Như ánh trăng sáng ngời - Bài 3: Nơi đâu, cũng là quê hương…

ALĂNG NGƯỚC 14/10/2022 06:34

Hành trình rong ruổi khắp bản làng dưới cánh rừng Trường Sơn, tôi đã gặp và chứng kiến không ít đảng viên trẻ là người gốc Lào có những việc làm tử tế, thiết thực cho cộng đồng. Bằng công sức và tinh thần, họ miệt mài đóng góp, tạo khởi nguồn cho những đổi thay ở làng quê xứ Quảng, mai này…

Un Lom (ngoài cùng bên trái) tại một sự kiện hợp tác kinh tế với các nước khu vực Mê Kông. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Un Lom (ngoài cùng bên trái) tại một sự kiện hợp tác kinh tế với các nước khu vực Mê Kông. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tôi hỏi Un Lom, chàng trai người Ve (một nhánh dân tộc Giẻ Triêng), rằng có thấy mình may mắn khi được công nhận quốc tịch Việt Nam, được vào Đảng và trở thành sĩ quan quân đội? Un Lom cười xòa, nói đó thực sự là diễm phúc không chỉ với bản thân và gia đình, mà còn cho cả cộng đồng người di cư ngày trước nên càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn.

Trong niềm ước của mình, Un Lom nói, anh đặt niềm tin rất lớn vào hành trình làm “cầu nối” trong quan hệ hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế Việt Nam - Lào, xem đó như món quà trả ơn, cùng góp xây cho miền non cao khởi sắc. 

Nguyện mong “cầu nối” Việt - Lào

Hẹn mãi, rồi cũng gặp được Un Lom. Chàng trai người Ve này, bây giờ đã là Trung úy, công tác tại Đoàn Kinh tế quốc phòng Việt Nam - Lào (Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng). Cơ duyên để Un Lom trở thành sĩ quan quân đội, rồi làm việc trong môi trường kinh tế quốc phòng hệt như một giấc mơ. Bởi, bước chân ra khỏi làng, với Un Lom là điều mà trước đây anh chưa từng nghĩ đến.

Un Lom khá bận rộn. Công việc chuyên môn của “bộ đội kinh tế” tạo ra nhiều áp lực cho chàng thanh niên vừa bước qua tuổi 25 này. Anh nói với tôi, lợi thế của mình, là có khả năng giao tiếp và am hiểu cả 2 ngôn ngữ Việt Nam - Lào. Chính lợi thế đó, đã giúp anh bén duyên và gắn bó như một hành trình “cầu nối” trong quan hệ hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Un Lom trong một chuyến tình nguyện tại vùng cao Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Un Lom trong một chuyến tình nguyện tại vùng cao Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ngoài sự tự tin, ở Un Lom còn bộc lộ khả năng giao tiếp và sự thân thiện đến lôi cuốn. Vì thế, tôi không lấy làm ngạc nhiên khi nghe Un Lom nói, anh vừa nhận thêm “nghề tay trái” với vai trò phiên dịch cho các hoạt động ngoại giao của đơn vị. Phát huy tối đa lợi thế, Un Lom xuất hiện tại rất nhiều sự kiện quan trọng, trở thành gương mặt thân quen trong hoạt động kinh doanh, hợp tác kinh tế giữa hai bên.

Un Lom đang thành công bước đầu trong môi trường kinh tế đầu tư, giúp khích lệ ngày càng nhiều người trẻ ở quê núi Nam Giang vượt qua mặc cảm, mạnh dạn bước chân xuống phố.

Anh nói, trong khả năng của mình, anh sẵn sàng kết nối và giúp đỡ thanh niên có ý chí và nghị lực phát triển, để làm giàu. Nhiều chuyến thiện nguyện của anh với cộng đồng như một tấm gương phản chiếu khơi gợi thêm niềm tin để thanh niên miền núi mở rộng tư duy và tiến bộ.

Những rào cản không khiến Un Lom nhụt chí. Dù anh cũng từng là đứa trẻ, bước ra từ nghèo khó với những rào cản vô hình. Hơn 30 năm trước, từ cụm bản Măng Hà (huyện Đắc Chưng, Sê Kông, Lào), vì điều kiện quá khó khăn nên gia đình Un Lom dắt díu nhau định cư tại thôn 58 (xã Đắc Pre, Nam Giang).

Un Lom, chàng trai người Ve trở thành niềm tự hào của cộng đồng địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Un Lom, chàng trai người Ve trở thành niềm tự hào của cộng đồng địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chính sách đối với người di cư tự do thời điểm đó chưa được giải quyết ổn thỏa như bây giờ nên nhiều hộ dân sống phận đời… không quốc tịch. Mãi đến năm 2000, Un Lom cùng người thân mới lần lượt được công nhận quốc tịch Việt Nam theo chủ chương của Chính phủ hai nước.

Un Lom kể, năm 2017, anh trúng tuyển tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và một trường khác nữa ở Huế. Sau thời gian đắn đo, anh chọn tham gia nghĩa vụ quân sự vì muốn rèn luyện bản thân trong môi trường quân ngũ.

Như một duyên may trời định, nhờ vốn tiếng Lào tốt nên sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ, Un Lom được cử đào tạo lên đại học, rồi được kết nạp vào Đảng, trở thành sĩ quan quân đội.

“Mình rất háo hức được cống hiến, được làm việc và góp chút công sức nhỏ bé như cầu nối cho mối quan hệ thâm giao chí tình và truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào anh em” - Un Lom chia sẻ.

Góp mật thơm cho đời

Sau trận mưa dông, đường sá trở nên trơn trượt. Nhưng bước chân của thầy giáo Pơloong Đíp vẫn tiến về Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Ch’Ơm - Ga Ry. Nơi ấy, sau thời điểm mưa lũ, lại bộn bề công việc nên góp sức dọn dẹp kịp đón bước chân học trò đến lớp.

Pơloong Đíp bên ngôi trường do anh vận động giúp học sinh trong làng có điều kiện học tập. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Pơloong Đíp bên ngôi trường do anh vận động giúp học sinh trong làng có điều kiện học tập. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Thầy Pơloong Đíp là người Cơ Tu, sống ở làng Atu 2 (xã Ch’Ơm), nơi giáp biên giới Việt Nam - Lào. Cha anh - người gốc Lào - mất sớm nên lúc nhỏ Pơloong Đíp có thời gian lang bạt về bên kia biên giới để mưu sinh. Hồi đó, cũng vì nghèo khó quá nên Đíp ngược núi quay trở lại Việt Nam, lần này quyết tâm chinh phục “con chữ Bác Hồ”.

Miệt mài đèn sách, rồi Pơloong Đíp cũng hiện thực được ước mơ. Đó là năm 2004, khi anh trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế, trở hành người đầu tiên của làng có bằng đại học chính quy. Pơloong Đíp có đến 2 bằng đại học và được kết nạp vào Đảng khi đang là sinh viên.

“Thời gian học sư phạm, mình học thêm tại Trường Đại học Nông lâm Huế, vì nghĩ sau này về quê sẽ cùng bà con phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, góp sức làm giàu bằng sản vật của quê hương miền núi” - Pơloong Đíp chia sẻ.

Học sinh làng Atu 2 nhận phần quà ý nghĩa từ chương trình khuyến học do thầy Pơloong Đíp khởi xướng. Ảnh: B.T
Học sinh làng Atu 2 nhận phần quà ý nghĩa từ chương trình khuyến học do thầy Pơloong Đíp khởi xướng. Ảnh: B.T

Sau khi ra trường, từ chối lời mời làm giáo viên của một trường THPT có tiếng ở TP.Hội An, Pơloong Đíp xin trở về Tây Giang công tác, vun vén ước mơ góp sức xây dựng quê hương miền núi. Nhưng thời điểm đó, ở biên giới quê hương Đíp, tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến.

Nhiều học sinh đang học ở trường, vài tháng sau về nhà lấy chồng, vậy là bỏ học. Trăn trở trước hủ tục này, tranh thủ sau thời gian dạy học, Đíp cùng các thầy cô ở trường lặn lội đường rừng để tìm cách động viên học sinh trở lại lớp; đồng thời tuyên truyền phụ huynh về hậu quả nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Về sau, những hủ tục dần được xóa bỏ.

Để khuyến khích việc học, Pơloong Đíp triển khai chương trình gây quỹ khuyến học, giúp đỡ học sinh khó khăn có thêm điều kiện đến lớp, được duy trì suốt nhiều năm qua. Và cũng chính anh, động viên vợ tiên phong hiến hơn 3ha đất vườn giúp làng có mặt bằng định cư mới; vận động nguồn lực xây dựng một điểm trường mới cho con em ở làng.

Thầy Pơloong Đíp và dân làng Atu 2 tổ chức cuộc họp động viên học sinh trươc thềm năm học mới. Ảnh: B.T
Thầy Pơloong Đíp và dân làng Atu 2 tổ chức cuộc họp động viên học sinh trước thềm năm học mới. Ảnh: B.T

 Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bh’ling Mia nói, năm 1977, sau khi phân định ranh giới giữa Việt Nam - Lào, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu giáp ranh lần lượt trở về định cư ở Tây Giang theo nguyện vọng cá nhân. Họ mang theo tên làng, thậm chí là tên xã như một sự tri ân với vùng đất cũ. “Bà con dù ở đâu cũng là đồng bào Cơ Tu mình. Ranh giới chỉ là sự phân định về nguyên tắc lãnh thổ, bởi dòng máu đang chảy trong cơ thể đều là dòng máu của người Cơ Tu” - ông Mia nhấn mạnh.

Xác định “giúp bạn là giúp mình”, nhiều năm nay, khi người dân ở các cụm bản của huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông) liên tiếp mất mùa dẫn đến tình trạng thiếu ăn, ngay lập tức cán bộ, đảng viên và nhân dân Tây Giang đã góp tiền của, công sức triển khai chương trình “Nghĩa tình biên giới”, mang từng chuyến quà hỗ trợ, xây dựng trường học, công trình nước sinh hoạt… cho đồng bào Cơ Tu sinh sống ở Lào. Vượt qua trở ngại về địa lý, những câu chuyện về nghĩa tình Cơ Tu nơi biên giới Việt - Lào cứ ăm ắp qua lời kể của cộng đồng mỗi chuyến tôi ngược núi, trở về…

Hôm trước, tôi ngồi với Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang - Lalim Hậu. Ông nói, trong tâm thức của đồng bào, quan hệ cộng đồng luôn là thành tố biểu thị văn hóa cộng cư, mang giá trị đặc trưng trong mối gắn kết giữa các tộc người. Sống trong vòng tay bảo bọc của mẹ rừng, với họ không gì khác lớn hơn tình anh em, cùng góp sức cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.

“Trong lịch sử xây dựng và phát triển huyện Nam Giang, chúng tôi luôn ghi nhận những đóng góp của công dân Lào di cư cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương đổi mới.

Qua thời gian định cư, nhiều thế hệ con em đồng bào gốc Lào di cư được đào tạo, bồi dưỡng, trở thành cán bộ chủ chốt, đảng viên tiêu biểu tại địa phương. Họ cũng chính là cầu nối và mắc xích quan trọng trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hóa các tộc người sinh sống dưới cánh rừng Trường Sơn này” - ông Lalim Hậu nói.

------------------------
Bài cuối: Vẹn nguyên một lời thề

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Như ánh trăng sáng ngời - Bài 3: Nơi đâu, cũng là quê hương…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO