Người nặng nợ với voi rừng

HOÀNG LIÊN 10/02/2023 08:26

Trong căn nhà cấp 4 lọt thỏm giữa không gian rộng rinh của một gò đất cao của thôn Cấm La, xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn), ông Nguyễn Văn Bình say sưa kể về voi rừng, chuyện những lần ông gặp voi và nhiều lần chụp ảnh, quay phim về đàn voi rừng… Dường như, cuộc đời ông đã nặng nợ và có duyên với loài động vật hoang dã này.

Ông Bình cùng dụng cụ xua đuổi voi rừng. Ảnh: H.LIÊN
Ông Bình cùng dụng cụ xua đuổi voi rừng. Ảnh: H.LIÊN

Liên tục dời nhà vì... voi

Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Bình nằm sát Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Đây cũng là căn nhà thứ tư vợ chồng ông dựng lên trải qua gần 40 năm gắn bó với núi rừng Nông Sơn. Vợ chồng ông đã 3 lần phải dời nhà để ổn định đời sống, tránh voi rừng và các động vật rừng xâm hại, càn phá.

Ông Bình kể, đầu năm 1980, vợ chồng ông vào khu vực Sầm Nưa, giữa cánh rừng tự nhiên sinh sống, dựng nhà, làm nương rẫy, trồng lúa, sắn, trái cây mưu sinh. Nhiều vụ mùa, voi rừng cả chục con kéo về quậy phá, giẫm đạp hư hại hết khiến bao công sức đổ sông đổ biển. Bị voi phá hoại, dù rất tức giận nhưng vợ chồng ông Bình vẫn cố gắng kìm nén, không tác động tới voi rừng bởi ai cũng biết đây là loài động vật quý hiếm.

Theo ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn, ông Bình gắn bó lâu năm với núi rừng nên am hiểu tường tận từng khu vực có đàn voi sinh sống, rất tâm huyết bảo vệ đàn voi. Từ khi khu bảo tồn được thành lập đến nay, ông Bình đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, phát triển đàn voi ở địa phương. Ông Bình và thành viên của các tổ cộng đồng đã thông tin với lực lượng chức năng về những đối tượng lạ mặt đột nhập vào rừng trái phép, cung cấp những nguồn tin có giá trị, giúp nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo vệ đàn voi rừng.

Năm 1984, vợ chồng ông ra khu vực Hồn Nứa, cách chỗ cũ 10km để dựng trại canh tác, sinh sống. Được vài tháng, đàn voi rừng tiếp tục kéo đến phá tan tành lều trại, vật dụng lẫn hoa màu. Tiếp tục dọn về khu vực Cán Dù sát bìa rừng, ông Bình không ngờ chỉ ở được vài năm, voi rừng lại tiếp tục kéo về uy hiếp.

Lần dời nhà thứ tư ở thôn Cấm La này, tưởng là yên ổn nhưng vợ chồng ông Bình và dân làng một phen hốt hoảng khi mấy năm trước lại chứng kiến đàn voi kéo về, giẫm nát cây cối, uy hiếp dân làng. “Đàn voi ở cách sau lưng nhà tôi chừng vài trăm mét, hoảng quá ai nấy đóng chặt cửa, ai đi được thì dời đi hết. Chuyện nhìn thấy voi rừng với tôi vốn bình thường, đời tôi dường như nặng nợ với voi rừng.

Cứ vài năm, chúng lại ra phá, dẫm nát hoa màu, ngay cả đường ống dẫn nước của gia đình tôi cũng bị phá sạch. Cách đây chừng 2 tháng, 5 con voi lại ra bìa rừng, rống liên hồi, dẫm nát và quăng quật hết các tuyến đường ống bằng sắt của tôi” - ông Bình kể.

Thiệt hại lớn là vậy nhưng biết voi là động vật quý hiếm, là tài sản của Nhà nước nên ông Bình vận động người dân không được gây hại đến chúng. Nhiều năm qua, ông còn hỗ trợ công tác bảo tồn voi rừng và những loài lâm đặc sản quý hiếm, cung cấp cho lực lượng chức năng những nguồn tin giá trị để bảo tồn voi rừng. Theo ông Bình, một thời gian dài, lâm tặc trà trộn vào rừng để săn bắn voi rừng lấy ngà, rồi chúng bỏ lại nguyên con.

Khi người dân phát hiện thì xác đã trương thối, có lúc thì còn tươi nguyên. Có thời gian, dân làng còn phát hiện bọn lâm tặc săn voi và giết hại, lấy ngà, lấy cả xương, bỏ lại thịt. Tình trạng săn bắn voi rừng và động vật quý hiếm trái phép khiến tổng đàn suy giảm mạnh.

Nhưng chừng 10 năm trở lại đây, công tác quản lý, kiểm soát động vật rừng được siết chặt nên không còn xảy ra những vụ việc tương tự. Đối tượng săn bắn trái phép rất manh động, lại có vũ khí. Bởi vậy, nếu phát hiện điều bất thường, người dân sẽ cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng theo dõi, xử lý.

Góp phần bảo vệ voi rừng

Do nặng nợ với đàn voi, ông Bình không chỉ được Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn cấp cho một cái kẻng và máy ảnh kỹ thuật số mà còn hỗ trợ thiết bị, vật dụng để ông đánh kẻng thông báo cho dân làng khi có voi rừng. Mới đây, ông còn được hỗ trợ một số bóng đèn năng lượng mặt trời quanh khu vực nương rẫy và khu vực sinh sống nhằm “cảnh báo” đàn voi khi di chuyển ra khu dân cư.

Ảnh voi rừng ở Nông Sơn. Ảnh: CTV
Ảnh voi rừng ở Nông Sơn. Ảnh: CTV

Cách đây 2 năm, trong vùng bảo tồn cũng phát hiện xác một con voi bị chết bên bờ suối, không rõ nguyên nhân. Qua kiểm tra, voi chết không bị mất ngà, không bị xẻ thịt, chứng tỏ không phải do bàn tay con người tác động. Đàn voi rừng giờ như báu vật của làng, ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ.

“Gần đây voi rừng cứ quanh quẩn, không đi xa như trước. Có lẽ, bên kia những cánh rừng Phước Sơn vẫn còn tình trạng đào vàng trái phép. Lo nhất là những hầm vàng đào trái phép chưa được lấp, nếu voi rừng đi ăn lỡ sa xuống đó thì khó lòng lên được” - ông Bình tâm sự.

Bà Trần Thị Mẫn (vợ ông Bình) kể, cuối năm 2018, đàn voi về khu vực rẫy gần nhà giẫm đạp, quật ngã hơn 100 gốc chuối rẫy bắp, hơn 1.000m ống nước của gia đình. Nhiều người vào rừng để đo dấu phân, dấu chân voi, nhưng khi phát hiện voi rừng đi từ xa thì quá sợ. Bà con vùng đệm và các tổ cộng đồng thường xuyên được tập huấn cách thức đuổi voi truyền thống, xách kiểng đánh, nhưng thực tế voi rất hung dữ nên cần tránh xa là tốt nhất.

Theo ông Bình, không chỉ voi rừng, vùng rừng núi Nông Sơn và địa bàn lân cận vốn có nhiều loài quý hiếm cần được bảo tồn và gìn giữ. Ví như vọc chà vá, beo, gấu, rùa cá, rùa mây, rùa đá, rùa ria… Hệ động vật rất phong phú, đa dạng nên việc bảo tồn, gìn giữ hết sức cấp thiết.

Đáng mừng, từ khi có khu bảo tồn, người dân ai cũng phấn khởi và nhận thức về tính cấp thiết của việc bảo tồn những loài động vật quý hiếm này. Mừng hơn là khi hình ảnh mới đây cho thấy, đàn voi rừng có dấu hiệu béo tốt, mập mạp hơn trước.

“Nhiều người tìm đến ở lại để xem voi nhưng thường là chỉ gặp được dấu chân voi, phân voi, chứ không dễ gì gặp voi thật. Nhưng khi gặp chúng từ xa thì cũng kinh hồn bạt vía mà tháo chạy, trốn kỹ chứ đừng nói là quay, chụp gì được. Voi rừng di chuyển rất nhanh, đi tới đâu là cây lá ngã rạp. Trong đời, tôi đã nhiều lần gặp voi. Ngày trước voi rất nhiều nhưng không ra sát dân, chừ thì voi càng ra sát dân để ăn, để phá hoa màu. Nhưng mặc cho ổng cứ phá rồi làm lại chứ không ai dám đụng tới ổng” - ông Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người nặng nợ với voi rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO