Như ánh trăng sáng ngời - Bài 2: Sáng niềm tin với Đảng

ALĂNG NGƯỚC 12/10/2022 06:46

Chuyến ngược núi bất ngờ, cả ông Pơloong Críp và Zơrâm Nhưa đều không ở nhà. Người thân nói, từ sáng sớm, họ đã lên đường cùng dân làng tu sửa hệ thống nước sinh hoạt và khảo sát vị trí trồng rừng ở bên kia ngọn núi...

Ông Pơloong Críp thả hồn theo tiếng đàn âng’trzưl cách điệu trong lần khách ghé thăm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ông Pơloong Críp thả hồn theo tiếng đàn âng’trzưl cách điệu trong lần khách ghé thăm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Dù cách xa nhau cả trăm cây số, nhưng điều trùng hợp thú vị là ngoài cán bộ xã đã nghỉ hưu, cả hai “bố già” mà tôi tìm đến đều là công dân di cư từ bên kia biên giới Lào, được công nhận quốc tịch Việt Nam, rồi kết nạp vào Đảng và cống hiến cho cộng đồng, từ hàng chục năm trước.

Người giúp việc làng

Giữa căn nhà trống không, một phụ nữ Cơ Tu trạc tuổi 60 vừa về tới, tôi đoán là vợ ông Pơloong Críp. Bà nói, chồng mình đi từ rất sớm, dọc theo ngọn núi sau lưng trường mẫu giáo cách nhà chừng 2 cây số, cùng dân làng Adzốc (xã Bha Lêê, Tây Giang) tu sửa hệ thống dẫn nước sinh hoạt.

Góp công cho hoạt động cách mạng, ông Pơloong Críp được nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ông được kết nạp vào Đảng năm 1983, trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương. Nhiều năm nay, với cương vị Bí thư Chi bộ, ông duy trì thành tích đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Noi gương cha, cả 3 người con của ông đều vào Đảng, trở thành cán bộ nhà nước, cùng góp sức cho phát triển cho địa phương.

Tôi đi theo hướng chỉ của người phụ nữ, từ xa đã nghe tiếng lao xao vọng về. Thì ra, ông Críp và dân làng đang bàn tìm cách uốn thẳng đường ống, giúp nước chảy đều, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hơn 60 học sinh điểm trường mẫu giáo thôn. Từ trong đám đông, ông Críp thúc giục mọi người nhanh tay góp sức để kịp đưa nước về.

“Ngày mai, theo dự báo sẽ có đợt lũ mới. Không làm xong, thầy cô và các cháu học sinh không có nước mà dùng. Mỗi người cố gắng một chút để sớm hoàn thành công việc” - ông Críp nói, rồi vội vã quay ra khi thấy tôi đang chờ.

Đây là lần thứ 2 tôi gặp ông. Lần trước là dịp họp vận động người dân di dời nhà cửa, hiến góp đất đai để địa phương san ủi mặt bằng định cư mới. Chính xác là năm 2018. Lúc đó, từ trong gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng Cơ Tu) một hồi trống được đánh vang, chẳng mấy chốc dân làng Adzốc đã có mặt đông đủ.

Dưới ánh đèn điện, Bí thư Chi bộ Adzốc - Pơloong Críp thông tin đến người dân về chủ trương xây dựng làng mới. “Gọi là làng mới nhưng bà con vẫn ở tại chỗ, không đi đâu khác” - ông giải thích, rồi giải đáp lần lượt từng nội dung mà người dân chưa rõ.

“Khi về làng mới, bà con không phải sống ở đồi núi nữa, mà tập trung ở mặt bằng rộng lớn. Đất được chia theo từng lô, đảm bảo nơi để dựng nhà, sinh hoạt gia đình. Có cả khu sản suất, nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia và trường học dành cho trẻ… rất thuận lợi. Vậy bà con có đồng ý với chủ trương này không?”. Lời ông Críp vừa dứt, bên trong gươl, từng cánh tay giơ lên tán thành.

Cả cộng đồng thống nhất hiến góp vườn tược, hoa màu để xây dựng không gian ở mới. Kết quả cuộc trưng cầu được báo cáo lên huyện, vài tháng sau, công trình được triển khai trong niềm khấp khởi của dân làng.

Một góc bình yên làng Adzốc trên mặt bằng mới . Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc bình yên làng Adzốc trên mặt bằng mới . Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Críp nói, cũng trong năm đó, mặt bằng hoàn thành. Ông đề xuất dự trữ 10 lô đất, sau này dành bố trí cho hộ mới tách ra ở riêng. Dân làng đồng ý, rồi góp sức vận chuyển vật liệu, dựng lại nhà cửa. Chỉ một thời gian ngắn, làng mới được hình thành ngay cạnh tuyến quốc lộ, giúp đời sống người dân đổi khác từng ngày.

“Có làng mới, không lâu sau nhà nước đầu tư thêm đường bê tông, trường học, nước sinh hoạt… phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Từ việc làm nông, nhiều hộ bắt đầu bán tạp hóa, mở quầy hàng dịch vụ nên có thêm thu nhập, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ nét” - ông Críp tâm sự.

Năm 1977, lúc mới di cư từ biên giới, cả làng Adzốc đói ăn triền miên. Đúng lúc đó, ông Críp được địa phương cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm về mô hình phát triển. Trở về sau chuyến đi, ông mang tư duy mới vận động dân làng thay đổi tập quán canh tác cũ phát nương làm rẫy, thay vào đó, góp sức làm ruộng lúa nước.

Thời điểm đó, khoảng đâu năm 1980. Sau khi vụ lúa nước đầu tiên được thu hoạch, lãnh đạo huyện xuống tận nơi khảo sát, khen ông có sáng kiến tiến bộ. Rồi tiếp tục mở rộng diện tích, hơn 35ha ruộng lúa được hình thành và duy trì, trở thành nguồn cung ứng lương thực cho dân làng Adzốc, như bây giờ.

Sống giữa thuận hòa

Đợi đến trưa, cuối cùng ông Zơrâm Nhưa (dân tộc Tà Riềng, ở thôn Đắc Rích, xã Đắc Tôi, Nam Giang) cũng trở về nhà sau buổi khảo sát vị trí trồng rừng gỗ lớn. Đây là chủ trương của tỉnh, thấy phù hợp nên ông tham gia để làm gương cho cộng đồng.

Ông Nhưa nói, nhiều năm nay, ngoài duy trì trồng cao su và làm ruộng lúa nước, người dân địa phương đã bắt đầu trồng keo đổi mới sinh kế. Từ mô hình này, nhiều người giàu lên, góp thêm vào mục tiêu giảm nghèo theo nghị quyết của chi bộ.

Về làng mới, đồng bào Cơ Tu ở thôn Adzốc chung sức bảo tồn văn hóa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Về làng mới, đồng bào Cơ Tu ở thôn Adzốc chung sức bảo tồn văn hóa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Nhưa từng là Bí thư Đảng ủy xã. Hơn 10 năm trước, để làm gương, ông hiến hơn 5.000m2 đất giúp xây dựng Trường Tiểu học liên xã La Dêê - Đắc Tôi. Vài năm sau, ông hiến thêm 200m đất vườn làm đường giao thông nông thôn theo chủ trương của xã.

Trong câu chuyện của mình, ông nói, sau tháng năm miệt mài làm công tác dân vận, tập hợp người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới… vai trò của ông lúc này, không khác một vị già làng uy tín.

Bằng sự tận tâm của một “người con của Đảng”, rất nhiều câu chuyện bức xúc trong cộng đồng được giải quyết ổn thỏa giúp tinh thần gắn kết thêm bền chặt. Vài tháng trước, cùng các cộng sự đã giúp ông hàn gắn tình cảm giữa cặp vợ chồng đã 7 tháng sống “ly thân”.

Chuyện đó làm ông nhớ mãi, bởi lần đầu tiên xảy ra trong cộng đồng địa phương nên việc giải quyết lúc đầu cũng khá... lúng túng. “Nhà hai vợ chồng cũng gần nhà mình nên ngày nào mình cũng dành chút thời gian sang tâm sự với ông chồng. Ông đó tên Zơrâm N., năm nay cũng gần 60 tuổi rồi.

Từ mâu thuẫn gia đình nên trong một lần say rượu đã thẳng tay đuổi vợ ra khỏi nhà. Vì sợ nên bà Alăng D. (vợ ông N.) không dám quay về nhà, đành tá túc dưới căn chòi rẫy suốt 7 tháng trời. Mình đến vận động miết. Lúc nào gặp ông N. cũng tìm cách nói chuyện, bởi hành xử như thế vừa không đúng với phong tục của người Tà Riềng, vừa tự làm xấu hình ảnh cá nhân trước cộng đồng, rất không nên” - ông Nhưa kể.

Tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng trên đất vườn hộ ông Nhưa hiến tặng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng trên đất vườn hộ ông Nhưa hiến tặng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Miệt mài vận động, rồi ông cũng thành công. Ông N. đồng ý đón vợ trở về và chấp thuận “hình phạt” răn đe của làng. Bởi theo tập tục của người Tà Riềng, khi một cá nhân mắc lỗi, phải công khai xin lỗi trước cộng đồng, hứa không tái phạm.

Sau đó, một con heo được mang đến mổ thịt, là món quà mà ông N. xin lỗi nhà vợ, cùng dân làng chung vui bữa liên hoan hàn gắn gia đình. “Bây giờ, ông N. cũng không còn say xỉn nữa, sống thuận hòa như trước đây với vợ con” - ông Nhưa tâm sự.

Hành trình cộng cư giữa cộng đồng các dân tộc vùng cao luôn có những mâu thuẫn nhỏ xảy ra, xuất phát từ vị trí đất canh tác. Vậy là phải tìm cách giải hòa. Như cuộc tranh chấp đất trồng keo mới đây giữa 2 hộ dân trong làng, qua tìm hiểu câu chuyện và dựa theo truyền thống canh tác của cộng đồng trước đây, ông Nhưa nhanh chóng tháo gỡ “nút thắt”, giải quyết êm xuôi mọi chuyện trước sự đồng thuận của đôi bên gia đình. Sau nhiều cuộc hòa giải, ông nói, thực chất câu chuyện không lớn nhưng nếu không biết cách xử trí, có thể sẽ kéo dài tranh chấp, gây mất đoàn kết cộng đồng.

Ông Zơrâm Nhưa nâng niu Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ông Zơrâm Nhưa nâng niu Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chuyện ông Nhưa, làm tôi nhớ đến tâm sự của Bí thư Đảng ủy xã Đắc Tôi - Tơ Ngôl Vứch. Hôm ngồi dưới nhà sàn truyền thống, ông Vứch nói, ở miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cách giải quyết phải thật mềm dẻo, nhẹ nhàng và… đầy tình cảm. Bằng không, khi người dân không thuận ý, việc xử lý vấn đề sẽ trở nên phức tạp, rối rắm.

“Không chỉ tôi, mà nhiều cán bộ xã cũng phải học theo ông Nhưa và nhiều già làng khác về cách làm dân vận trong cộng đồng. Bởi đó không phải là điều dễ dàng. Khi vai trò càng lớn, uy tín càng nhiều, tiếng nói của những người như ông Nhưa trở nên có trọng lượng hơn, đại diện cho cộng đồng giải quyết câu chuyện của chính cộng đồng, nên người dân đồng lòng” - ông Vứch chia sẻ.

Quá trưa, bóng nắng lấp lánh trước hiên nhà. Từ trong tủ kính, ông Nhưa lấy ra Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Ông nói, đó là điểm tựa và niềm tin để ông nỗ lực hơn trong việc làm, mỗi ngày.

Ngoài kia, những chuyến xe ngược núi, trở về…

------------------------
Bài 3: Nơi đâu, cũng là quê hương

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Như ánh trăng sáng ngời - Bài 2: Sáng niềm tin với Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO