Có hẹn với Trường Sa - Bài 2: Tết gần hơn nỗi nhớ

THÀNH CÔNG 14/01/2020 11:11

Tết ở Trường Sa đến từ những con tàu. Bao khắc khoải từ phía biển nguôi đi bằng yêu thương gom góp từ đất liền ra với đảo...

Lá dong được chuyển từ đất liền ra để các đảo nấu bánh chưng.
Lá dong được chuyển từ đất liền ra để các đảo nấu bánh chưng.

Mùa trái gió. Những cơn lắc lư liên hồi trên con tàu 561 là thử thách đầu tiên đối với chúng tôi trong lần đầu ra đảo. Trên tàu, là hàng tấn lương thực, hàng quà và cả những anh lính trẻ đi theo đợt thay thu quân trước thềm năm mới. Con tàu đạp sóng, đi về phía mặt trời.

Đảo chìm đón tết

Hai ngày sau khi rời cảng, màu xanh ngọc bích hiện lên dưới ánh bình minh. Nhiều tiếng reo trên boong, khi ánh nhìn bắt gặp một chấm bé xíu ngay trên màu xanh ngọc ấy: đảo chìm.

Đảo chìm Đá Lớn C là nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến trong chuyến hải hành. Như một kỳ tích giữa biển, đảo chìm hiện lên, hiên ngang cùng sóng gió. Những lênh đênh trước đó với cảm giác nhỏ bé và cô đơn giữa muôn trùng biển chợt dịu hẳn đi. Sáng sớm, triều rút, chúng tôi xuống xuồng trung chuyển vào đảo. Một thử thách cho đội lái xuồng. Sóng lớn, phải khéo léo nương theo từng ngọn sóng để xuồng không vấp vào bãi cạn. Từ tàu, thuyền trưởng theo dõi và dùng bộ đàm hướng dẫn xuồng nhờ tín hiệu cờ của lính đảo chìm. Cảm giác lắc lư vẫn còn, nhưng niềm háo hức cứ thế kéo chúng tôi đi theo những người lính trẻ đang chộn rộn.

Rau xanh được trồng ở đảo chìm là nguồn thực phẩm quan trọng trong những ngày Tết. Ảnh: T.C
Rau xanh được trồng ở đảo chìm là nguồn thực phẩm quan trọng trong những ngày Tết. Ảnh: T.C

Phan Thanh Thiện - chiến sĩ trẻ quê ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa cùng đồng đội khiêng một chậu quất từ xuồng trung chuyển lên bờ. Chậu quất ấy đã vượt hơn một nghìn cây số từ Văn Giang (Hưng Yên), góp thêm chút hương xuân ra với đảo. Vài giò lan từ Đà Lạt, bưởi Diễn từ Bắc Giang, mứt tết, bánh kẹo... theo tàu ra với những người lính.

“Tết năm ngoái, lần đầu ra đảo, mình đã tưởng tượng rằng sẽ buồn lắm. Nhưng ra đến đảo mới biết, tết cũng có bánh chưng, có kẹo mứt, có anh em quây quần. Đợt này thay quân, mình vào bờ, sẽ nhớ lắm cái tết ở đảo!” - Thiện cười, nụ cười rất tươi trên khuôn mặt đã sạm đi vì nắng gió.

Lính đảo chìm dành tối đa diện tích để trồng rau xanh. Những cơn gió mùa thổi ràn rạt qua đảo mang đầy hơi muối, “sát thủ” diệt rau. Mọi phương án che chắn cho rau đều được sử dụng. Những ngọn rau xanh ấy lớn lên từ sự chắt chiu từng thau đất, từng giọt nước ngọt và cả kỳ công chăm bón của lính, dành cho tết. Tôi đang mê mải ngắm màu xanh diệu kỳ ấy, bất chợt có tiếng gà gáy ran. Đảo có gà. Có cả vịt và một con heo. Tiếng gà gáy góp thêm một thanh âm thân thuộc, để những người lính vơi đi niềm mong quê xứ. Lính đảo nói, đó là hơi thở đất liền. Đi qua những ô cửa sổ, thi thoảng lại bắt gặp một chậu cây. Nhỏ lắm, nhưng màu xanh ấy như sáng lên giữa màu xanh thôi miên của biển, giữa nắng gió, và cả bão dông Trường Sa...

Sóng theo từng đợt gió vỗ ầm ào vào chân đảo. Thứ âm thanh dữ dội như gió bão ở đất liền, đã thành quen với lính. Mùa của dông và bão. Hôm ở Tốc Tan, lần đầu tiên chúng tôi gặp mưa. Trời đang trong, bỗng tối sầm lại, rất nhanh. Gió lớn, rồi những hạt mưa rào rào đổ xuống. Còn dông là còn nước ngọt, những người lính nhìn sự dữ dội kia bằng niềm mong. Dông qua nhanh, cũng như lúc nó kéo đến rồi rầm rập đổ xuống đảo. Lính hứng từng giọt mưa bằng mọi vật dụng, để dành lại đó. Chút ngọt ngào đến từ giữa bão dông, để nuôi lấy những ngày tháng khác...

Những người lính ở đảo chìm Đá Lớn C trang trí hội trường chuẩn bị đón Tết. Ảnh: T.C
Những người lính ở đảo chìm Đá Lớn C trang trí hội trường chuẩn bị đón Tết. Ảnh: T.C

Đất liền với Trường Sa

“Chúng tôi biết ơn tình cảm của đồng bào, của bao tấm lòng vẫn đang hướng về lực lượng hải quân nói chung, về Trường Sa nói riêng. Đó cũng chính là điểm tựa cho Trường Sa, góp phần giữ vững từng tấc chủ quyền đất nước”.

(Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 Hải quân)

Đồng hành với tôi trong suốt chuyến đi qua nhiều đảo thuộc tuyến giữa Trường Sa, nhà báo Võ Công Danh Việt - thành viên câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương mang theo rất nhiều suất quà từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Trước giờ xuất phát, thành viên câu lạc bộ đã cẩn thận chia quà, gói ghém cẩn thận để sẵn sàng vượt sóng, đến với 33 điểm đóng quân ở 21 đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa.

“Biển đảo luôn được nhắc đến bằng tất cả sự tự hào, thiêng liêng của hàng triệu người dân Việt. Chúng tôi hiểu được những gian khổ của từng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, hiểu được giá trị của những hy sinh mà mọi người đã và đang trải qua vì một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Những món quà được gửi đi, không chỉ là ân tình đất liền hướng về Trường Sa, mà còn là đặc sản của từng vùng miền để cán bộ chiến sĩ và người dân Trường Sa đón một cái tết ấm áp, vẹn tròn, đầy tình quê xứ” - nhà báo Danh Việt nói.

Trong số những món quà được gửi ra đảo, có một tặng vật khá đặc biệt: lá cờ Tổ quốc có chữ ký của ban huấn luyện và thành viên đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam sau khi vô địch SEA Games 30. Kỹ sư Trần Thành - Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tâm sự, lá cờ cùng lời chúc tết được đội tuyển thông qua CLB gửi tặng tới các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa.

“Đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam vừa giành được chiến thắng lịch sử, chức vô địch SEA Games 30 và trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sức trẻ đầy nhiệt huyết, cống hiến và ý chí vươn lên chinh phục đỉnh cao. Lá cờ chúng tôi mang theo đến từng điểm đóng quân sẽ là món quà tinh thần khích lệ, động viên những người lính nơi đầu sóng, lan tỏa tinh thần chiến thắng đến với vùng chủ quyền biển đảo thiêng liêng giữa biển Đông” - kỹ sư Trần Thành chia sẻ.

Lá cờ đỏ thắm ấy đã lần lượt tung bay trên nóc tàu 561, đi qua các đảo, đến với từng cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm, đảo nổi. Sau những lênh đênh hải trình, màu cờ đỏ thắm ấy đến với đảo xa, tiếp thêm một niềm tin để những người lính, những đồng bào đang sinh sống, làm việc và chiến đấu thêm vững vàng ở miền phên dậu.

Trường Sa, giờ đã vơi đi nhiều khốn khó. Chính những quan tâm, hướng về biển đảo suốt nhiều năm qua đã lặng lẽ vun đầy cho an yên ở nơi này. Và chưa dừng lại. Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 4 Hải quân nói, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã luôn là niềm cổ vũ, là tình cảm và sự quan tâm sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ và người dân ở Trường Sa.

“Chúng tôi biết ơn tình cảm của đồng bào, của bao tấm lòng vẫn đang hướng về lực lượng hải quân nói chung, về Trường Sa nói riêng. Đó cũng chính là điểm tựa cho Trường Sa, góp phần giữ vững từng tấc chủ quyền đất nước” - Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Vượng nói.

Vượt gió, vượt nắng, vượt cả những cơn sóng lừng quăng quật, rồi cuối cùng con tàu cũng đến được với đảo xa. Một nhịp cầu bắc bằng chuyến hải hành, để những thương yêu luôn trọn, để “cả nước vì Trường Sa” như lời gọi. Và, những người lính của chúng ta đã đón nhận, trân trọng những tình cảm thiêng liêng ấy để vững tay súng giữa trùng khơi sóng gió. “Trường Sa vì cả nước”, những lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay, căng tràn những tự hào.

Tết này, những nỗi nhớ cũng gần hơn, từ phía biển!

----------------

Bài 3: Trùng dương trong mắt lính

Người lính vẫn hát giữa trùng khơi, tay súng chưa bao giờ lơi đi khi đứng giữa bao la giữ từng tấc chủ quyền đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có hẹn với Trường Sa - Bài 2: Tết gần hơn nỗi nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO