Hạnh phúc từ một trường vùng cao

THANH THẢO 21/11/2021 06:07

Bríu Lựa, cậu học sinh mồ côi cha, nhà rất nghèo, khi gặp tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng, học xong lớp 12 em sẽ cố gắng thi vào một trường đại học nào đó, kiếm một nghề để sau này giúp mẹ và anh đỡ khổ…

Hoạt động ngoại khóa của thầy và trò Trường THPT Võ Chí Công.
Hoạt động ngoại khóa của thầy và trò Trường THPT Võ Chí Công.

Giữa tiết học thể dục ngay trên sân khu trụ sở Ban Tuyên giáo huyện ủy Tây Giang, câu chuyện của hai chúng tôi tan lẫn trong tiếng cười đùa của các học sinh nội trú, tiếng điều khiển bộ môn bóng chuyền của thầy giáo âm vang trong buổi chiều đầu đông giữa vùng mênh mông đồi núi…

Ngôi trường sát biên giới

Trường THPT Võ Chí Công (thôn Ariing, xã Axan, Tây Giang) nằm gần biên giới Việt - Lào. Khi chưa có ngôi trường này, học sinh của các xã A Xan, Tr’Hy, Ga Ri, Ch’Ơm phải vượt quãng đường đèo núi cách trở từ 40km đến 65km để đến học tại Trường THPT Tây Giang.

Sự ra đời của ngôi trường này là niềm mơ ước từ bao đời của người dân các xã vùng biên giới của huyện Tây Giang. Ngày 8.10.2015, Trường THPT Võ Chí Công được UBND tỉnh ra quyết định thành lập.

Tuy nhiên do gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở bởi địa hình, thiên tai trong quá trình tổ chức thi công, xây dựng nên mãi đến ngày 3.9.2018 trường mới chính thức khánh thành và đi vào hoạt động.

 

Thầy giáo Nguyễn Công Tươi, quê ở Duy Xuyên nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng đầu tiên tại Trường THPT Võ Chí Công vào năm 2018. Thầy nhớ lại, buổi đầu thành lập, trường có 2 cán bộ quản lý, 12 giáo viên và 9 nhân viên.

Để đảm bảo đủ giáo viên tham gia công tác, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã điều động từ Trường THPT Tây Giang và một số trường THPT trong địa bàn tỉnh tình nguyện đến công tác tại ngôi trường mới, đảm bảo đủ số lượng để giảng dạy cho 3 lớp 10 và 3 lớp 11, với 204 học sinh của niên khóa đầu tiên 2018 - 2019.

Bước sang năm thứ ba, năm học 2020 - 2021, ngay sau ngày khai giảng, do ảnh hưởng cơn bão số 5 năm 2020, khu vực kè sau lưng trường đã sạt lở nặng. Để đảm bảo an toàn, đầu tháng 10.2021 nhà trường đã tổ chức di chuyển toàn bộ giáo viên, học sinh về học và làm việc tạm tại trung tâm huyện.

Học sinh được học chung cơ sở của Trường THPT Tây Giang và sinh hoạt ăn ở bán trú tại trụ sở làm việc Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Cơn bão số 9 vào cuối tháng 10 năm 2020 càng làm thiệt hại nghiêm trọng đến ngôi trường còn đang rất mới, đặc biệt nhiều học sinh, giáo viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn lại khó khăn thêm.

Thầy Nguyễn Công Tươi vô cùng ngại nói về mình khi cảm thấy so với nhiều thầy cô giáo khác, tuổi đời, tuổi nghề mình còn quá trẻ, sự vượt khó “không thấm vào đâu” so với các đồng nghiệp.

Nhưng khi nói đến học sinh của mình, đặc biệt khi nói về quá trình thay đổi kỹ năng của các em học sinh người dân tộc Cơ Tu, từ những điều nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng, sự tự tin vào bản thân, tinh thần hòa ái tập thể, thầy Tươi đã không giấu nổi niềm tự hào.

 

“Có lẽ nếu đem kết quả học tập, sự phát triển về quy mô trường lớp thì khó lòng so sánh được với nhiều trường khác, nhưng tôi rất tự hào và tự tin rằng về ý thức giữ gìn hình ảnh nhà trường thì học sinh Trường THPT Võ Chí Công không hề thua kém, nhất là trong hai năm gần đây, mỗi thế hệ học trò ra trường đều rất lưu luyến.

Không chỉ riêng tôi mà tất cả thầy cô giáo trong trường đều nhận ra một điều: phải trao các em kỷ niệm đẹp, biết yêu thương, sống hiền hòa thì mới mong trường học thực sự là mái nhà hạnh phúc của các em” - thầy Tươi nói.

Với 245 học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, 8 lớp học, 17 thầy cô giáo đang dạy và học tạm tại trung tâm huyện lỵ Tây Giang, cái mốc thời gian chờ tới cuối năm học 2021 - 2022 để được trở về lại ngôi trường giữa mênh mông sương sớm trên rẻo cao, hẳn là một niềm hy vọng…

Hạnh phúc giản dị của thầy và trò

Bríu Lựa, cậu học trò lớp 12/1 mồ côi cha quê ở xã Ga Ri kể với tôi đã nhiều lần muốn bỏ học vì thấy mẹ làm lụng vất vả nuôi hai anh em Lựa ăn học. Mấy năm qua trường học di chuyển liên tục, việc đi lại, ăn ở càng khó khăn thêm với em. Nhưng với tình thương và sự vận động của thầy Tươi và các thầy cô, bạn bè trong trường, Lựa nhận ra phải cố gắng ăn học mới mong thoát nghèo.

Thầy và trò trường Võ Chí Công di dời về trung tâm huyện để dạy và học vào tháng 10.2021.
Thầy và trò trường Võ Chí Công di dời về trung tâm huyện để dạy và học vào tháng 10.2021.

Lựa nói: “Xong lớp 12 em sẽ cố gắng thi vào một trường đại học nào đó, kiếm một nghề để mẹ đỡ khổ, để không phụ lòng thầy cô ở trường”. Em khoe với tôi “đôi dép em mang ni là thầy Tươi tặng đó cô”. Cô giáo dẫn tôi đi tìm Bríu Lựa tiện thể giới thiệu luôn “mấy cái máy rửa tay, sát khuẩn của trường cũng là “phát minh” của thầy Tươi cô nè”.

Tôi cảm thấy như trong giọng nói của em học sinh, của cô giáo ở ngôi trường này lấp lánh niềm vui, sự ấm áp, chút hạnh phúc nho nhỏ không muốn giấu che. Có phải vì lẽ đó mà những em học sinh như Bríu Lựa đã không bỏ học giữa chừng? Có phải vì sự thân thương, niềm hạnh phúc hiện lên trên từng gương mặt học sinh, từng giáo viên ngoài sân chơi kia đã giúp thầy cô và các em trụ vững trong điều kiện ăn ở vô cùng tạm bợ?

Nếu có bông hoa nào đang nở giữa đại ngàn để tri ân cho tấm lòng thơm thảo của người thầy, tôi xin được riêng tặng cho những người thầy, người cô tôi được gặp trong chiều mưa rét buốt A Tiêng. Mặc dù tôi biết với họ, trong tâm tình, chia sẻ, sự cống hiến của cá nhân chỉ là một phần rất nhỏ...

Tôi không thể hình dung nếu không tận mắt chứng kiến một phòng nội trú có số lượng từ 40 đến 60 học sinh, được tạm phân chia bằng những tấm bạt để ngăn phòng nọ và phòng kia. Tôi sẽ không tin được bữa ăn với 19.000 đồng mỗi ngày - tôi muốn nhắc lại là mỗi ngày, được các cô cấp dưỡng xoay xở để học sinh đủ no, đủ dinh dưỡng.

Nhưng chắc chắn một điều rằng, mùi vị của tình thương mà tôi đang cảm nhận được từ nụ cười thật thà, từ giọng nói ấm áp, từ những chia sẻ chân thành của nhiều thầy cô và học trò gặp vội trong căn phòng nội trú, từ tiết học thể dục sống động, đầy ắp tiếng cười mà vô tình tôi “dự giờ” được… đang hiện hữu rất rõ ở nơi này.

Cũng buổi tình cờ giữa cơn mưa chiều vùng cao, tôi gặp thầy giáo Nguyễn Văn Thông, giảng dạy bộ môn Địa lý, tình nguyện từ vùng xuôi lên công tác tại trường ngay trong những ngày đầu mới thành lập.

Cuộc đi lặng lẽ ấy, với một nụ cười hiền thay cho câu hỏi “tại sao” có vẻ khó trả lời khi đang giảng dạy ở Trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình), thầy lại tự nguyện đăng ký chuyển công tác lên vùng núi xa xôi, hiểm trở này.

Vững vàng chuyên môn, ôn hòa với đồng nghiệp, khiêm tốn với lãnh đạo, những đóng góp không nhỏ của thầy Thông trong công việc thường ngày và bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh thực sự là một chỗ dựa của nhà trường.

Ba năm là khoảng thời gian không nhỏ, người thầy thầm lặng đó tạm hy sinh hạnh phúc cá nhân, để vợ và con nhỏ ở quê nhà lên sống một cuộc đời giản dị trong khu nội trú, cùng ăn, cùng học, cùng chơi với những học sinh vùng cao.

Trên thực tế, những con số nho nhỏ mà chúng tôi biết được lại là niềm vui lớn của cả thầy và trò. Nhiều năm qua, nhà trường vận động tìm nguồn xã hội hóa để cho gần 300 học sinh có đủ các vật dụng và dụng cụ học tập tối thiểu như: vở, sách giáo khoa, chăn, màn, chiếu, dép mang trong nhà, máy tính, atlast địa lý, bút viết, áo trắng…

Và mới đây, đầu tháng 11.2021, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ áo trắng mới cho tất cả học sinh của trường. Niềm vui giản dị đủ ăn, đủ mặc, đủ để học tập và ấm áp tình thương trong không gian đặc biệt này, như cho riêng tôi một hình dung khác đơn sơ về hạnh phúc.

Khó khăn phía trước vẫn còn nhiều, nhưng với quyết tâm khi trở về lại, bằng mọi cách sẽ tạo dựng lại trường với cảnh quan lãng mạn, thân thiện để giữ chân học trò không bỏ học dở chừng của các thầy cô, tôi tin, ngôi trường ấy, hạnh phúc ấy sẽ còn đầy lên mãi… 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạnh phúc từ một trường vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO