Có hẹn với Trường Sa - Bài 1: Tạm biệt đất liền

THÀNH CÔNG 13/01/2020 11:53

Quá nhiều xúc cảm đan xen suốt hải trình kéo dài 20 ngày đến với Trường Sa. Tôi đã thật may mắn khi được trải nghiệm hành trình đến đó, để tận thấy một Trường Sa phóng khoáng mà thiêng liêng, can trường nơi đầu sóng mà cũng diễm lệ đến khôn cùng. Đi, để thấy lá cờ Tổ quốc hiện hữu giữa nắng gió và bão dông, để nghe những người lính hát vang trong kiên cường, và để trái tim đập những nhịp tự hào mang tên Đất Nước. Nơi tôi đến là Trường Sa, với những câu chuyện được ghi lại ngay trên tàu 561...

Nghi thức chào trước khi tàu rời cảng. Ảnh: QUANG LIÊM
Nghi thức chào trước khi tàu rời cảng. Ảnh: QUANG LIÊM

BÀI 1: TẠM BIỆT ĐẤT LIỀN

Những ngày cùng với bao tân binh lênh đênh theo hải trình, tôi tin thứ gần gũi nhất với lính hải quân không phải những con sóng, mà là gió. Ràn rạt những cơn gió thổi qua khoảng ký ức, mà sau này, có lẽ sẽ là phần đời đẹp nhất của tuổi trẻ bao người lính may mắn ở lại nơi đó: Trường Sa.

Hát với lính

Trước ngày lên đường, tôi vào Vùng 4 Hải quân, hòa cùng những gương mặt tân binh đầy háo hức. Đêm văn nghệ. Gió từ hải cảng thổi lên, như gọi reo cùng tiếng vỗ tay không dứt. Lính hát. Phía dưới, đồng đội hòa ca, ngời ngời hồn nhiên trong từng ánh mắt. Rất nhiều trong số họ chưa một lần đi biển, nhưng hình như chẳng mấy ai bận lòng, dù trước mắt sẽ là một hải trình dài. Họ ở đây, với nhau, và với gió.

Tiếng reo chợt vang lên, nhiều cậu lính còn nghịch ngợm đưa tay huýt thật to khi đoàn văn nghệ của câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương có mặt trên sân khấu. Nghệ sĩ ưu tú Hồ Liên - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ cùng những cô gái trong đoàn nhanh chóng thu hút sự chú ý từ các chiến sĩ trẻ: “Ngày mai, các em sẽ theo tàu lên đường ra đảo. Có em đã có người yêu, có em chưa, nhưng chắc chắn hành trình ngày mai, sẽ không chỉ có những cô gái đang đứng đây dõi theo các em, mà còn có hàng ngàn, hàng vạn cô gái trên khắp đất nước này cùng hướng về các em, bằng tất cả niềm yêu quý. Các chiến sĩ của chúng ta đã đã sẵn sàng lên đường vì Trường Sa thân yêu chưa?”. Không cần ai bắt nhịp, bên dưới đồng thanh hô to: “Sẵn sàng!”. Giây phút ấy, tiếng hô vang át hẳn gió cầu cảng. Tim tôi bất chợt cũng rộn ràng.

Ba tiếng còi tàu, của khởi đầu, của hạnh ngộ, và cũng là của chia xa. Chung chiêng nỗi nhớ theo suốt ngày đầu của hải trình, đọng lại trong tôi là hàng dài những người lính đứng nghiêm nơi cầu cảng lẫn trên boong tàu và những bàn tay vẫy. Nhớ cả một người mẹ trẻ dắt đứa con trai đến muộn, dáo dác tìm chồng, mắt đã chực khóc giữa đám đông tiễn biệt. Nhớ cả cậu lính trẻ bắt tay quàng vai người bạn tiễn, hẹn năm sau trở về. Một đồng nghiệp kể, cũng trong chuyến đi như thế, anh biết chuyện một người lính bước lên tàu thì nhận được tin người thân qua đời. Không như ở đất liền, tàu hú còi chào cảng thì không quay đầu, quân nhân lên tàu không quay bước. Chỉ có thể kìm chặt tiếng nấc, chờ hồi còi cuối cùng dứt hẳn, tàu xa khuất mới dám khóc một mình. Vậy đấy, những cuộc chia tay “chói ngời sắc đỏ” nơi cầu cảng là biết bao xúc cảm lạ lùng.

Nhiều lính trẻ ùa lên sân khấu, tay sẵn cành hoa. Lời hát như reo cùng con gió. Đến khi các cô gái của chương trình văn nghệ bước xuống dưới giao lưu, một “làn sóng tay” tràn lên, nắm lấy những cánh tay chìa ra từ đoàn văn nghệ. Rất nhiều đôi mắt rạng rỡ trên bao khuôn mặt đã sạm đi bởi nắng gió thao trường, nhưng vẫn đầy sức trẻ...

Tôi may mắn có mặt trong khoảnh khắc hội ngộ khá đặc biệt của nghệ sĩ ưu tú Hồ Liên. Binh nhất Trần Văn Hiệu (SN 1998, quê Hải Hậu, Nam Định) khẽ len lên đầu hàng, nơi nghệ sĩ Hồ Liên đang đứng chuyện trò cùng các cậu lính trẻ. Chỉ mất vài giây, chị nhận ra ngay Hiệu là “anh nuôi” mà chị đã từng gặp ở đảo Sinh Tồn Đông trong chuyến đi Trường Sa vào tháng 7 vừa rồi. Hiệu bẽn lẽn nhắc lại kỷ niệm cũ ở đảo, khi cùng chị chế biến món “heo bọc thép” cho cả đoàn. “Heo bọc thép” là cách gọi vui của món thịt hộp, “đặc sản” của lính Trường Sa. Cậu lính trẻ chìa tay, xin... bắt tay chị, và nhận lại một cái ôm. Hiệu nheo mắt cười, cái cười vẫn còn nét thiếu niên dù làn da đã kịp hằn lên nhiều nắng gió...

Chương trình văn nghệ kết thúc sớm trong ít nhiều luyến tiếc, để những tân binh nghỉ ngơi cho hành trình ngày mai. Gặp họ, tôi biết, đêm nay sẽ là đêm thao thức với nhiều tân binh, trước chuyến đi có lẽ là đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mình.

Ba tiếng còi tàu

Quân cảng Cam Ranh, trời nắng nhẹ. Cái nắng của những ngày tháng Chạp mang hơi xuân trải trên lối về cảng. Phía cầu tàu, tàu 561 và hai con tàu KN490, 491 đã chờ sẵn. Tân binh cùng các sĩ quan thay quân ở Trường Sa đi theo đội ngũ, đều tăm tắp những gót giày. Ba lô con cóc to bè những đồ dùng, chiếc mũ hải quân được cài ngay ngắn trên cùng. Sau khi điểm danh, các chiến sĩ lần lượt bước lên tàu. Tôi đã dự nhiều cuộc giao quân ở đất liền, nhưng lần này, lòng lại dấy lên những xúc cảm khó có thể gọi tên khi bắt gặp nụ cười của những tân binh giữa hàng tay vẫy chào. Cũng sẽ là những ngày tháng rèn chắc tay súng vì Tổ quốc, nhưng nơi họ đến là phía nghìn trùng sóng Trường Sa. Có chàng lính trẻ sau khi điểm danh vội tranh thủ chạy đến chia tay người bạn, người đồng đội ở lại đất liền. Có chiến sĩ bước lên tàu mà ánh nhìn vẫn còn chùng chình nơi cô gái sinh viên có nụ cười duyên vừa vẫy tay tiễn... Đang cố ghi lại nhiều nhất những khoảnh khắc ở cầu tàu, tôi chợt nghe vang lên một câu tiếng Quảng. Phút gặp nhau ngắn ngủi, chỉ mới kịp biết tên em là Đinh Nguyễn Thanh Minh, 22 tuổi, quê ở phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn). Thanh Minh là tân binh ở đảo Song Tử Tây. Không cùng tuyến đi, tôi chỉ kịp gửi vài lời động viên, chúc chàng lính trẻ luôn mạnh khỏe và bình an, đón tết thật vui cùng đồng đội những ngày tháng tới...

Có rất nhiều “cuộc chia ly màu đỏ” diễn ra trong buổi chiều hôm ấy. Thượng úy Tạ Văn Sớm, sĩ quan thông tin thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bịn rịn ôm lấy con trai ở cầu cảng. Vợ anh, chị Tạ Thị Nhung là giáo viên Trường Tiểu học Đô Vinh 1, TP.Phan Rang (Ninh Thuận). Chị và con trai vượt quãng đường xa đưa tiễn anh. Những người lính đã lục tục lên tàu, riêng anh cứ mãi nấn ná như níu lấy từng phút giây bên cạnh vợ con. Không ai nỡ đưa ra một bàn tay vẫy. Cậu con trai cứ quấn lấy chân bố, còn nụ cười của chị hình như hơi lệch nghiêng. Rồi giờ phút chia xa cũng đến, tôi đứng trên boong tàu, thấy chị dắt tay cậu con trai. Chiếc bóng đổ dài cứ nhỏ dần, theo ba hồi còi tàu dài giã biệt. Có lẽ chị đã khóc. Tôi biết, trong lòng anh, cũng là cả một trời thương nhớ mang theo sau ba tiếng còi tàu.

Trùng trùng những người lính, trên boong tàu và phía dưới cầu cảng. Họ đưa tay chào. Tàu nhổ neo, nhưng còn một sợi neo khác cứ chùng chình níu lấy phút tạm biệt. Một sợi neo bằng những thương nhớ vô hình.

Những chiếc tàu ở cầu cảng đồng loạt rúc ba hồi còi dài. Tạm biệt đất liền, chúng tôi đi.

_______

Bài 2: Tết gần hơn nỗi nhớ

Không hoa đào, không mai vàng, không chộn rộn sắm sanh, Tết ở Trường Sa đến từ... những con tàu. Bao khắc khoải từ phía biển nguôi đi bằng yêu thương gom góp từ đất liền ra với đảo...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có hẹn với Trường Sa - Bài 1: Tạm biệt đất liền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO