Như ánh trăng sáng ngời - Bài cuối: Vẹn nguyên một lời thề

ALĂNG NGƯỚC 17/10/2022 11:35

Sau nhiều năm chung sống ở vùng đất mới, những người Lào di cư được cộng đồng làng đón nhận, được công nhận Quốc tịch Việt Nam, nhiều cá nhân đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành người có uy tín, cùng góp sức cho mục tiêu phát triển trên quê hương thứ hai.

Cùng với phát triển sản xuất, cộng đồng di cư luôn phát huy bản sắc, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cùng với phát triển sản xuất, cộng đồng di cư luôn phát huy bản sắc, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Từ thôn Đhrôồng (xã Tà Lu, Đông Giang) ngược núi lên thôn Azứt (xã Bha Lêê, Tây Giang), rồi qua Đắc Ốc (xã La Dêê, Nam Giang)… những ngôi làng dưới chân núi Trường Sơn Đông của cộng đồng Lào di cư thoáng hiện sắc màu tươi mới, trở thành điểm sáng trong hành trình kết nối phát triển văn hóa - du lịch, mang dấu ấn về tình đoàn kết mẫu mực Việt - Lào anh em.

Ký ức gọi tên

Chuyện cũ được gợi nhắc, ông Đinh Ngọc Sử - nguyên Chủ tịch UBND huyện Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang) không nén được cảm xúc, kể một mạch về tháng ngày gắn bó với cộng đồng Cơ Tu trên vùng phên giậu Việt - Lào.

Chính xác đó là giai đoạn 1972 - 1975, khi ông được tổ chức phân công nhiệm vụ tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã Bha Lêê (Tây Giang), giúp dân xóa bỏ hủ tục và xây dựng lực lượng tham gia kháng chiến.

Trung tâm xã Bha Lêê (Tây Giang) ngày nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Trung tâm xã Bha Lêê (Tây Giang) ngày nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Sử nói, những cuộc thiên di trước đây và chiến tranh loạn lạc sau này, nhiều cư dân biên giới Việt Nam - Lào phải tìm kiếm vùng đất mới, rồi định cư dưới cánh rừng Trường Sơn. Mãi đến năm 1977, khi hai nước phân định đường biên, xã Bha Lêê cũ được xác định thuộc địa phận Lào (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông).

Lúc bấy giờ, một nửa số dân Bha Lêê di cư về Việt Nam sinh sống, nửa còn lại xin ở Lào theo nguyện vọng gia đình. Nhưng, đa số đều có công với cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nên sau này được giải quyết chế độ chính sách theo quy định.

Ông Sử kể, thời điểm chiến tranh ác liệt, từ cụm bản Achiing (xã Bha Lêê cũ), ông rời làng theo cán bộ ra miền Bắc học chữ, rồi trở về địa phương tiếp tục làm cách mạng. Ban đầu là tham gia hoạt động dân chính, đi rải truyền đơn phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng.

Năm 1972, đang giữ chức Phó Trưởng an ninh huyện, ông được “biệt phái” về xã, làm công tác kinh tế - dân vận với chức danh Bí thư Đảng ủy xã. Vậy là lên đường. Hồi đó, từ các xã biên giới của Tây Giang, ông ngược núi đến Bha Lêê mất hơn 7 ngày đường. Chắp nối trong ký ức tuổi già, ông nhớ ngày nhận quyết định phân công làm nhiệm vụ, trời mưa tầm tã nên những ngày “ăn núi” gian khổ vô cùng.

“Nhưng, mình là cán bộ cách mạng, là đảng viên nên phải quyết tâm và kiên trì. Lúc đó, trong đầu mình nghĩ, bằng mọi giá phải đến được với người dân để tìm cách tháo gỡ khó khăn và hủ tục” - ông Sử nhớ lại.

Sinh sống hàng chục năm trên đất Việt nhưng nhiều ngôi nhà của người Lào di cư ở vùng cao Quảng Nam vẫn mang một phần kiểu dáng kiến trúc của xứ sở bên kia dãy Trường Sơn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sinh sống hàng chục năm trên đất Việt nhưng nhiều ngôi nhà của người Lào di cư ở vùng cao Quảng Nam vẫn mang một phần kiểu dáng kiến trúc của xứ sở bên kia dãy Trường Sơn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Vùng đất Bha Lêê ngày trước (thuộc địa phận của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông bây giờ - PV), những ngôi làng người Cơ Tu ẩn sâu dưới cánh rừng già, biệt lập không khác gì bộ lạc nguyên thủy. Vì thế, để tiếp cận và sống chung với họ là điều không dễ dàng.

“Hồi đó, người dân còn lạc hậu lắm. Họ tin vào bùa chú nên chìm trong hủ tục và nghèo đói, không giao tiếp với bên ngoài. Do vậy, nhiệm vụ của mình là phải xóa bỏ hủ tục, giúp dân sản xuất, xây dựng cuộc sống mới” - ông Sử kể.

Ngày đặt chân đến xã, ngoài phân công lực lượng xây dựng cơ sở hoạt động, ông chọn đến một ngôi làng xa nhất, nơi có người dân mê tín nhất để… ra mắt. Ai cũng khuyên ông không nên vào, vì lo sợ chuyện bùa ngải, có khi “một đi không trở lại”. Nhưng ông nhất quyết đi vì không tin vào những lời đồn thổi.

Bởi ông nghĩ, công việc đang làm là phục vụ lợi ích của nhân dân và lý tưởng cách mạng của Đảng, nên có chết cũng cam lòng. Hôm đến làng Xà Ơi, ông vào thẳng nhà của một hộ chuyên làm thầy cúng, người này có vai trò như chủ làng để tổ chức cuộc họp dân. Đêm đó, ông ngồi uống rượu và nói lý - hát lý với chủ làng đến rạng sáng mới về.

Ở tuổi xế chiều, dù đi lại khó khăn, nhưng câu chuyện về Đảng với ông Sử vẫn vẹn nguyên như tấm lòng của người Cơ Tu với cách mạng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ở tuổi xế chiều, dù đi lại khó khăn, nhưng câu chuyện về Đảng với ông Sử vẫn vẹn nguyên như tấm lòng của người Cơ Tu với cách mạng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Vài ngày sau, ông Sử huy động lực lượng đắp đập, đưa nước suối về giúp dân làm ruộng lúa nước. Đúng lúc đó, từ làng Xà Ơi, chủ làng dẫn một nhóm người tìm đến góp sức, giúp mô hình sản xuất mới nhanh chóng được hoàn thiện.

Phát huy vai trò lãnh đạo, ông vận động thanh niên địa phương tham gia cách mạng, phục vụ kháng chiến. Kết thúc đợt tăng cường, ông trở về huyện tiếp tục công tác. Vài năm sau, khi ranh giới hai nước được phận định, theo nguyện vọng cá nhân, nhiều người dân Bha Lêê lần lượt di cư về sinh sống dọc theo biên giới của huyện Tây Giang. Họ mang theo cả tên làng, tên xã trở về, như bây giờ.

Dặm dài theo từng câu chuyện, ông Sử không nhớ mình đã lặn lội bao nhiêu chuyến đi, cùng ăn ở với dân làng trong hành trình “khai sáng” niềm tin cách mạng. Chỉ biết rằng, sau những cuộc đi, Đảng trở nên gần hơn trong nếp nghĩ của cộng đồng, được ví như ánh trăng ngời sáng giữa rừng Trường Sơn.

Niềm tin như giọt nắng vàng

Dù hơn 40 năm định cư tại vùng Bến Hiên, nhưng người làng Đhrôồng vẫn không thể quên ân tình của cộng đồng làng ở xã Tà Lu với mình lúc mới di cư từ Lào sang. Là bởi, thuận theo chủ trương của Đảng, người dân Tà Lu đã nhường ngôi nhà đang ở và cả mùa lúa rẫy đang thời kỳ thu hoạch để giúp những người anh em di cư ổn định cuộc sống.

Một góc bình yên làng Đhrôồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc bình yên làng Đhrôồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tinh thần cố kết cộng đồng thêm một lần nữa được khẳng định khi người dân Đhrôồng và làng Aréh (xã Tà Lu) tổ chức lễ kết nghĩa anh em, xóa mờ khoảng cách xa lạ giữa hai làng dưới chân núi Coong Réh. Như một cơ duyên bền chặt, vài năm trước, hai làng Aréh và Đhrôồng được sáp nhập, trở thành làng chung Aréh Đhrôồng.

Trong ký ức của mình, già Alăng Giôr (người làng Aréh cũ) không thể quên tháng ngày sống trong tình nghĩa anh em và chứng kiến câu chuyện đẹp giữa hai làng suốt nhiều thập kỷ. Không một rào cản, dưới vòng tay bảo bọc của mẹ rừng, mọi thứ với họ đều là “của chung” nên cuộc sống lúc nào cũng lấp lánh vui như giọt nắng vàng.

Già Alăng Giôr nguyên Chủ tịch UBND xã Tà Lu nhớ rất rõ từng gương mặt người làng Đhrôồng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, sau này trở thành thế hệ kế cận, công dân tiêu biểu như Pơloong Pất, Bríu Đâu, Bhling Trao… với hành trình làm đổi thay miền đất mới.

Vực dậy làng nghề truyền thống, sản phẩm dệt Cơ Tu ở Đhrôồng trở thành thương hiệu thu hút du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Vực dậy làng nghề truyền thống, sản phẩm dệt Cơ Tu ở Đhrôồng trở thành thương hiệu thu hút du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đằm sâu trong tâm trí của già, là thời điểm cộng đồng di cư ở Đhrôồng mở cửa văn hóa làng để đón du khách tham quan, trải nghiệm. Không lâu sau, “thương hiệu” làng dệt thổ cẩm Đhrôồng ra đời, góp sức tạo nên sức hút cho phát triển du lịch còn khá mới mẻ ở miền núi.

“Nhờ phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, mà người dân Đhrôồng ngày càng phát huy được bản sắc, trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách trong và ngoài nước” - già Alăng Giôr bộc bạch.

Như lát cắt mang sự tương đồng của những người di cư, nhiều ngôi làng ở miền biên giới Việt - Lào đã và đang ngày đêm thắp lên ngọn lửa niềm tin rực sáng. Nhìn lại sau hàng chục năm ổn định cuộc sống, câu chuyện về Đảng, với họ vẫn vẹn nguyên một lời thề son sắt, hệt câu ví của người Cơ Tu về niềm tin với Đảng: “Mắt tơ’ngay zớ ang, loom ahe zớ Đảng” (Mặt trời còn sáng, lòng ta còn Đảng)…

Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng Sê Kông - Lếch-lay Sỉ-vi-lay: Những cầu nối quan trọng

 

“Sê Kông và Quảng Nam là hai tỉnh kết nghĩa anh em, có chung đường biên giới, có quan hệ truyền thống gắn bó mật thiết từ lâu đời; đặc biệt, bà con nhân dân các dân tộc hai bên biên giới của hai tỉnh có quan hệ thân tộc họ hàng anh em với nhau.

Khi tiến hành hoạch định biên giới giữa hai nước, một số bà con là người Lào di cư qua ở bên phía Quảng Nam và một số bà con từ phía Quảng Nam di cư qua ở bên phía Lào. Dù sinh sống ở đâu thì tình cảm anh em gắn bó keo sơn vẫn luôn gìn giữ.

Tôi được biết, những người Lào di cư sang sinh sống ở tỉnh Quảng Nam trước đây đến nay đều được tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam và có nhiều trường hợp đã trở thành cán bộ, công chức của các cơ quan của địa phương; trong đó, có một số trường hợp đã phấn đấu và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cá nhân tôi rất phấn khởi về điều này, qua đó thể hiện sự chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam và sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Những trường hợp này sẽ là cầu nối quan trọng để tiếp tục vun đắp, thắt chặt, gắn bó hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đặc biệt; nhất là kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới giữa hai tỉnh Sê Kông và Quảng Nam thật sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - Lê Văn Dũng: Giúp đỡ nhau cùng phát triển

 

“Từ bao đời nay, Quảng Nam và Sê Kông luôn duy trì mối quan hệ truyền thống đặc biệt, tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện ở nhiều lĩnh vực. Để phát huy mối quan hệ tốt đẹp đó, chính quyền hai tỉnh, cũng như các huyện biên giới Nam Giang - Đắc Chưng, Tây Giang - Kà Lừm đã tổ chức kết nghĩa, tạo điều kiện cho đồng bào hai bên biên giới thăm thân, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, góp phần thiết lập tuyến biên giới an toàn, đáp ứng yêu cầu về quản lý, bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh quốc phòng của hai quốc gia láng giềng.

Trong quá trình giao thương, quan hệ, hợp tác qua lại lẫn nhau trước đây, nhiều cư dân từ các cụm bản của Lào đã kết hôn, nhập quốc tịch, rồi định cư tại khu vực biên giới, trở thành công dân Việt Nam. Quá trình nỗ lực, phấn đấu, nhiều người đã được đào tạo, tham gia các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhiều cán bộ đảng viên tham gia cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao. Cũng chính họ sau này tiếp tục khẳng định vai trò nêu gương, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, góp phần gìn giữ, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”. ALĂNG NGƯỚC (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Như ánh trăng sáng ngời - Bài cuối: Vẹn nguyên một lời thề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO