Đường về thôi chấp chới

THÀNH CÔNG - SONG ANH 13/11/2021 10:42

Những cuộc hồi hương, thật may mắn, đã không bị “dán nhãn” tự phát khi chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch đưa công dân trở về quê. Hơn 10.000 người được điền tên mình trong danh sách rời Sài Gòn, để rồi những sang chấn tâm lý được xoa dịu sau khi họ rời khỏi miền Nam, đặt chân về quê nhà. Sau tất cả, họ biết, nhà luôn là nơi để về…

Hình ảnh đoàn người trở về quê nhà từng gây những cảm xúc rất mạnh với mọi người. Ảnh: H.C
Hình ảnh đoàn người trở về quê nhà từng gây những cảm xúc rất mạnh với mọi người. Ảnh: H.C

1. Tú nghỉ việc ở Sài Gòn, sau nhiều năm gắn bó. Anh biết, cơ hội dành cho người trẻ ở Sài Gòn là rất rộng, cộng thêm mức lương hấp dẫn, dễ tìm kiếm những thứ mà người trẻ hằng mong ước. Nhưng rồi dịch Covid-19 giáng một đòn sấp ngửa xuống đô thị, những người như Tú có phần bị sốc.

“Tôi đã băn khoăn ít nhiều khi quyết định sẽ rời Sài Gòn. Nỗi lo lớn hơn niềm luyến tiếc, tôi chọn về quê nhà. Trong đại dịch, bình an là thứ ai cũng muốn lựa, nhưng không hẳn có thể tự chọn cho mình. Thật may, tôi được về.

Trái với những lo lắng trước lúc khởi hành, ở quê nhà, tôi tìm được một công việc phù hợp với khả năng của mình, công việc mà tôi từng nghĩ sẽ khó tìm thấy ở quê. Tôi được nhận vào một công ty truyền thông tại TP.Tam Kỳ, công việc và mức lương chấp nhận được. Đó quả là điều may mắn” - Tú trải lòng.

Nhiều người trong dòng lao động hồi hương cũng đã từng như Tú, cũng thoát khỏi Sài Gòn chỉ bởi những khốn khó vây quanh vì mất việc, không có tiền trang trải cho những chi phí khá đắt đỏ ở Sài Gòn.

Họ về quê, dịch vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu trở lại. Và hơn hết, những gì đã trải suốt 100 ngày Sài Gòn phong tỏa, đủ để họ cân nhắc về việc sẽ ở lại quê nhà. Việc làm, ngay lập tức là điều họ phải nghĩ đến, sau những bình yên từ lúc được đặt chân trở về.

 

Là thợ may nhiều năm ở TP.Hồ Chí Minh, anh Phạm Viết Lực nhanh chóng tìm kiếm thông tin việc làm sau khi trở về. Anh nộp đơn vào Fashion Garment, một công ty may mặc tại khu công nghiệp Tam Thăng, và được nhận ngay sau đó.

“Về đến đây, được đi làm rồi, tôi mới thấy mình may mắn. Thu nhập tại đây, chắc chắn không thể so với Sài Gòn, nhưng ở nhà, với những gì thân thuộc nhất, với bà con quê mình trong công ty, tôi được làm việc ở một nơi thân thiện và ổn định hơn.

Suốt thời gian ở Sài Gòn trong dịch, tôi biết được cảm giác khổ sở thế nào nếu mất đi thu nhập, lại phải sống trong cảnh phong tỏa ngột ngạt, lo sợ, không người thân họ hàng bên cạnh. Bây giờ thì không còn cảnh đó nữa, mọi thứ đang rất ổn” - Lực tâm sự.

2. Thực ra, đã bớt đi nhiều rồi những đoàn người dằng dặc đứng chờ bên quốc lộ để đón chuyến xe vào nam sau ngày tết, khi người dân có thêm nhiều lựa chọn hơn trong tìm kiếm việc làm ở quê hương mình. Nhiều khu công nghiệp, nhà máy mọc lên, quy mô ngày càng tăng, nhu cầu tuyển dụng cũng theo đó lớn hơn. Nhiều nhà máy vẫn đang tìm lao động.

Tại công ty may Fashion Garment, nơi anh Phạm Viết Lực được nhận vào làm việc, dù cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch, song từ nay đến cuối năm, đơn vị này vẫn đang cần tuyển thêm khoảng 200 lao động.

Anh Phạm Viết Lực hiện làm việc tại Công ty Fashion Gament. Ảnh: C.H
Anh Phạm Viết Lực hiện làm việc tại Công ty Fashion Gament. Ảnh: C.H

Ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng Nhân sự công ty này chia sẻ: “Sau khi tỉnh có chương trình đưa đón công dân về quê, chúng tôi đã liên lạc với các cơ quan chức năng thông qua sàn giao dịch việc làm, trung tâm giới thiệu việc làm, Sở LĐ-TB&XH cùng các kênh khác để tìm cách tiếp cận nguồn lao động về quê.

Hiện, chúng tôi mới chỉ tuyển được khoảng 10 người. Phần lớn các em về có tay nghề, không cần phải đào tạo lại, được hưởng bậc lương chính thức, quyền lợi bảo hiểm và các chính sách cho người lao động được đảm bảo.

Chúng tôi mong muốn chính quyền, các ban ngành tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, để khi bà con mình về quê, có nhu cầu việc làm sẽ tìm được công việc cho mình”.

Gặp gỡ những người hồi hương bằng các chuyến xe nghĩa tình, chúng tôi giữ liên lạc với họ, và biết được nhiều người trong số họ đã chọn ở hẳn quê nhà, vào làm việc tại các nhà máy. Ngày còn ở khu cách ly, chính quyền đã tìm đến họ, không chỉ ở việc hỗ trợ điều kiện ăn ở, mà còn để lắng nghe.

Mỗi người đều được phát phiếu khảo sát về nhu cầu việc làm, các thông tin liên hệ để có thể giới thiệu cho nhà tuyển dụng. Bằng cách đó, họ tìm được việc làm ngay tại quê nhà. Chỉ tiếc, cơ hội còn khá khiêm tốn cho số đông, bởi phần lớn người trở về là người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, những người thường nằm ngoài “khung” của các nhà tuyển dụng.

Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói, địa phương đã chủ động bố trí ô tô, máy bay đón khoảng hơn 400 công dân từ TP.Hồ Chí Minh về và thực hiện cách ly an toàn. Trước khi hoàn thành cách ly, ngành lao động đã phát phiếu khảo sát đăng ký nhu cầu giải quyết việc làm, vay vốn hoặc nhu cầu khác để hỗ trợ bà con tìm kiếm công việc lâu dài.

Nhiều người trở về quê nhà đã thôi tự vấn mình rằng liệu cuộc quay về này có phải ngõ cụt khi quê nhà mở ra cho họ những sinh kế mới. Nhiều địa phương vận động doanh nghiệp tạo cơ hội tuyển dụng thanh niên, người lao động hồi hương. Cũng như, chính quyền mở ra cơ hội cho người trở về bằng việc vận động họ tham gia những lớp đào tạo nghề cấp tốc, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Từng ngày một, cuộc sống đang an ổn với những người trở về sau cơn lận đận từ đất khách...

“Qua khảo sát, có 59 trường hợp đăng ký tìm việc làm. Chúng tôi đã phối hợp trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu cho 29 trường hợp có công việc ổn định. Các trường hợp còn lại được phân loại độ tuổi, nhu cầu ngành nghề để đào tạo nghề, kết nối các đơn vị cần nhân sự để giới thiệu.

Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn được thành phố kết nối, đồng thời tuyên truyền rộng rãi cho bà con nắm bắt, tuy nhiên số lượng đăng ký so với nhu cầu tuyển dụng chưa nhiều. Điều đó cho thấy khoảng trống về lao động vẫn còn, người hồi hương hoàn toàn có thể tìm kiếm công việc phù hợp tại các nhà máy trên địa bàn thành phố” - ông Lai nhấn mạnh.

3. Nhà luôn là nơi để về. Đó có lẽ cũng là khởi nguồn cho đoàn người hồi hương chưa từng có trong lịch sử, ồn ào và có cả lặng lẽ trong suốt hơn một tháng qua. Sau những câu chuyện về lòng tử tế, về sự chở che và bảo bọc của quê hương bằng chuyến xe nghĩa tình, sinh kế cho những người hồi hương là điều buộc phải nghĩ đến.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, đây là vấn đề an sinh rất lớn mà cả hệ thống chính trị đều quan tâm.

“Tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, giao cho các địa phương xúc tiến việc kết nối, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động hồi hương. Theo đánh giá, các địa phương đã vào cuộc khá tốt.

Trên cơ sở thống kê sơ bộ nhu cầu của bà con, Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì cùng trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề và các cơ sở đào tạo liên kết từng địa phương, trên cơ sở nhu cầu của từng huyện để “đặt hàng” cho việc đào tạo, đồng thời kết nối chuyển giao lao động sau đào tạo.

Tỉnh đã chỉ đạo khảo sát sơ bộ nhu cầu sử dụng lao động, con số cần là hơn 15.000 người, vượt xa nhu cầu tìm việc làm nên rất thuận lợi. Hiện công tác khảo sát, xúc tiến giải quyết lao động vẫn được đẩy mạnh” - ông Tuấn nói.

Sẽ cần thời gian cho những người vừa sấp ngửa trong một cuộc “tháo chạy” khỏi tâm dịch bình tâm sắp xếp lại cuộc đời mình. Và cũng để họ tìm kiếm cơ hội mới, ngay trên quê hương, khi ly hương không phải là lựa chọn duy nhất để có thể lo cho cuộc sống của họ như ngày trước. Họ không đứng một mình. Những gì đã và đang xảy ra, đủ để gieo niềm tin cho họ về một tương lai đủ ấm, đủ sáng, để đường về nhà thôi chấp chới…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường về thôi chấp chới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO