Ông Phạm Hữu Nghĩa, nguyên là Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh trước đây, có hơn 14 năm gắn bó với từng lối mòn trong những cánh rừng già.

“Không phải chúng tôi khó khăn gì khi cung cấp thông tin cho anh cả. Chỉ sợ rằng, thông tin hé lộ thì cánh thợ săn thú lại ráo riết truy tìm động vật, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ” - ông Nghĩa giải thích.

Cánh thợ săn thậm chí còn rành những loại vật nào có giá trị cao, quý hiếm thế nào, hay cả những đặc điểm nhận dạng, nơi sinh sống… chẳng kém gì cán bộ bảo vệ rừng. Vì vậy, sự cảnh giác đó, là không thừa.

Như mới đây, giữa tháng 9.2021, tin báo từ tổ bảo vệ rừng Phước Xuân (Phước Sơn) cho biết, phát hiện một số đối tượng sử dụng súng để săn bắn động vật rừng trái phép và khẩn trương xin ý kiến của VQG.

Nhận định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, một cuộc họp nhanh để vạch kế hoạch tác chiến. Hai mươi cán bộ được huy động gùi, cõng lương thực, dụng cụ hỗ trợ xuất phát ngay chiều hôm đó, đến đêm thì tới địa điểm của thợ săn thú.

“Bọn tôi phải tập kết cách nơi ở của họ chừng hơn 1 tiếng đi bộ, vì nếu thấy động họ sẽ phát hiện ngay, bởi đó là những tay thợ săn lão luyện, y như con thú vậy, nhìn từng con suối, nhành cây, đánh hơi từng mùi ở trong phạm vi cảnh giác của nó hết…” - ông Nghĩa nhớ lại.

Theo lời kể của ông Nghĩa, sáng hôm sau, cả đoàn dậy lúc 3 giờ sáng rồi xuất phát, trực chỉ hướng những tay săn thú đang ở để phục kích. Đi bộ hơn 1 tiếng rưỡi thì tới, kế hoạch đã được vạch sẵn, vòng vây dần siết chặt.

Khi nhóm săn thú còn mơ màng trong giấc ngủ trên võng thì tất cả đều bị áp sát, khống chế gọn. Lúc này đồng hồ báo là 4 giờ 30 sáng. Đoàn bắt giữ 4 người, thu giữ 3 khẩu súng săn với đạn đã được lên nòng!

Các đối tượng bị dẫn giải về và bàn giao cho Hạt kiểm lâm xử lý theo quy định. Anh em ai cũng mừng, là bởi đã an toàn trấn áp được nhóm thợ săn trái phép mà không có ai bị thương, phần nữa là vì bắt kịp thời nên chưa có con thú nào bị săn giết.

Đó chỉ là một trong những đợt trấn áp của anh em cán bộ bảo vệ rừng ở đây từng trải qua. Họ nhớ rành rẽ, là vì nó mới xảy ra cách đây mấy tháng. Tất nhiên chẳng phải vụ việc nào cũng diễn ra suôn sẻ, êm xuôi như thế.

Đặt bẫy ảnh để biết hệ sinh thái của rừng có những loài vật gì sinh sống, từ đó có cách bảo vệ. Ngoài ra, bẫy ảnh cũng để ghi nhận các trường hợp săn bắn động vật quý hiếm. Ảnh: T.L
Đặt bẫy ảnh để biết hệ sinh thái của rừng có những loài vật gì sinh sống, từ đó có cách bảo vệ. Ngoài ra, bẫy ảnh cũng để ghi nhận các trường hợp săn bắn động vật quý hiếm. Ảnh: T.L

Như hồi đầu năm 2021, Tổ bảo vệ rừng Xí Xum (đoạn giáp ranh giữa Nam Giang và Phước Sơn) khi đang đi tuần tra thì phát hiện 4 người đang dùng ghe nan, kích điện để đánh bắt cá trong lòng hồ sông Thanh. Qua kiểm tra, phát hiện 3 cá thể rùa, 2 con cá chình đã bị đánh bắt.

Tổ đã tiến hành thả những cá thể này về lại hồ, đồng thời tiêu hủy 1 máy kích điện, 1 thuyền nan của những người này. Mấy ngày sau, tổ công tác gồm 5 người đang đi tuần thì bị những người này đón lõng rồi lao vào hành hung. Do bị động, lại không có công cụ hỗ trợ nên một cán bộ bị thương nặng.

“Mấy anh em chạy được, tìm chỗ có sóng gọi xin hỗ trợ. Nhưng khi lên đến nơi thì chúng đã chạy thoát từ lúc nào, vì đường rừng, không phải nói đến là đến kịp. Áy náy có, thương anh em có, nhưng rồi cũng động viên nhau tiếp tục công việc chứ biết làm sao?” - ông Đinh Văn Hồng kể.

Bảo vệ từng dấu chân thú

Trong khi UBND tỉnh đang lên kế hoạch về việc bán tín chỉ carbon thì việc gìn giữ đa dạng sinh học trong quần thể VQG sông Thanh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những cán bộ bảo vệ rừng ở đây kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ: giữ rừng, giữ vàng, giữ đa dạng sinh học…

Alăng Mậu (33 tuổi, xã Chà Vàl, Nam Giang) là tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng 659 (xã Đắc Pre) có gần chục năm gắn bó với những cánh rừng ở vùng lõi sông Thanh. Nhiều lần tham gia cùng đoàn đi đặt bẫy ảnh, Mậu phát hiện ra rằng mình quá… lạc hậu trước tài nguyên của quê hương.

“Đi với những nhà khoa học, mới thấy được rừng của mình có quá nhiều loài cây, con vật quý mà trước nay không hề biết. Họ chỉ cho mình thấy cây nào, màu sắc như thế là có độc, không được ăn; cây nào lá như thế nào có thể thay thuốc cầm máu… Hay như chim trĩ sao, cu xanh má quặp lâu nay chỉ thấy màu sắc nó đẹp thế thôi, chứ đâu biết nó nằm trong danh sách cần được bảo tồn” - Mậu nói.

Bữa cơm trưa giữa rừng của lực lượng bảo vệ VQG sông Thanh. Ảnh: T.L
Bữa cơm trưa giữa rừng của lực lượng bảo vệ VQG sông Thanh. Ảnh: T.L

Đoạn đường từ Tổ bảo vệ rừng Khe Giữa (xã Tà Bhing) vào chốt chặn giữa rừng trở nên ngắn lại bởi những câu chuyện thú vị như thế từ Mậu, Yên (Bnước Yên, 25 tuổi, xã Tà Bhing). Giữa trưa, cả nhóm dừng lại bên suối Nước Trong nghỉ chân. Bữa cơm trưa nấu vội, mì tôm làm canh, mấy cái trứng chiên. Vậy mà ngon.

Mậu say sưa kể về những gì mình đã từng được thấy, được chỉ bảo. Thấy được rừng còn phong phú các loại động thực vật sinh sống, từ đó, Mậu ý thức hơn trách nhiệm của mình. Anh vào cuộc vận động những người lâu nay đã quen với tập tục săn bắt, hái lượm.

“Nói về bẫy của người đồng bào ở rừng thì chẳng chịt như một ma trận. Họ đâu có phân biệt được đâu là động vật quý hiếm hay trong Sách đỏ? Con nào trúng bẫy thì ráng chịu. Lâu nay là vậy, giờ mình về gỡ bỏ, họ mất nguồn sống nên phản ứng mạnh lắm” - Mậu kể.

Xung đột gay gắt đến mức, bà con trên đó cứ mỗi lần thấy Mậu hay anh em trong tổ đều đòi đánh. “Nhưng đến nay thì mọi chuyện đã ổn cả rồi. Vừa rồi, có đoàn khảo sát của WWF đi kiểm tra, tuyệt đối không phát hiện một cái bẫy nào trong khu vực này. Người dân cũng dần hiểu rồi” - Mậu nói - “Vì em có cách của đồng bào chúng em!”.

Cơn mưa chiều đến sớm hơn dự kiến khiến bữa cơm phải bỏ dở giữa chừng để quay trở ra. Yên lẳng lặng kéo tay tôi, rồi ra hiệu cho mấy người phía sau dừng lại. Theo hướng Yên chỉ, một con rắn nhỏ nhiều màu sắc đang nằm phơi mình trên gốc gỗ mục, trên đường đi.

“Tụi em giữ rừng không chỉ là trách nhiệm, mà còn vì đó là máu thịt, vì đó là quê em” - Yên nói, rồi dùng cây gõ gõ thân gỗ cho con rắn nhỏ bò đi. Đôi chân, lại lùi sâu vào lớp lá khô.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ từng dấu chân thú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO