Khắc khoải Đồng Dương...

XUÂN HIỀN - QUỐC TUẤN 24/09/2022 06:56

Một Đồng Dương huy hoàng của quá khứ. Một Đồng Dương phế tích nay chỉ là ký hiệu trên bản đồ di tích Chăm đất Quảng. Những mơ tưởng khám phá lẫn phục dựng một thời lộng lẫy của vùng đất bí ẩn này, cho đến bây giờ, vẫn chỉ là kế hoạch…

Chuyển động lớn nhất ở khu vực Tháp Sáng mấy năm nay là việc nơi này đã được phát quang. Ảnh: H.T
Chuyển động lớn nhất ở khu vực Tháp Sáng mấy năm nay là việc nơi này đã được phát quang. Ảnh: H.T

1. Những ngày giao mùa. Nắng lấp loáng trên tán bồ đề cổ thụ bên vệ đường dẫn vào Tháp Sáng (tên gọi một công trình chính của Đồng Dương). Xa xa, phía bờ ao nước chỉ có người đàn ông thủng thẳng buông cần câu cá. Phật viện Đồng Dương một ngày u tịch như mọi ngày. 

Đã gần 3 năm từ thời điểm (tháng 12.2019) UBND huyện Thăng Bình tổ chức lễ đón nhận xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt cho Phật viện Đồng Dương, nhưng nơi này vẫn chưa có chuyển động gì, ngoài chuyện dọn dẹp cảnh quan và… chờ đợi. 

Khu vực ngoại vi Tháp Sáng đã được xã Bình Định Bắc phát quang thông thoáng hơn một chút, còn chúng tôi vẫn phải lò dò gạt cỏ, men theo lối nhỏ giữa lùm keo để vào trông Tháp Sáng sau mấy năm không ghé lại.

Ông Trần Cúc - Trưởng thôn Đồng Dương bộc bạch: “Đợt đó vừa làm lễ nhận bằng xếp hạng xong là dịch Covid-19 tới luôn nên tới chừ cũng y chang vậy thôi chứ không có chi mới mẻ. Mà nói vậy thôi chứ dù cho không có dịch thì trước chừ cũng lèo tèo khách vãn cảnh thôi chứ người dân chưa được đồng nào từ du lịch”. 

Ông Cúc trải lòng khá bình thản. Dường như bao ước vọng hòa trộn cùng sự nhấp nhổm của cư dân nơi đây đều đã lắng xuống theo dòng thời gian. Họ ngấm đủ lâu dư vị của sự chờ đợi từ lúc lóe lên khấp khởi về việc phát triển du lịch vào những năm đầu thế kỷ 21 hay lúc được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2016… 

Những ngôi nhà lặng lẽ nép mình bên Phật viện Đồng Dương. Ảnh: H.T
Những ngôi nhà lặng lẽ nép mình bên Phật viện Đồng Dương. Ảnh: H.T

Phía đối diện vuông đất của Phật viện, nghe chừng cũng long đong bao năm qua là quốc lộ 14E. Mang tiếng đường huyết mạch kết nối vùng Đông với vùng Tây đất Quảng, nhưng xe tải ngược chiều tránh nhau phải giảm ga hết cỡ để lách qua nhau. Lòng đường quá hẹp để chứa đựng những kỳ vọng phát triển. 

Nhưng may thay, thi thoảng trong làn khói bụi mịt mù cợt nhả từng tốp xe chầm chậm băng qua, chúng tôi nhìn ra những tốp thợ đang miệt mài nâng cấp một số đoạn trên tuyến này. Còn Đồng Dương… vẫn lặng lẽ như số phận của một vương triều đã chìm sâu trong lớp bụi mờ thời gian. 

2. Thời cuộc khiến mọi thứ đổi dời. Sau hàng thiên niên kỷ, khu vực mà Phật viện Đồng Dương tọa lạc không còn đắc địa nữa. Nó lạc lõng nơi thung lũng nhỏ, xa không xa, gần chẳng gần. Không phải vùng đông hứa hẹn mà cũng không phải phía tây đại ngàn hùng vĩ. Chỉ đượm một màu khô khốc của miệt trung du buồn tẻ.

Lưng chừng như bao miệt trung du khác trong tỉnh, khu vực này rơi vào thế lở dở rất khó có động lực để chuyển mình. Quay đi, ngoảnh lại nghe chừng chuyển động tạo hóa đã quá khắt khe với vùng đất này.

Bà Phan Thị Hiệp - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết: “Về dự án khu lưu trú và trải nghiệm Đồng Dương, hiện vẫn chỉ trong quá trình giải phóng mặt bằng”. Xuôi gần 30km về phía đông, hàng chục dự án du lịch to nhỏ tấp nập đổ bộ vào Thăng Bình sau bao năm cũng chưa thành hình hài. Mà đó là khu vực đầu tư còn là dải ven biển đầy sôi động và hứa hẹn. Ngẫm lại Đồng Dương, có lẽ cư dân nơi đây sẽ còn “đỏ mắt” đợi đến lúc có một khu du lịch tầm cỡ để làm thay đổi bộ mặt khu vực. 

Vùng lõi của di tích này có diện tích khoảng 5,3ha. Ảnh: H.T
Vùng lõi của di tích này có diện tích khoảng 5,3ha. Ảnh: H.T

Dân xứ này đã từng khấp khởi vui khi tin về chuyện định vị danh phận di sản cho Đồng Dương. Là di tích cấp quốc gia đặc biệt không vì những dấu tích còn sót lại, mà vì những tàng thư, những ký ức, những câu chuyện ngàn năm mà đất này là bảo chứng.

PGS-TS. Ngô Văn Doanh từng miệt mài lặn lội ngày này tháng nọ ở xứ đất lạ lùng này, trong cuộc chuyện trò luôn trăn trở về những gì Đồng Dương đã có được tự ngàn xưa.

Ông đau đáu với những trầm tích văn hóa còn lại ở xứ Quảng, hay cả dải đất miền Trung, vẫn mãi là câu chuyện bảo tồn. Bởi dù đã nhận được rất nhiều tâm ý, công sức, thì cái khúc mắc về những chỉ dấu văn hóa vô giá này, liệu có được bao nhiêu thế hệ sau tìm tới nữa…

Ông Trương Công Hùng - Trưởng Phòng VHTT huyện Thăng Bình cho biết, huyện phải chờ đợi kế hoạch từ phía Bộ VH-TT&DL và tỉnh ban hành. Mọi sự can thiệp đến khu vực Đồng Dương hiện tại, phải có sự đồng ý của bộ và tỉnh.

“UBND tỉnh cần kiến nghị Bộ VH-TT&DL tham mưu Chính phủ thống nhất chủ trương và từng bước thực hiện lập dự án quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết nhằm bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa Phật viện Đồng Dương.

Xây dựng phương án khẩn cấp lắp đặt lại hệ thống chống đỡ cổng Tháp Sáng, xây dựng nhà lưu trữ và trưng bày hiện vật tại khu di tích Phật viện Đồng Dương” - lãnh đạo huyện Thăng Bình mong mỏi.

Những ngày chờ đợi này, huyện Thăng Bình đã thành lập tổ tự quản, cũng là người địa phương để giữ gìn cảnh quan cũng như bảo vệ từng viên gạch, từng cụm tượng rơi vãi xung quanh Tháp Sáng. 

Với diện tích vùng lõi di tích lên đến 5,3ha, việc định hình kế hoạch phục dựng và bảo tồn không thể ngày một ngày hai. PGS-TS. Trương Quốc Bình cho rằng, với Đồng Dương, mặc dù những nội dung giá trị mà di tích hàm chứa vô cùng to lớn nhưng cho đến nay vẫn chỉ tiềm ẩn trong lòng đất và tiềm tàng trong các công trình nghiên cứu qua mô tả của các học giả người Pháp và người Việt.

“Chúng tôi nghĩ cần thiết phải lập bản đồ địa hình khu di tích một cách chính xác bằng các khảo sát địa chất và thủy văn, thăm dò địa vật lý để tìm các nền móng công trình bị chôn vùi dưới đất cũng như cần thiết phải nghiên cứu lưu lượng nước hằng năm để ngăn chặn sự xói mòn” – PGS-TS. Trương Quốc Bình cho biết. 

Một góc Phật viện Đồng Dương. Ảnh: H.T
Một góc Phật viện Đồng Dương. Ảnh: H.T

3. Lớp cư dân bao bọc lấy Phật viện Đồng Dương qua bao đời, nhiều nhất vẫn là người tộc Trà. Trong ánh nhìn thăm thẳm, hình như nỗi u tịch của ngàn năm đền tháp cũng kéo bóng mây trong ánh mắt người làng. Trầm tích bể dâu trong quá khứ đã khiến nhiều người trong số họ thu mình lại.

Hàng trăm năm, họ bám trụ tại đây, ngay trên đất này và đắp đổi qua ngày vẫn nhờ vào hạt lúa, cây keo. “Đồng Dương”, “Tháp Sáng”. Hai định danh thoáng nghe dễ khiến người ta liên tưởng đến vùng đất của những chộn rộn, tươi mới. Ấy thế mà đi qua nơi này những ngày đẹp trời nhất, không gian của nó vẫn đượm nét u hoài dễ khiến lòng người bâng khuâng.

Nhà ông Trà Tấn Ẩn khuất lấp ngay sau Tháp Sáng. Em ông Ẩn là bà Trà Thị Tích. Tình cờ, cái tên của hai người ghép lại sắp đặt tựa như số phận trầm buồn của phật viện, của những thế hệ người Chăm còn sót lại nơi vùng đất này - “Ẩn Tích”.

Bà Tích ngậm ngùi: “Chiến tranh, bom đạn quần thảo khu này ác liệt quá nên sau giải phóng phật viện thành phế tích hết. Trước đây khu vực này chỉ trồng được một vụ lúa đông xuân thôi vì hạn quá. Sau khi dẫn nước từ hồ Đông Tiễn về thì trồng được hai vụ nhưng được đâu ba bốn năm rồi cũng bỏ dở trở lại vì thiếu nước. Hình như vì địa lý khô khốc quá con người bám trụ với làng cũng lận đận theo vùng đất thiêng này”. 

Nắng đã thôi gắt gỏng nhưng đất vẫn trơ khấc vì thiếu nước, chúng tôi vô tình bắt gặp hàng đàn bướm đủ sắc màu rập rờn, lởn vởn trên những lùm hoa, cỏ dại. Chợt nhớ đến một loài cây mang đậm hương sắc văn hóa Chămpa ở Khu đền tháp Mỹ Sơn, chúng vẫn lặng lẽ tỏa hương để hiệu triệu các loài bướm trắng vờn quanh chân tháp.

Xung quanh Phật viện Đồng Dương, có lẽ không có loài thực vật đó. Nhưng dường như, nơi đây vẫn còn đặc quánh mùi ký ức, màu của ngày xa xăm. Để đàn bướm cứ mãi lảng vảng nhấm nháp nỗi buồn cùng bánh xe thời gian…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc khoải Đồng Dương...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO