Maire MCCainn: "Tôi thuộc về Hội An"

DƯƠNG MỘNG THU 18/07/2021 07:35

“Cuối năm 2006, lần đầu tiên tôi đến Hội An, giác quan thứ sáu đã mách bảo tôi rằng - đây là nhà tôi. Tôi không thể giải thích được cảm giác đó mạnh mẽ như thế nào và cho đến hôm nay, Hội An thực sự là quê hương thứ hai của tôi. Kế hoạch ban đầu của tôi chỉ  làm tình nguyện viên ở Hội An trong 3 tháng, với tư cách là y tá, và sau đó trở về nhà. Tuy nhiên, các vị thần đã có kế hoạch khác cho tôi”.

Bà Mai trao đổi cùng nhân viên của trường về phương pháp huấn luyện các em.Ảnh: M.T
Bà Mai trao đổi cùng nhân viên của trường về phương pháp huấn luyện các em.Ảnh: M.T

Bà Maire MCCainn (65 tuổi, người Úc, được biết đến nhiều hơn với cái tên Việt Nam: Mai) bắt đầu câu chuyện sống và làm thiện nguyện ở Hội An như thế.

1. Ở tuổi 30, bà Maire MCCainn đến Úc định cư cùng chồng và con trai. Năm 2006, trải qua một cuộc ly hôn rất khó khăn, bà nhận ra mình phải rời Úc, thoát khỏi nỗi đau sau ly hôn, và cách tốt nhất để chữa lành nỗi đau cho bản thân là giúp đỡ người khác, khi luôn có những người ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Mọi điều bà tìm đọc, mọi người bà đã gặp, đều hướng bà đến một cái tên còn khá lạ lẫm với bà: Việt Nam. Và bà đã bắt đầu hành trình của mình.

 

Trong 3 tháng tình nguyện viên với vai trò là y tá, bà nhận ra có rất nhiều trẻ em khiếm thính ở Việt Nam không được học hành đến nơi đến chốn. Nhiều người vẫn cho rằng trẻ điếc không học hành được.

Ở các nước phương Tây, tất cả trẻ em khiếm thính đều được đi học và được săn sóc cẩn thận từ bé. Rất nhiều  học sinh khiếm thính đã trở thành những giáo viên, luật sư, bác sĩ thành công. Không có lý do gì trẻ khiếm thính Việt Nam không thể làm được như vậy, nếu có sự giúp đỡ kịp thời.

“Tôi biết mình chỉ có thể giúp được 1 hoặc 2 trẻ khiếm thích và đó là nơi tôi bắt đầu. 14 năm trôi qua và tôi vẫn ở đây, không muốn rời đi. Tôi có một trường học của mình, với lũ trẻ khiếm thính. Và ngay cả khi không có trường học, tôi vẫn không muốn trở lại thế giới phương Tây. Mặc dù tôi nhớ gia đình và bạn bè, nhưng cuộc sống của tôi bây giờ là ở Việt Nam” - bà nói.

Nếu ai đó cần giúp đỡ mà mình có thể giúp, thì phải có nhiệm vụ giúp đỡ họ. Chúng ta có mặt ở đây không phải cho bản thân mình mà phải làm vì mọi người, ta là một phần trong toàn thể”.(Bà Mai)

Lũ trẻ khiếm thính trong trường hầu hết sinh ra trong gia đình nghèo, bố mẹ không có điều kiện gửi con ra Đà Nẵng theo học trường chuyên biệt. Ở nhà, người thân lại không biết cách giao tiếp với các con, giao tiếp trong cộng đồng càng khó, nhiều bé trở nên trầm cảm, trong khi thể chất và thể trí của các con hoàn toàn bình thường…

“Vấn đề là có quá nhiều trẻ ở đây vẫn cần sự giúp đỡ. Vì nhanh chóng có nhiều người nghe về tôi và biết tôi đang làm gì, nhiều ba mẹ của các em đã đến tìm sự giúp đỡ của tôi. Rất khó để tôi từ chối họ vì tôi biết rằng nếu như tôi từ chối thì chẳng có nơi nào cho bé đi học khi không có tài chính. Và trường đã mở được 10 năm, mang tên Hearing and Beyond in Vietnam “Educating Deaf and Hard of Hearing Children”. Thời điểm hiện tại, trường vẫn còn một danh sách các trẻ đợi để được đi học”.

Các học sinh trường Hearing and Beyond in Vietnam “Educating Deaf and Hard of Hearing Children”.
Các học sinh trường Hearing and Beyond in Vietnam “Educating Deaf and Hard of Hearing Children”.

2. Dù được giúp đỡ ít nhiều về tài chính, song hàng năm, bà Mai vẫn phải trở lại Úc một  hai lần để làm y tá và dành tiền lương về Hội An cho ngôi trường của mình. Hiện tại, bà đang nuôi dạy 24 bạn nhỏ, từ độ tuổi mầm non đến hết cấp hai, vừa học chữ vừa học nghề thợ mộc, thợ máy, thợ may, thủ công và hội họa…

Bà có  một hội bạn ở Úc khoảng 20 người, thường xuyên động viên tinh thần và tiếp sức tài chính cho trường. Thay vì uống ly cà phê 5 đô Úc thì họ chat với nhau  uống cafe online, để dành số tiền đó cho bọn trẻ khiếm thính ở Việt Nam.

“Mọi người hay nói tại sao tôi không nhận lương? Nhưng nếu tôi làm điều đó, nó sẽ giống như một công việc. Tôi làm vì đam mê, vì đó là niềm vui trong cuộc sống của tôi. Nếu như tôi nhận lương liệu tôi có còn cảm nhận như bây giờ nữa hay không? Tôi không trông đợi vào điều đó. Nếu tôi có sự lựa chọn lại, tôi cũng sẽ chọn làm việc này một cách tình nguyện, vì đó là điều mang lại hạnh phúc cho tôi.

Nhưng các giáo viên ở đây thì khác, họ có tình yêu với trẻ nhưng họ còn phải lo liệu cuộc sống nữa. Lương ở đây rất thấp, họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu làm công việc khác nhưng vì yêu trẻ nên họ làm. Tôi hiểu rõ tôi cần phải trả lương cao hơn, vì họ làm việc vất vả và đây không phải là công việc dễ dàng, nhưng hiện tại tôi không thể...” - bà Mai nói. Từ năm ngoái đến nay, vì dịch bệnh, bà không thể quay về Úc để làm việc. Trường gặp nhiều khó khăn hơn.

Chị Đồng Thị Như Liên, người quản lý trường chia sẻ: “Mình cứ hay thắc mắc sao bà Mai sống rất hà tiện, cuộc sống của bà rất khó khăn nhưng bao nhiêu tiền lại dồn hết cho trường. Khi làm việc với trẻ rồi mình mới hiểu ra vì sao, cái gì đã níu chân bà ấy ở lại với các bé lâu dài như vậy. Không gì khác ngoài tình thương, thấy trẻ phát triển  từng ngày, thấy trẻ tự lập, tự tin giao tiếp từng ngày, sự hiểu biết của trẻ và tình thương của trẻ dành cho bà ấy như với một người bà”.

3. Thông thường bà Mai sinh hoạt luôn tại trường, ở trong căn phòng nhỏ. Nhưng khi học sinh đông lên, bà nhường luôn chỗ ở của mình để nới rộng phòng học, và dời đến ở nhờ nhà một người bạn. Với bà, đó là cơ duyên đầy may mắn.

Bà không phải trả tiền phòng, đổi lại, sẽ chăm sóc các con vật, trông coi nhà cửa khi chủ nhà đi vắng. Như cách bà đã tiết kiệm từng đồng kiếm được ở Úc, để từ đó mang sang Việt Nam và lo cho những đứa trẻ.

Hàng ngày, bà chăm sóc các bạn nhỏ khiếm thính trong từng bữa ăn và giấc ngủ trưa, vui đùa với chúng như một người bạn giữa giờ học. Họ chỉ giao tiếp với nhau bằng ánh mắt, động tác, hình thể. Nhưng ở đó, có một thứ ngôn ngữ còn đặc biệt hơn thế: ngôn ngữ từ trái tim. 

Trong trí nhớ của bà Mai, thông tin nhiều nhất, có lẽ vẫn là về lai lịch và tính cách của từng đứa trẻ. “Đây là Lộc. Khi mới tới trường, Lộc chưa kiểm soát được hành vi, nhưng bây giờ đã tiến bộ rất nhiều. Kim Ngân đi học rất xa, đi từ nhà tới trường khoảng 45 phút bằng xe máy. Bạn ấy phải dậy rất sớm, nhà bạn có 4 chị em gái và một em trai, ba bạn chở bạn đi học hàng ngày, bạn ấy có một ngày học rất dài. Còn cô gái ấy là Lành, bắt đầu làm việc với chúng tôi khi cô ấy 17 tuổi, chưa từng được đi học, chưa được giao tiếp.

Lúc đó trường chỉ mới có 3 trẻ, cô ấy nấu ăn và dọn dẹp, rồi tự học sau khi làm xong việc. Hiện tại, Lành làm trợ giảng cho trường. Mỗi lần chúng tôi có giáo viên nghe - nói mới, thì cô ấy là người dạy họ ngôn ngữ ký hiệu. Cô ấy rất giỏi” - bà kể vanh vách về từng học sinh, từng người ở trường. “Hình phạt” duy nhất mà bà nhắc đến, cũng là điều mà các em ở đây sợ nhất, là bị trả về nhà, không được đi học nữa. Nhưng dù có học sinh không thể kiểm soát hành vi đến độ trường phải tìm thêm giáo viên kèm cặp riêng với hình thức một giáo viên - một học sinh, bà vẫn cố mọi cách để lũ trẻ tiến bộ hơn, từng ngày.

Sơn là học sinh đầu tiên của bà khi trường mở cửa, lúc đó cậu bé 4 tuổi, khúm núm sợ sệt. Khi bà đưa cho Sơn quyển sách, cậu bé thích thú lật dở ra xem, ngay lúc đó, bà biết là Sơn sẽ học được. Năm nay Sơn 17 tuổi và vẫn muốn ở lại trường, học nghề và phụ giúp cho các em nhỏ. Bà nói, đã nhìn Sơn lớn lên từng ngày, suốt từng ấy năm, và không thể rời khỏi chúng.

“Đã có những lúc tôi nghĩ, tôi không thể tiếp tục việc này được nữa vì quá khó khăn, vì tôi không đủ tiền. Có những lúc tôi nghĩ, phải kết thúc, đóng cửa, tôi không thể tiếp tục. Thật may, bằng cách nào đó, lại có những người bạn giúp đỡ, cả những người không quen biết. Nếu không, trường đã không thể tồn tại, nhất là lúc này. Mỗi khi tôi cần phải qua Úc làm việc, ngay khi đặt chân lên máy bay tôi đã biết khi nào tôi quay trở lại Việt Nam. Với những mối quan hệ mà tôi đang có, tôi không nghĩ là tôi sẽ rời nơi đây. Tôi thuộc về Hội An, tôi thuộc về Việt Nam, cảm giác ấy không hề thay đổi trong 14 năm qua” - bà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Maire MCCainn: "Tôi thuộc về Hội An"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO