Có hẹn với Trường Sa - Bài 4: Sinh Tồn, trong hình hài Tổ quốc

THÀNH CÔNG 16/01/2020 09:50

Với từng chút cây trái mọc lên từ nền san hô, từng gương mặt và cái cười con trẻ, khi đặt chân đến Sinh Tồn. Đảo nhỏ, có dáng hình gương mặt mẹ…

Hoàng hôn ở Sinh Tồn.Ảnh: T.C
Hoàng hôn ở Sinh Tồn.Ảnh: T.C

Thẳm xanh trong lòng biển

Nếu phải gọi tên một điều gì thân thuộc và bình an nhất ở đảo Sinh Tồn, ắt hẳn đó phải là những tán cây. Màu xanh trên những khối bê tông xám lạnh ở đảo chìm, hay cả những ngăn ngắt rợp trời nơi đảo nổi, cũng đều hiện hữu như một lẽ hiếu sinh của đất trời dành lại cho người ở biển. Bởi, sẽ cô độc biết bao nếu nhìn đâu cũng thấy người, mà lại vắng thiếu đi một bóng cây, hay ít ra là một khoảng xanh nho nhỏ vỗ về cái nắng quắt quay vốn chỉ có ở Trường Sa. Có màu xanh, là có dáng hình quê xứ.

Hôm tàu đến Sinh Tồn, màu xanh ấy quả đúng là màu của sự hồi sinh. Cả đoàn người vốn mệt nhoài sau nhiều ngày lênh đênh trên biển lập tức xôn xao khi bắt gặp một khoảng xanh non mởn mở ra giữa thẫm xanh mênh mông biển. Những cây tra, cây phong ba, cây bàng vuông rợp mát đảo nhỏ. Có cả một cây chanh thuộc vào hàng “cổ thụ”, mà lính đảo khoe rằng  luôn đơm trái, đỡ biết bao nhiêu những thiếu thốn “chất chua” ở đảo.

Y sĩ Phùng Văn Hoàn, người đã có 2 năm ăn tết Sinh Tồn kể nhiều về những cây xanh ở đảo, nghe anh kể mà có cảm giác như ký thác cả một niềm biết ơn. Cây che gió, chắn những mưa nắng bão dông, giữ nước, và hơn hết là cả một khoảng trời để bao người an trú. Bây giờ, ở đảo có đủ từ phong lan, hoa giấy, đến hoa súng, hoa sứ, cúc, mười giờ, được người dân và chiến sĩ chăm sóc, nâng niu. Màu sự sống.

Ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn, điểm đến của nhiều ngư dân mỗi khi có dịp ghé đảo.
Ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn, điểm đến của nhiều ngư dân mỗi khi có dịp ghé đảo.

Tôi đứng dưới tán những cây tra, nhìn dáng thế cũng đủ đoán định được bao sóng gió tả tơi tạc thành cái bóng mát đầy vững chãi ấy. Mà đâu chỉ cây trái, ở đảo, con người cũng đầy khao khát chứng tỏ sức bền của mình, với biển. Gặp những đứa trẻ ở đảo, còn bé lắm, đi cùng ba mẹ chúng, nhưng cái cách lũ trẻ chuyện trò với nhau dưới tán cây tra, cây bàng, hay nụ cười giòn vang sau giờ tan học, thấy nhịp sống nơi này có xa lạ gì đâu với những hơi thở của đất liền. Chỉ vắng thiếu những ồn ào chợ búa bán mua, thiếu sắc màu những khu vui chơi thành thị, hay xa hơn, là thiếu vắng những cuộc viễn du đâu đó mà cha mẹ có thể đưa con cái đi để chúng “mở mắt” với cuộc đời.

Hôm đoàn ra đảo, ngoài quà tết cho cán bộ chiến sĩ và bà con, còn có mấy chiếc xe đạp mini, nhiều đồ chơi và bánh kẹo. Lũ trẻ đón nhận, hân hoan với món đồ mới, ríu rít như bầy chim non suốt cả buổi sớm mai. Tôi còn gặp được một “công dân” mới toanh của Sinh Tồn: bé Trương Nguyễn Tố Trinh, chỉ mới vừa 6 tháng tuổi, là con gái của chị Nguyễn Thị Thu Thủy.

Những đứa trẻ ở Sinh Tồn. Ảnh: T.C
Những đứa trẻ ở Sinh Tồn. Ảnh: T.C

Anh Doãn Thế Hiển, một hộ gia đình ở đảo nói, vốn là dân biển, nên cuộc sống nơi này cũng chẳng khác mấy so với đất liền. Nhà nào cũng tự túc được một vườn rau xanh, đánh cá ăn, dư thì mang cho bộ đội. Đổi lại, bộ đội cũng cho khi thì đồ hộp, khi thì ít thịt. Nhìn những đứa trẻ đang mải mê chơi ngay bên cạnh tấm lưới đánh cá của người cha, nghĩ tới những sóng gió đã tưới tắm cuộc đời chúng từ lúc chào đời, hẳn sẽ thổi vào chúng một sức sống bền bỉ như chính những cây tra, cây phong ba, bàng vuông nơi đảo. Biển làm bạn, họ nương nhờ người bạn đặc biệt đó, mà sống, mà chăm bẵm cho những đứa con trong sự chở che của đảo. Sự chở che, có bóng hình Tổ quốc…

Vọng tiếng chuông chùa

Đừng nhìn Trường Sa bằng một ánh mắt buồn. Đi qua khắp các đảo nổi đảo chìm, khốn khó thật đấy, nhưng tôi chưa hề nghe thấy một lời thở than. Như cái cách mà rau trái ở nơi này đã xanh mướt đấy thôi, Trường Sa chắt chiu từng hạt đất gửi từ đất liền, từng chút nước ngọt, ân cần và tận tụy.

Tôi đồng hành với sư thầy Thích Tâm Thanh cho đến tận Sinh Tồn, nơi thầy sẽ tiếp tục hành trì trong ngôi chùa nhỏ. Đã quen với sóng gió Trường Sa từ khi còn ở Nam Yết, sư thầy nói, những ngôi chùa hiện diện ở Trường Sa giúp ngư dân lẫn những người dân ở đảo có thêm niềm tin trong những chuyến đi của cuộc đời mình. Tiếng chuông chùa vẫn đều đặn vang lên trong tịnh lạc, là thanh âm của từ bi, che chở cho biết bao phận số giữa trắc trở ba đào.

“Bà con, mỗi lần tránh trú bão hay có việc gì cần ghé, thường hay đến chùa thắp nén nhang. Chuyện họ kể, vui có buồn có, tôi nghe, nguyện cầu cho họ an lạc, bởi phía sau họ là gia đình, phía trước họ là cương thổ của Tổ quốc”, lời sư thầy cứ rầm rì trong nhang khói. Vốn chẳng xa lạ gì với tiếng chuông chùa nơi đất liền, nhưng ở nơi này, tiếng chuông vang trong gió như dội vào lòng biển những bồi hồi, như kiên nhẫn gieo từng hạt từ tâm, an lạc. Một nỗi tha thiết chực trào, khi chạm vào ngay ánh nhìn một ban thờ, ghi phương danh 64 anh linh liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Nơi này, không chỉ là chốn nương náu cho bao phận người đang sống…

Tết sắp về rồi. Hôm tàu đến, những phụ nữ ở Sinh Tồn mặc áo dài đứng thành hàng cùng những người lính chào đón đoàn nơi cầu cảng. Quà tết đã đến sớm, cho các chiến sĩ và cả những hộ dân. Trung tá Nguyễn Văn Quang - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn nói, thấy tàu là thấy tết. Sẽ có một nồi bánh chưng hẳn hoi dành cho tất cả chiến sĩ và cư dân, cả một đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” lúc giao thừa. Đầm ấm, thân tình, như hồn cốt bao đời của một cái tết cổ truyền.

Trung tá Nguyễn Văn Quang nói, năm 2019 đảo tăng gia được đến hơn 10 tấn rau xanh, chiết hơn 900 cây, trồng mới 500 cây xanh trên đảo. Một kỳ tích. Làm lính Trường Sa, giữa gian khổ chất chồng, ngoại bang chực chờ với bao hung hiểm thủ đoạn, chưa kể những cuồng nộ của đất trời mùa bão, lòng người phải vững mới mong trụ được giữa bốn bề gian khó. Hiện diện ở đó, họ còn là điểm tựa của ngàn vạn ngư dân. Cơn bão số 6 vừa qua, 79 tàu cá với 727 ngư dân được đưa vào Sinh Tồn tránh trú an toàn. Hàng trăm ngư dân được cấp phát thuốc. Ngư dân Võ Hữu Thủy trên tàu cá Qna-90956TS của Quảng Nam còn được phòng khám ở đảo mổ cấp cứu viêm ruột thừa cấp…

Hằn khắc trong tôi là sự rắn rỏi, cương nghị trên từng gương mặt, nhưng cũng chính những gương mặt đó, lại có thể bất ngờ là một chàng lính nghêu ngao hát dưới cột mốc chủ quyền đêm văn nghệ, hay là cái tên thi sĩ trên những tờ báo tường. Mọi gian khó được xếp lại, để vui vầy với nơi họ đang sống, thật an lành…

Tôi về lại tàu, nhớ tiếng chuông khoan thai hòa vọng với gió, nước và trời Trường Sa mà dậy lên một niềm thao thiết. Sinh Tồn, không thể mờ đi sự hiện hữu trong hải trình cắm cọc giữ gìn cương thổ. Xin chẳng để lòng riêng, nguyện cầu cho bình an, hoan hỉ những mặt người, cho bớt đi những ba đào nơi đầu sóng.

--------------

Bài cuối: Neo lại với sóng

Có một Trường Sa không ngủ. Đứng đó, những đôi mắt canh biển, canh trời...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có hẹn với Trường Sa - Bài 4: Sinh Tồn, trong hình hài Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO