Dấu chân của sóng

QUỐC TUẤN 03/10/2021 07:24

Từ nơi đẫm gió và cát, những ngư dân lầm lũi mang “lộc biển” về nhà sau một buổi kéo lưới vội. Dù không còn “chân biển chân làng”, họ vẫn nhớ biển và khát khao gắn đời mình với biển. 

Người dân ven biển Duy Xuyên tranh thủ khai thác hải sản gần bờ trước khi mùa mưa bão đến. Ảnh: Q.T
Người dân ven biển Duy Xuyên tranh thủ khai thác hải sản gần bờ trước khi mùa mưa bão đến. Ảnh: Q.T

Chấp chới đời làng

Cuối tháng Chín, nắng mưa chấp chới vờn nhau. Bên bãi ngang Tây Sơn Đông (Duy Hải, Duy Xuyên), thấp thoáng vài ngư dân tranh thủ nhặt nhạnh chút hải sản trước khi mùa mưa bão ập đến.

Ông Võ Đình Bút (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, 65 tuổi) cười xòa: “Tôi đã nghỉ đi biển nhiều năm nay rồi, nhà cũng đã chuyển sang khu tái định cư mới nhường đất cho dự án du lịch. Nhưng cũng cố gắng chọn chỗ ở gần biển một chút để lâu lâu nhớ nghề lội bộ ra kéo dăm bận lưới ri đây”.

Từ ngày cầu Cửa Đại nối đôi bờ Thu Bồn, vùng nam Hội An thực sự chuyển động. Dĩ nhiên là đời sống ít nhiều khá lên. Có điều không gian cư ngụ của cư dân đã thu hẹp đi rõ rệt. Làng lui vào trong, láng giềng hồi trước tản mát mỗi nhà mỗi ngả. Cũng bởi nào dự án du lịch, nào đô thị mới, rồi khu tái định cư nêm kín những nổng cát chạy dọc bờ biển.

Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải nói, thực ra ngư dân ở đây ai cũng muốn gắn đời mình với biển. Nhiều khu tái định cư mới cũng rất gần biển, chủ yếu sắp xếp dân cư lại một cách bài bản hơn. Theo quy hoạch thì các công trình thiết chế ở khu tái định cư mới cho người dân nhằm bảo tồn không gian văn hóa làng biển ở đây đều có hết nhưng đến giờ thì chưa triển khai được.

Nhiều người dân ven biển Hội An loay hoay khi sạt lở đã ở cận kề. Ảnh: Q.T
Nhiều người dân ven biển Hội An loay hoay khi sạt lở đã ở cận kề. Ảnh: Q.T

Tôi nhớ, bà Phạm Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội từng đưa ra nhận định: “Việc bảo tồn di sản văn hóa không thể tách rời với quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô. Không thể hô hào việc bảo tồn truyền thống, văn hóa nếu không tạo ra được không gian bền vững, chính sách bền vững về việc sử dụng tài nguyên đất đai và giữ gìn các làng cộng đồng ven biển. Đấy là về mặt vĩ mô, tôi nghĩ Quảng Nam đã có những kinh nghiệm, bài học đáng giá để có các tính toán phù hợp trong tương lai”.

Lục lại tư liệu về địa danh trải dài theo dải biển hơn trăm cây số của Quảng Nam, đâu đâu cũng bắt gặp những danh xưng mà khi xướng lên người ta dễ dàng định vị được gốc gác mặn mòi của quê xứ. Là Điện Dương (Điện Bàn), Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Dương, Bình Hải (Thăng Bình), vô tận miệt đảo Tam Hải (Núi Thành)…

Mới đây, có đận ngang qua làng mắm Hà Quảng (Điện Dương), điều đọng lại trong chúng tôi là một ánh mắt nặng trĩu của người đàn bà đang lui cui khuấy mắm, bởi sự bất định về tương lai đi ở của làng. Mùi của mắm, một mai ở làm sao nơi lòng đô thị?

Cuộc đổ bộ của đô thị hóa

Chẳng cứ Duy Xuyên, hầu hết mặt tiền dải ven biển trên địa bàn tỉnh đều đã, đang và sẽ lọt vào “tầm ngắm” của nhà đầu tư. Qua thời lấm lem gió cát, “hướng biển” bây giờ là “view đắt” của mọi dự án, huống hồ chạy song song sát bờ biển Quảng Nam là hai dòng sông Cổ Cò, Trường Giang thơ mộng.

Ngặt nỗi, trong hàng chục dự án đăng ký đầu tư, triển khai thì số công trình chính thức đi vào hoạt động, giải quyết sinh kế cho cư dân địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Dù là khu vực hứa hẹn nhưng đến nay số lượng các dự án đẳng cấp đi vào hoạt động ở nam Hội An vẫn còn rất khiêm tốn. Ảnh: Q.T
Dù là khu vực hứa hẹn nhưng đến nay số lượng các dự án đẳng cấp đi vào hoạt động ở nam Hội An vẫn còn rất khiêm tốn. Ảnh: Q.T

Lúc trình làng, dự án nào cũng rầm rộ hứa hẹn về thiên đường nghỉ dưỡng, cam kết sinh lời… Nhưng rồi có dự án đã ì ạch 15 năm mới giải phóng mặt bằng được 4ha (trong tổng số hơn 24ha), rồi lại có dự án phải xin giãn tiến độ đến lần thứ hai và cũng chẳng thiếu những dự án thay tên đổi chủ vài ba lần nhưng vẫn chẳng có gì ngoài mấy thảm cỏ hoang vương vãi phía sau rào bê tông trần trụi.

Chỉ có đường ra biển của ngư dân ngày càng hẹp dần. Một thời, dân miệt biển nghe có dự án, “trúng” dự án là mừng rơn. Âu cũng vì nghèo. Càng lúc, họ càng thấu ra, có thể nó sẽ giúp họ chóng vánh lên đời nhưng sinh kế đắp đổi phía sau là một nỗi lo dằng dặc bao trùm.

Vùng đông được Quảng Nam xác định sẽ trở thành khu vực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với các nhóm dự án động lực. UBND tỉnh cũng vừa có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với tiềm năng của mình, khu vực này được kỳ vọng sẽ tạo ra bộ mặt mới cho đô thị của tỉnh, vừa tạo ra sự đa dạng trong nguồn thu ngân sách thay vì phụ thuộc quá lớn vào một vài doanh nghiệp công nghiệp như lâu nay.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh trong những lần thị sát vùng ven biển cho rằng, khó nhất của các dự án lớn ven biển là giải phóng mặt bằng, bởi một khi đã hoàn tất thì việc xây dựng, phát triển sản phẩm của họ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều bởi tính chuyên nghiệp.

Còn việc tính toán sinh kế cho cộng đồng, cụ thể là bảo tồn các giá trị tổng thể của làng để phát triển du lịch cộng đồng tưởng dễ mà khó. Hiện có doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng hỗ trợ quy hoạch, đầu tư để hỗ trợ cộng đồng phát triển các sản phẩm độc đáo để trở thành điểm đến vệ tinh, các mô hình như vậy sẽ giúp các chủ thể hài hòa lợi ích cùng phát triển trong một khu vực.

Ông Thanh nói nếu suốt dải bờ biển 125km của tỉnh mà chỗ nào cũng xây khu lưu trú, nghỉ dưỡng thì sẽ rất nhàm chán. Hiện nay, một số khu vực ven biển, nhất là khu vực gần với Đà Nẵng đã có tính toán để xây dựng công viên chuyên đề có thể tồn tại được trong mùa nắng và thích ứng được trong mùa mưa bão.

Ngoài ra, nó phải gắn với phát triển trung tâm thương mại sầm uất, nơi có thể tổ chức các sự kiện lớn, đông người để trở thành điểm nhấn phát triển kinh tế, thương mại - dịch vụ khu vực lân cận.

Chợt nhớ, lời chia sẻ của bà Phạm Thanh Hường: “Với các nhà đầu tư, ở đâu có nguồn lợi thì người ta sẽ tập trung đến. Vì vậy chúng ta phải xác định rõ cái gì cần phải giữ. Về bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thực ra cộng đồng người ta cũng không cần hỗ trợ gì nhiều đâu nếu như người ta được bảo đảm về không gian sống, sinh hoạt truyền thống. Chính quyền cần giảm tối đa việc di dời cộng đồng làng chài và việc thu hẹp đường xuống biển. Còn cộng đồng sống tức là còn di sản”.

Ngồi lại với biển

Thêm một mùa mưa bão nữa đang đến. Mùa của những âu lo khi ngoái về phía trùng khơi. Nhắc về biển cả mùa này là nghĩ ngay đến Hội An, bao năm biển cho nhiều mà cũng lấy đi không ít.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, trong số nguyên nhân gây sạt lở bờ biển được các nhà khoa học chỉ ra thì có việc các công trình được xây dựng quá nhiều dọc bờ biển, lại thêm có chỗ thò ra, chỗ thụt vào. Lâu nay, nguồn kinh phí từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng đổ ra để giải quyết vấn đề này đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả thì vẫn chưa như mong đợi.

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói, việc sạt lở bờ biển không phải mới diễn ra thời gian gần đây. Trước năm 1995 thì nó cũng có sạt lở rồi, nhất là ở khu vực An Bàng. Nhưng lúc đó người dân họ rất bình thản, vì đất rộng, nhà cửa đơn sơ, cứ lở thì dời đi. Nhưng bây giờ lở dữ dội hơn.

Ông Sự nói có 3 cách giải quyết, trước hết là thoái lui, hai là thích nghi “bồi ở, lở đi”, nhưng giờ còn chỗ nào mà thoái, mà di chuyển, vì phía trên đã kín dự án mất rồi. Nên đành phải ứng phó bằng cái giải pháp kè như hiện nay.

“Khoảng năm 1998 - 1999, Hội An cũng từng tổ chức di dời dân ở sát biển Cẩm An lui vào trong. Tôi e là Hội An cần phải tính toán dành vài trăm héc ta ở các khu vực khác trong thành phố để vài chục năm nữa Cửa Đại ngập hết thì còn có chỗ mà dời dân, mà sợ là nó sẽ đến trong tương lai không xa” - ông Sự trầm tư.

Bây giờ mà đề cập chuyện phòng chống sạt lở với cánh nam Hội An nghe chừng xa xôi quá. Nhiều nơi người dân vẫn xuê xoa rằng “ăn chưa no, lo chưa tới”, cũng vì họ mới trở mình được ít lâu theo cuộc chuyển dời của vùng đất này.

Nhưng mà cần nhớ rằng, trong mùa mưa lũ năm ngoái rác thải từ đầu nguồn ít tấp về mạn Cửa Đại, An Bàng mà đã bện nhau lập lờ trôi về phía bờ đối diện. Phải chăng, dòng chảy cũng đang âm thầm đổi thay?

Ngoài kia, từng đợt sóng vẫn cấp tập vỗ bờ. Dưới trăm ngàn lớp bọt biển trắng xóa văng tung tóe, đâu đó như có dấu chân của sóng đang âm thầm gợn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu chân của sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO