Có một Hội An trong lòng... Tiên Phước

QUỐC TUẤN 18/03/2023 07:34

Dĩ nhiên đây không phải là đô thị cổ Hội An vốn đã nức tiếng thập phương mà là thôn Hội An thuộc xã Tiên Châu nằm ở tận miệt trung du Tiên Phước…

Một ngôi nhà cổ có niên đại hơn một trăm năm ở thôn Hội An. Ảnh: Q.T
Một ngôi nhà cổ có niên đại hơn một trăm năm ở thôn Hội An. Ảnh: Q.T

Còn đây một bóng đình 

Tính ra hai địa điểm này cách nhau ngót trăm cây số nhưng vẫn có chút gì hoài cổ giống nhau. Cổng đình làng Hội An khép hờ cửa chắc phải cả tháng nay, từ độ làm lễ cúng hôm 19 tháng Giêng. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là khung cảnh vắng hoe. Vắng người, vắng cả bóng cây. Dù vậy, bốn chữ “Đình làng Hội An” khắc trên cổng như mê hoặc, thôi thúc chúng tôi men theo đường làng lục lọi tích xưa của ngôi đình này. 

Ông Trương Minh Tân (75 tuổi) gần 25 năm làm Trưởng thôn Hội An và mới vừa bàn giao công việc, kể: “Hồi chiến tranh nhà tôi ngay đối diện đình làng chứ đâu. Hồi đó đình có 4 cái nhà lận chứ không phải 2 như bây giờ. Bao bọc quanh là cây cổ thụ, bờ hộc đá, ngõ chè tàu xanh mướt thâm trầm, linh thiêng lắm”.

“Vậy cái tên thôn và đình của làng mình có dính dáng gì với Hội An dưới kia không?” - chúng tôi tò mò. “Chắc là không đâu. Đình làng do ông Chánh tổng bấy giờ là Nguyễn Đình Dương chỉ huy xây dựng. Phần mộc thì do thợ làng Vân Hà (Phú Ninh) làm. Còn sâu xa hơn về lai lịch của làng thì chịu, không biết được” - ông Tân bộc bạch.

Thông tin lưu trữ của UBND xã Tiên Châu cho thấy, không gian đình làng khi xưa có đến 5 công trình kiến trúc. Bên cạnh ngôi nhà tự (đình chính) còn có nhà kho, nhà hội họp, nhà thủ hộ và về sau dân làng còn xây thêm ngôi nhà thờ Bà Tư (người có công với làng trong việc cúng tế).

Phía trước ngôi đình chính có bức bình phong được xây bằng đá núi, vữa vôi và trên mặt có chữ “Phước” rất lớn được đắp bằng những mảnh sành sứ. Hai bên cổng khắc hai câu liễn lớn có nội dung tạm dịch là “Thanh danh của vùng đất được tạo dựng từ hàng trăm năm/ Cửa đạo đức nghĩa nhân theo đó cũng được lan truyền bốn phương”. Đình làng Hội An được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19 và đã có niên đại hơn 150 năm.

Ông Mai Trung Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Châu kể thêm, trước đây dân làng Hội An thường tổ chức lễ rước sắc và cúng tế linh đình vào dịp lễ Kỳ yên (khoảng tháng 6 âm lịch).

Lễ kéo dài từ một ngày rưỡi đến ba ngày nhằm cầu mùa màng bội thu, xóm làng yên ấm. Cũng trong ngày lễ này có thực hiện nghi thức rước sắc phong do vua Bảo Đại ban, do ông Nguyễn Ân thủ sắc nhưng hiện sắc phong đã bị thất lạc. Sắc thần được để tại đình trong suốt thời gian lễ và đến chiều ngày cuối cùng lại đưa về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc.

Dưới hiên nhà cổ

Chúng tôi gặng hỏi cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của xã Tiên Châu rằng ở đây ngoài tên thôn và đình làng thì còn gì gợi nhớ đến di sản phố cổ Hội An hay không. Ông Hùng như sực nhớ: “Có chứ, là nhà cổ đó”. Mất mấy giây định hình, người đàn ông này chỉ tay về con ngõ phía trước, phía sau trụ sở làm việc của xã và nói rằng đi hướng nào cũng bắt gặp nhà cổ được.

Chiếc bàn xoay còn lưu lại trong nhà cổ của ông Nguyễn Văn Danh. Ảnh: Q.T
Chiếc bàn xoay còn lưu lại trong nhà cổ của ông Nguyễn Văn Danh. Ảnh: Q.T

Riêng thôn Hội An hiện có 12 nhà cổ, chưa tính di tích đình làng Hội An và một số mộ cổ. Còn tính chung trên cả địa bàn xã Tiên Châu hiện có 33 nhà cổ rải rác ở các thôn Hội Lâm, Thanh Bôi, Thanh Tân, Thanh Khê với niên đại từ 100 - 150 năm. Một hồi, chúng tôi đùa nhau phải gọi Hội An ở đây là “làng cổ” để phân biệt với Hội An đô thị cổ. 

Chọn một lối đi, mọi người quyết định cuốc bộ vào nhà ông Nguyễn Văn Danh. Suốt dọc con hẻm, những nếp nhà ẩn hiện, lấp ló sau bờ đá, hàng cau như đang chơi trò trốn tìm. Nhà ông Danh nằm ở phía cuối con đường. Ông Danh là truyền nhân đời thứ 4 cư trú dưới mái nhà cổ này.

“Nhà kiểu kiến trúc thời xưa nên ở mát mẻ lắm. Mấy thế hệ ở cả trăm năm nay cũng chưa sửa chữa gì lớn. Hồi bao cấp trong nhà có nhiều ấm tách, đồ cổ nhưng hồi đó chưa nhận thức hết giá trị nên không quan tâm bảo dưỡng rồi cũng thất lạc dần. Trích lục của các cụ ngày trước thì còn lưu giữ trong gian thờ đó nhưng mình lớp sau cũng không dịch nghĩa được” - ông Danh tiếc rẻ. Ngó lên trần nhà, dường như mái ngói nâu xỉn đã dần trở mình tơi rục sau trăm năm thức ngủ cùng nắng mưa.

Ông Danh kéo mọi người lại chiếc bàn xoay bằng gỗ được cẩn thận trải một tấm khăn nhung nhưng vẫn không che phủ hết lấm tấm bụi thời gian và nói bâng quơ “còn được cái bàn gỗ này của ông bà để lại nhưng giờ cũng để chỏng chơ đó chứ cũng không biết làm gì”.

Chiếc bàn này kích thước nhỏ nhưng khi đặt sấp ngửa bàn tay vào thì nó tự động xoay theo ý muốn của con người. Trông nó hao hao như chiếc bàn kính xoay hiện đại thường thấy trong một số bữa tiệc để tiện cho thực khách xoay tròn chọn món ăn thay vì phải nhoài, rướn người.

Những bước chân chầm chậm rời đi khi trời đã đứng bóng, con ngõ đá nhỏ quạnh vắng chỉ còn vẳng tiếng à ơi ru con trẻ giấc trưa vọng lại. Có lẽ ai lạc vào không gian này không cần nhắm mắt cũng liên tưởng ngay đến hình ảnh “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…” như lời thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Từ Hội An đến… Hội An

Chợt nhớ có lần đại diện Phòng VH-TT Tiên Phước đã chia sẻ trong một hội thảo diễn ra tại TP.Hội An rằng, làng cổ Hội An là một làng quê điển hình từ lâu đời trên địa bàn huyện. Nhiều ngôi nhà ở đó vẫn giữ được nguyên vẹn cấu kiện, kiến trúc truyền thống 3 gian, 2 chái, kết cấu vì kèo tam đoạn với đường nét điêu khắc trang trí tinh xảo được làm từ gỗ mít.

Đình làng Hội An (thôn Hội An, xã Tiên Châu). Ảnh: Q.T
Đình làng Hội An (thôn Hội An, xã Tiên Châu). Ảnh: Q.T

Trước đây, nhiều cụ cao niên ở địa phương kể rằng, Tiên Phước là vùng đất có đông đảo người Hoa đến lập nghiệp. Bấy giờ họ lập ra nhiều hiệu buôn lớn như La Hồng Trấn, Lâm Hồng Nho hay Phước Nguyên để gom thổ sản chuyển về… thương cảng Hội An. 

Nhắc về di sản phố cổ Hội An, ai cũng nghĩ ngay đến những bức tường màu vàng đậm đã thành thương hiệu. Còn với miền quê Hội An của Tiên Phước là bao la màu xanh của vườn tược, rêu phong bờ đá. Những năm được mùa, một vườn nhà cổ có thể thu hái được vài tấn lòn bon là bình thường.

Từ thôn Hội An, áng chừng 3km là đến thác Ồ Ồ và chỉ hơn 10km là đã đến làng cổ Lộc Yên. Trước khi có dịch COVID-19, nhà ông Danh và vài chủ nhân nhà cổ khác ở đây cũng từng đón các đoàn khách, sinh viên thực tập đến tìm hiểu, khám phá. Thì ra đâu đó nơi góc nhỏ của ngôi làng này cũng từng loáng thoáng dấu chân du khách để lại. 

Những gợi mở về phát triển du lịch ở đây không phải là không có cơ sở. Vào mùa ăm ắp cây trái, ghé lại với Hội An để thưởng một chén rượu lòn bon, trầm ngâm xem chủ nhân của những ngôi nhà cổ trình diễn cách chăm sóc để tạo ra trầm hương từ cây dó bầu. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để khiến khách cảm thấy phấn khích không muốn rời đi.

Ông Mai Trung Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Châu nói: “Xã cũng đã xây dựng đề án phát triển du lịch hẳn hoi đó chứ. Vào mùa đẹp trời, khách vãng lai đi thác Ồ Ồ ngang qua thôn Hội An rất đông, bình quân mỗi ngày phải vài trăm lượt nhưng chủ yếu là tự phát, chưa tạo ra được nguồn thu cho địa phương và cũng chưa thể kết nối chuỗi điểm đến”. 

Từ Hội An đến… Hội An là mênh mông khoảng cách giữa một thành phố di sản và thôn quê nhỏ bé. Ngẫu nhiên, cả hai tìm thấy nét tương đồng khi mang trong mình định danh “Hội An”. Có lẽ đó cũng chỉ là sự trùng lặp tình cờ của lịch sử.

Nhưng biết đâu đấy một ngày khi nhắc về định danh này, sẽ có nhiều hơn những du khách mường tượng ngay rằng ở Quảng Nam có đến hai “Hội An” đều mang trong mình vẻ đẹp bình yên. Một đã vang danh ở nơi cuối sông đầu biển và một khẽ khàng nép mình nơi ngược nguồn xứ Tiên…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có một Hội An trong lòng... Tiên Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO