Mai kia mốt nọ, qua cầu Đá Giăng...

THÀNH CÔNG 25/07/2021 05:59

Những mòn mỏi đợi chờ vắt qua suốt hàng chục năm, cả người dân lẫn chính quyền xã Tam Sơn (huyện Núi Thành) đều trông mong đôi bờ thôi ngăn cách. Một cây cầu còn khuyết, đường đi về xa ngái, câu chuyện phát triển kinh tế, giao lưu, kết nối giữa các địa phương trong vùng vẫn ở thì tương lai, trong nỗi khắc khoải của bao người.

Mùa nước cạn, người dân băng qua lòng sông để qua bên này bờ, gần hơn rất nhiều so với quãng đường 9 km đi vòng theo tuyến ĐH8.Ảnh: T.C
Mùa nước cạn, người dân băng qua lòng sông để qua bên này bờ, gần hơn rất nhiều so với quãng đường 9 km đi vòng theo tuyến ĐH8.Ảnh: T.C

1. Gió lồng lộng thổi lên từ phía sông. Mùa hè nước cạn, cỏ đã kịp mọc tràn xuống phía đoạn thắt lòng sông Đá Giăng, nơi chỉ còn một khe nước nhỏ chừng vài mét chảy liu riu về phía lòng hồ.

Ông Lê Bá Tri (SN 1963, thôn Danh Sơn, xã Tam Sơn) đi xe máy băng qua con nước nhỏ, theo lối mòn ngược về bên kia, giữa chang chang nắng ngày hè. “Đoạn thắt lòng sông nước cạn chỉ được mấy tháng hè thôi, vô mùa mưa, là hết lối” - ông nói.

Công tác ở UBND xã Tam Sơn từ năm 1987, qua hơn 30 năm, ông Tri đã có 2 nhiệm kỳ giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã, và mới về hưu hồi tháng 8 năm ngoái. Cây cầu Đá Giăng là cái tên được nhắc nhiều nhất trong số những kiến nghị của ông, với vai trò là người đại diện cho bà con xã Tam Sơn.

Và giờ, ông tiếp tục gửi kiến nghị đến các cấp chính quyền, với tiếng nói của một cử tri. Hơn ai hết, ông hiểu rõ niềm tha thiết của người dân địa phương, cũng như những trở lực trong phát triển kinh tế, xã hội của xã vùng cao này.

Hàng nghìn người dân Tam Sơn với mong ngóng từng ngày cầu được xây dựng. Ảnh T.C
Hàng nghìn người dân Tam Sơn với mong ngóng từng ngày cầu được xây dựng. Ảnh T.C

Đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư cầu Đá Giăng

Qua khảo sát thực tế, Sở Giao thông vận tải nhận định cầu Đá Giăng là hạng mục quan trọng, cần xem xét thực hiện sớm. Đơn vị này cho hay, quy mô đầu tư công trình cầu Đá Giăng dài khoảng 300m, đường dẫn dài khoảng 2km, kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, do đó ngân sách huyện Núi Thành khó cân đối trong giai đoạn hiện nay. Sở đã đề nghị UBND huyện Núi Thành nghiên cứu, lập đề xuất chủ trương đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 trong khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Ông Tri nhắc về thời kháng chiến, khi quê hương Tam Sơn còn là một căn cứ địa, nơi đóng chân của nhiều cơ quan và các đơn vị chiến đấu. Sau giải phóng, khi công trình đại thủy nông Phú Ninh được xây dựng, người dân Tam Sơn rời khỏi lòng hồ, nhường đất, rồi đi kinh tế mới. Một số đến Tam Trà, số nữa ngược lên Trà Đông (Bắc Trà My), hoặc xa hơn. Số khác bám trụ lại dọc các sườn đồi, nơi không bị ngập.

“Đất và người Tam Sơn đã có nhiều đóng góp, cống hiến qua các thời kỳ. Suốt quá trình phát triển, Tam Sơn đã có nhiều đổi thay, chỉ duy nhất cây cầu Đá Giăng, bà con đã kiến nghị từ rất lâu rồi, nhưng vẫn chưa thành hiện thực. Đây vừa là nhu cầu bức thiết khi phía bên kia sông có đến 2 thôn với hơn nửa dân số phải chịu cảnh “gần nhà, xa ngõ” với trung tâm xã, vừa khó kết nối giao thương, đi lại với các địa phương giáp ranh thuộc Tiên Phước, Phú Ninh” - ông Tri nói.

Là miền quê yên bình nơi góc núi thượng nguồn hồ Phú Ninh với những tiềm năng về sinh thái, suối Nà Nghệ đang được đề nghị công nhận danh thắng, Tam Sơn hoàn toàn có thể là một điểm đến về du lịch. Để thoát khỏi những chiếc “cần câu cơm” đã quá cũ là đốt rừng trồng keo, làm rẫy, nguy cơ tác động lớn đến môi trường và nguồn nước, du lịch sẽ mở lối, sẽ thêm nhiều lựa chọn về sinh kế cho bà con.

Nhưng rõ ràng, với hạ tầng giao thông hiện tại, khó có thể kêu gọi đầu tư cho du lịch. Du khách, nếu có dịp đến nơi này hẳn cũng sẽ “nản lòng” với việc quay trở lại, khi những ngả đường đổ về còn nhỏ bé, xuống cấp, chưa khớp nối được các tuyến huyết mạch trong vùng.

2. Người dân đã phải chờ đợi quá lâu cho một cây cầu. Rất nhiều bà con ở hai thôn Danh Sơn, Thuận Yên Tây phía bên kia sông, khi được hỏi, đều than thở về việc nhiều năm trước, nghe tin khảo sát xây cầu, khấp khởi mừng mà rồi mùa mưa này tới mùa mưa khác, vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.

Đường đến trường của những đứa trẻ cấp THCS ở hai thôn này vẫn xa ngái với gần 20 cây số đi và về mỗi ngày. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa là muôn trùng khổ cực. Xa quá, khám chữa bệnh ở trạm xá, hay có việc cần lên xã giải quyết giấy tờ, thường mất đứt một buổi.

Như ông Tri thời còn đương chức, cứ ngày 2 lượt đi và về, hơn ba mươi cây số đều như vắt chanh suốt năm này qua tháng nọ. Người dân phải đi con đường vòng xấp xỉ 9 cây số, vòng qua một cây cầu phía hướng lên Tam Trà, rồi vòng trở ngược lại một con đường bê tông, nơi hai chiếc ô tô con lỡ có đối đầu nhau cũng phải chật vật tìm chỗ “né” để nhường nhau.

Ông Trần Công Hiệu - Chủ tịch UBND xã Tam Sơn nói, chuyện cây cầu Đá Giăng như một nút thắt từ rất lâu. “Đặt vào vấn đề kết nối, cầu Đá Giăng nằm trên địa bàn xã Tam Sơn thuộc tuyến đường tỉnh nối các xã Tam Hòa - Tam Anh Nam - Tam Thạnh - Tam Sơn (huyện Núi Thành) lên Tiên Lãnh (huyện Phú Ninh) - Tiên Lập - Tiên An - Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước).

Lòng hồ chia cắt địa bàn xã thành hai phần, giao thông cách trở. Lâu nay, khu vực các xã giáp ranh giữa Tam Sơn với xã Tam Lãnh (Phú Ninh) và Tiên Lập (Tiên Phước) giao thông rất khó khăn, hệ thống đường nhỏ, hẹp và bị chia cắt do lòng hồ Phú Ninh.

Tất nhiên, hệ lụy kéo theo là rất nhiều, tạo thành trở lực cho phát triển. Cước vận chuyển cao, kéo theo giá hàng hóa phục vụ dân sinh sẽ cao hơn, nhưng giá thành của các sản phẩm bà con bán ra thấp xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống.

Đó cũng là lý do mà trong tất cả buổi họp dân, ở tất cả diễn đàn của hội, đoàn thể, kiến nghị xây cầu Đá Giăng đều được bà con nhắc đến. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần. Cây cầu sẽ là lời giải cho tất cả những vấn đề đó, lời giải cho kiến nghị của hơn 4.800 người dân ở xã này sau hàng chục năm” - ông Hiệu nói.

3. Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thông tin, cây cầu Đá Giăng thực ra đã được “nghiên cứu” từ rất lâu. Năm 2012, cầu Đá Giăng từng được đưa vào nghị quyết để đầu tư, song do không có vốn nên buộc phải tạm dừng, và dừng mãi đến nay. Hệ thống công trình cầu thiếu đồng bộ, không đảm bảo việc kết nối giao thông giữa các vùng trên địa bàn huyện và các huyện lân cận đã ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giao thông đi lại của nhân dân, nhất là trong mùa mưa lũ.

“Công trình cầu nếu được xây dựng sẽ tạo thêm một tuyến liên kết vùng kết nối đông tây ở khu vực phía nam của tỉnh. Đồng thời tuyến đường đông tây này đủ điều kiện để nâng cấp thành tuyến đường tỉnh. Huyện Núi Thành nhận thấy việc đầu tư xây dựng công trình cầu Đá Giăng là hết sức cần thiết. Huyện đã lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí để đầu tư công trình cầu Đá Giăng trên tuyến ĐH8.NT tại xã Tam Sơn” - ông Sinh cho biết.

Đã đợi chờ, từng hy vọng khi cây cầu từng có tên trong… nghị quyết, đến tận bây giờ, hàng nghìn người dân ở góc núi Tam Sơn vẫn đang rất trông mong đôi bờ nối nhịp. UBND xã còn chuẩn bị hẳn 1,2ha quỹ đất ở không xa trụ sở UBND xã, nơi dự kiến nằm cạnh đường dẫn của cây cầu để làm một công viên cây xanh, chỉnh trang trở thành một khu vui chơi phục vụ cộng đồng, để diện mạo Tam Sơn khang trang hơn. Và xa hơn nữa, là rất nhiều kỳ vọng. Họ đã và vẫn đang phải khắc khoải đợi, từng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mai kia mốt nọ, qua cầu Đá Giăng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO