Cô gái gốc Quảng chinh phục đỉnh Everest

LÊ VĂN CHƯƠNG 28/05/2022 04:51

Một cô gái gốc Quảng và cũng là phụ nữ Việt đầu tiên chinh phục nóc nhà thế giới. Câu chuyện được chị kể lại không chỉ vượt qua lằn ranh sống chết trên hành trình ấy, mà xa hơn là thông điệp băng tan, biến đổi khí hậu mà loài người phải đối mặt.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhã với lá cờ Tổ quốc tại buổi lễ Puja trước khi vượt thác Khumbu. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhã với lá cờ Tổ quốc tại buổi lễ Puja trước khi vượt thác Khumbu. Ảnh: NVCC

Báo chí Việt Nam đồng loạt đưa thông tin về chị Nguyễn Thị Thanh Nhã, một phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục nóc nhà thế giới (đỉnh Everest cao 8.849 mét, nằm giữa Tây Tạng, Trung Quốc và Nepal) vào ngày 16.5.

Đây là cô gái thuộc thế hệ 8X quê ở huyện Quế Sơn, hiện sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Chị tốt nghiệp bằng thạc sĩ ngành Luật ở Trường Đại học Sorbonne và Đại học Panthenon Assas (Pháp), là người sáng lập Công ty luật Celigal.

Xin phép nữ thần!

Do biến đổi khí hậu và hiện tượng băng tan, nên chinh phục Everest ngày càng khốc liệt hơn.

Âm thanh cạch… cạch khô khốc dưới đôi giày đinh như gai mắt mèo để leo trên nền tuyết. Đó là đoạn clip được Thanh Nhã đăng tải. Chị phải thận trọng đặt chân xuống từng bậc thang trong những chặng đường cuối cùng để lên đỉnh Everest vào ngày 16.5.

Hai chiếc thang được kẹp vào nhau, đặt ngả qua một vết nứt lớn của núi băng, do vết nứt quá rộng nên phải nối thêm 2 chiếc thang nữa. Chuyến đi lên nóc nhà thế giới cao 8.849 mét và trở về, điều đầu tiên mà Thanh Nhã chia sẻ, đó là băng tan chảy quá nhanh, nhân loại sẽ phải đối mặt với nước biển dâng cao trong tương lai gần.

Chiều 25.5, chị Nguyễn Thị Thanh Nhã cho biết, vẫn đang ở nước ngoài và chờ bay về Việt Nam. Trước đó, nhiều tờ báo trong nước đã đăng tải thông tin, Công ty Tour Seven Summit Treks chuyên tổ chức leo núi ở Kathmandu, Nepal xác nhận cô gái Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới Everest vào lúc 3 giờ 30 phút, giờ Nepal (tức 4 giờ 45 phút, giờ Hà Nội) ngày 16.5. Cuộc gọi qua messenger, Nhã vẫn ho khan. Chị cho biết, “Mình quê gốc ở huyện Quế Sơn, sau này ba vô Sài Gòn và mẹ là người ở trong này”.

Trước khi chinh phục nóc nhà thế giới Everest, chị cũng như nhiều nhà thám hiểm khác đều phải trải qua những giây phút lựa chọn, tập luyện.

Có quá nhiều cái chết trên cung đường lên Everest. Không ai có thể đoán trước được chuyện gì, nên ở chặng đường bắt đầu, các nhà thám hiểm phải ngồi suốt 2 tiếng đồng hồ giữa một bình nguyên rộng trước vách núi băng giá để các Lạt Ma làm lễ Puja.

Đỉnh Everest thấp thoáng sau lưng Nguyễn Thị Thanh Nhã. Ảnh: NVCC
Đỉnh Everest thấp thoáng sau lưng Nguyễn Thị Thanh Nhã. Ảnh: NVCC

Trong văn hóa Tây Tạng, đỉnh Everest được gọi là Chomolungma, tức Nữ thần của núi. Vì vậy các Lạt Ma phải xin phép nữ thần phù hộ cho những người muốn lên đỉnh cao chọc trời này.

Tất cả nhà thám hiểm trước khi tham gia tour leo núi mạo hiểm nhất thế giới lên Everest đều bị những thông tin “rợn người” đập vào mắt. Đó là số lượng người chết khi chinh phục đỉnh cao; nghĩa trang lộ thiên khét tiếng. Trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, vào tháng 5.2019, báo chí ở Nepal loan tin đã có 19 nhà thám hiểm Everest bỏ mạng.

Vượt dốc tử thần

Có vài nguyên nhân khiến các nhà thám hiểm bỏ mạng. Và trong ngày cuối cùng (16.5) trước khi chạm được lên đỉnh Everest, chị Nhã cũng đã giật mình khi rơi đúng vào hoàn cảnh thường gây ra cái chết này - đó là kẹt cứng dòng người đi trên sống núi Southeast Ridge dẫn lên đỉnh.

Nhiều nhà thám hiểm đã cảnh báo và kể lại câu chuyện thỉnh thoảng có người lăn ra chết trong thời gian xếp hàng chờ ở nơi không khí loãng, nhiệt độ có khi âm 30 độ C, dẫn tới hội chứng bị phù não.

Đứng giữa lằn ranh sinh tử đó, chị Nhã đã quyết định liều mình đi tắt. Chị viết trên trang facebook cá nhân: “Mình bắt đầu vướng vào hàng “kẹt xe” traffic jam đầu tiên của những người leo núi đã khởi hành từ 6 hoặc 7 giờ tối trước đó.

Mọi người đều xếp hàng trên một sợi dây và leo chậm chạp từng bước một. Mình rất lo, nếu cứ phải chờ thế này thì có khi nào bị lạnh và chết vì hết oxy như trường hợp 11 người chết năm 2019 không?

Mình quyết định hỏi các em Sherpa (một dân tộc ở phía đông Nepal, trên vùng cao của Hymalaya - PV) của mình về việc vượt hàng. Vượt là một việc tốn sức trên độ cao 8.000m này.

Tuy nhiên mấy chị em sau khi hội ý xong vẫn quyết định vượt. Mình và các em lần lượt clip out ra khỏi hàng và vượt lần lượt từng người một hoặc nhóm 2 - 3 người… Cứ chậm chạp, chăm chỉ vượt từng người như thế…”.

Trước ngày lên nóc nhà thế giới, Tập đoàn Openasia, nơi Nhã làm việc đã tổ chức một chuyến đi Everest suốt 8 ngày, sau đó chia tay và chúc chị Nhã ở lại một mình với những nhà thám hiểm tại EBC (Trạm căn cứ Everest, độ cao 5.363 mét).

Từ đây chị phải chờ được cao tăng Lạt Ma làm lễ để xin phép nữ thần núi rồi mới đi tiếp thêm 5 ngày nữa lên tới đỉnh cao nhất, sau đó mất thêm 3 ngày để trở về.

Ở độ cao 8.749 mét, chị viết: “Tại đỉnh Nam, mình nhìn quanh, giờ chỉ còn lại mình và nhà leo núi người Brazil. Trong suốt cuộc đua từ Camp 4, có lúc ông ấy vượt lên mình, có lúc mình vượt lên ông ấy… Thay một bình oxy, đỉnh thật đã hiện ra từ xa xa lấp ló sau 3, 4 cái đỉnh “giả”. Mình quyết định sẽ tiếp tục leo nhanh nếu không muốn tai nạn xảy ra ở đoạn này”.

“Tiếp tục leo lên mãi. Bắt đầu đến một vách rất cheo leo, không có chỗ bám và vô cùng trơn trượt nguy hiểm. Mình lại nhớ đến những cuốn sách về leo núi đã đọc và nhận ra rằng mình đang leo đến Dải Vàng (Yellow Band) khét tiếng trên Everest.

Đây là một khu vực đá màu vàng lổn nhổn khó vượt qua mà anh Nguyễn Mậu Linh đã cảnh báo mình khi lên đỉnh. Mình đã loay hoay mất thời gian khá lâu để vượt qua Yellow Band…” - chị chia sẻ.

Thông điệp: Nước biển dâng

Thác Khumbu là địa danh nổi tiếng trong chặng đường đầu tiên từ Trạm căn cứ Everest để chờ làm lễ Puja và bắt đầu khởi hành nhiều vòng trước khi chinh phục đỉnh Everest.

Khoảnh khắc vượt qua vết nứt của băng.
Khoảnh khắc vượt qua vết nứt của băng.

Thác băng Khumbu là nơi có những tảng băng xếp chồng lên nhau và rất dễ bị sập, chôn vùi những người đang đi trên con dốc. Năm 2019, khi băng bắt đầu có hiện tượng tan chảy, nhiều tử thi đã xuất hiện ở nhiều con dốc và dưới thác Khumbu.

Tấm ảnh thác Khumbu cách đây 5 năm là một con dốc cao và lội tuyết lún tới đầu gối. Nhưng lần trở lại này, chị Nhã đã mô tả rằng, nước chảy xiết, hiện tượng băng tan chảy do hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu.

Vì băng tan chảy nên việc vượt thác Khumbu càng nguy hiểm hơn, mọi người phải đi lúc mờ sáng, lúc băng còn cứng, gắng sức vượt qua chứ không thể dừng giữa chừng.

Khi chinh phục đỉnh Everest và quay trở về, thân thể mệt nhoài, chị Nhã đã mô tả lại khoảnh khắc sinh tử mà mình đối mặt và hứa rằng sau này sẽ kể lại với con cháu.

Chị viết: “Việc đi qua sông băng khá nguy hiểm, những khe nứt to phải dùng đến thang nhôm để băng qua. Những khe băng nhỏ có thể nhảy qua.

Mình chưa bao giờ thoải mái với việc đi trên thang nhôm bằng những cái móng mèo sắt và phải giữ thăng bằng như nghệ sĩ xiếc. Nhưng cũng ráng “nhắm mắt” đi qua.

Tuy nhiên, trong một lần băng qua khe băng nhỏ bằng cách nhảy sang bờ bên kia, mình đã bị tuột lại nửa bàn chân và rơi xuống khe băng sâu hút. Nằm treo mình giữa trời trên một sợi dây trong một khe băng chờ được cứu. Tiếng thét của mình lúc ấy có lẽ âm lượng vang hết 3 trại”.

Do biến đổi khí hậu và hiện tượng băng tan, nên các cuộc chinh phục Everest ngày càng khốc liệt hơn.

Chị Nhã viết: “Chướng ngại vật đầu tiên là thác băng Khumbu khét tiếng. Nó mang một vẻ đẹp vừa lạnh lùng, vừa quyến rũ và chết chóc… Khi con sông băng chảy qua các mô và trũng trong các tầng bên dưới của thung lũng, nó nứt ra thành vô số khe nứt thẳng đứng. Một số khe băng này có thể bước qua dễ dàng; một số khác rộng đến 24m, sâu cả trăm mét và dài gần một cây số”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cô gái gốc Quảng chinh phục đỉnh Everest
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO