Những phận người dứt áo, tới lui trên đường cái quan

TƯỜNG MINH 16/10/2021 07:39

Năm năm trước, đâu đó trên đường cái quan, tôi đã từng không kìm được nước mắt khi theo những chuyến xe chở toàn người lao động di cư từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc đi tới tương lai - đến Sài Gòn để kiếm sống. Nay một lần nữa nước mắt tôi chảy khi theo chân những đoàn người lao động di cư tự tìm cho mình một đường lui - đường về trong mịt mờ khốn khó… 

 

Những chú chó đi, những chú chó về

Tôi vẫn còn nhớ như in buổi sáng của năm đó. Tôi lên một chuyến xe khách loại 45 chỗ từ trung tâm TP.Cà Mau. Hành khách trên xe chia ra thành cụm. Mỗi cụm là một gia đình có khi nhiều thế hệ với rất nhiều người già và trẻ con cùng lỉnh kỉnh hành lý dưới gầm và quanh người kiểu như “dọn nhà đến nơi ở mới”. Họ đã đóng cửa những ngôi nhà của mình đúng nghĩa và đang dắt díu nhau lên Bình Dương làm công nhân.

Anh Tâm - tôi vẫn còn nhớ rất rõ tên của người đàn ông có dáng gầy guộc và nhỏ thó ấy ôm một cái lồng bên trong có hai chú chó con.

“Cả nhà đi hết không còn ai, hàng xóm bà con cũng đi hết không còn ai nên phải mang chúng theo” - anh giải thích khi thấy ánh mắt tôi ngạc nhiên nhìn mấy con chó. “Dưới gầm xe còn cả mấy con gà mẹ đang tuổi đẻ, mang theo để lấy trứng và phòng khi cần thì bán hoặc thịt” - anh Tâm nói tiếp.

Hình như những gia đình này đang dứt áo ra đi thật sự. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì anh Tâm chỉ quanh một vòng giới thiệu với tôi những người chung quanh đại ý “đây là vợ tôi, con tôi, em trai tôi, mẹ tôi, anh chú bác của tôi, hàng xóm tôi…” khiến bầu không khí trên xe lúc đó vô cùng nặng nề.

Ánh mắt hun hút của một đứa trẻ theo ba mẹ về quê trên đường cái quan.
Ánh mắt hun hút của một đứa trẻ theo ba mẹ về quê trên đường cái quan.

Tôi đã gặp lại, chính xác là nhớ lại chuyện 5 năm trước qua hình ảnh về 15 chú chó của ông Hùng, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau bị chính quyền địa phương tiêu hủy sau khi theo chủ từ Bình Dương trở về quê nhà bằng xe máy làm xôn xao dư luận mấy hôm rồi như thế.

Thời điểm đó, tôi đi lang thang dọc ngang 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm đáp án cho câu hỏi: Vì sao cả miệt đất đai trù phú, ruộng đồng thẳng cánh cò bay, một thời chỉ cần vứt đại cần câu xuống mương nước là tôm cá cua ghẹ ăn không hết, nay người dân lại phải bỏ hoang ruộng vườn, đóng cửa nhà dắt díu nhau từng đàn đúng nghĩa lên Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân kiếm sống qua ngày?

Và một trong những câu trả lời tôi nhận được từ anh Tâm trong chuyến xe năm ấy: “Mỗi héc ta đất lúa trồng một năm không thu lãi được 30 triệu đồng. Trong khi đi làm công nhân một năm mỗi người thu được hơn 30 triệu mà không lo lỗ lãi nắng mưa sâu bệnh nên chúng tôi chọn phương án lên thành phố làm công nhân cho khỏe!”.

Năm đó, tôi cũng lang thang hầu hết khu nhà trọ công nhân phần lớn là tối tăm, ẩm thấp ở Bình Dương, Sài Gòn… cũng để tự trả lời cho mình câu hỏi: Những di dân thế hệ mới ấy họ đang sống ra sao ở những vùng đất hứa?

Và những nơi ấy có gì để không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ bỏ làng cao nhất nước mà còn lũ lượt người dân từ khắp nơi của miền Trung, miền Bắc ùn ùn kéo vào?

Đến mức có lúc, ở trước cổng của rất nhiều doanh nghiệp, người ta dán hẳn những tấm biển “không nhận người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...” nhưng vẫn không thể nào ngăn được dòng người từ các tỉnh này bồng bế nhau kéo vào.

Dòng người vượt đèo Hải Vân về quê những ngày đầu tháng 10.
Dòng người vượt đèo Hải Vân về quê những ngày đầu tháng 10.

Và tôi cũng không có được câu trả lời chính xác, thật ra là không hiểu nổi sau khi mục sở thị toàn những chuyện buồn đau kiểu công nhân nam nữ phần lớn sống thử gá tạm rồi sinh con đẻ cái. Những đứa trẻ sinh ra phần lớn không được đến trường một cách đường hoàng do bố mẹ chúng không có đủ giấy tờ hợp lệ để nộp theo quy định.

Và phần lớn, dù “mỗi năm thu được được hơn 30 triệu mà không lo lỗ lãi nắng mưa sâu bệnh” nhưng không hiểu sao vẫn sống trong cảnh ráo mồ hôi là hết tiền như những ngày tháng ở quê nhà (?) 

“Dứt áo” ra đi, “dứt áo” quay về

Một chiếc xe máy! Thật ra là một xác xe máy tan nát như thể được cứu ra từ một vụ cháy. Tận mắt chứng kiến nhưng tôi vẫn không thể nào hình dung được làm sao chiếc xe máy ấy có thể kéo được một gia đình 4 người với đủ thứ hành lý lỉnh kỉnh vượt hơn 1.000km từ Bình Dương ra đến đỉnh đèo Hải Vân trong đêm mưa lạnh thấu xương, trước khi nằm lại vĩnh viễn vì gia đình ấy được những tấm lòng hảo tâm ở Đà Nẵng xót thương tặng cho một chiếc xe mới để tiếp tục hành trình dài hun hút phía trước.

Chiếc xe máy ấy đã tự mình lột trần giấc mơ sau 4 năm ở miền đất hứa của một gia đình đến và đi từ một thôn heo hút nhất ở miền tây Nghệ An. Là chứng nhân của những tháng ngày đất trời nổi cơn gió bụi không có bút mực nào tả hết nỗi đau của đất nước và phận người.

Tôi đã ngồi chờ “đón lõng” trên đỉnh đèo Hải Vân vào một đêm mưa lạnh, tôi đã bám theo dòng người đến Trạm trung chuyển hầm Hải Vân vì nhiệm vụ nghề nghiệp nhưng trên hết cũng để tự mình trả lời câu hỏi: Vì sao họ vẫn bất chấp gian khổ, đói lạnh và hiểm nguy để đùm bới nhau bỏ Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn về quê theo cách không tưởng tượng ra được? Và đây là câu trả lời của “những anh Tâm” và gia đình đang run rẩy, chấp chới, lạc thần trên đỉnh đèo Hải Vân: “Chúng tôi không sợ chết vì dịch bệnh nhưng sợ chết vì đói”.

Nhìn những đoàn người nối nhau vượt đèo Hải Vân dưới cơn mưa tầm tã cùng cái lạnh thấu xương sau khi được tiếp sức bằng những bữa ăn vội do những nhóm thiện nguyện hỗ trợ trong đầu tháng 10, lần đầu tiên trong hơn 20 năm làm báo, tôi mới biết thế nào là sự bất lực của các loại ngôn ngữ và hình ảnh.

Bất ngờ nữa là không ít lần, tôi đã gặp lại hình ảnh của những “anh Tâm”, ông Hùng ở Cà Mau với những chú chó, con gà… xích buộc trong những gói hành lý trong dòng người đang tháo chạy về miền Bắc. Hình như một lần nữa, tôi nhìn thấy sự quyết tâm “dứt áo” quay về sau những năm tháng “dứt áo” ra đi…  

Chợt nhớ về những ngày tháng 5 của năm 2017, khi lần đầu tiên “Tết công nhân” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ở cung thể thao Tiên Sơn - Đà Nẵng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thời điểm ấy là Thủ tướng Chính phủ, trong buổi gặp gỡ và trò chuyện với hơn 2.000 công nhân miền Trung đã nói đại ý, hy vọng tới đây, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp miền Trung sẽ ngày càng lớn mạnh để tạo thêm nhiều việc làm, để miền Trung bớt đi những chuyến xe chở người vào Nam làm công nhân và con em miền Trung chúng ta ly nông nhưng không phải ly hương…

Giờ chứng kiến những dòng người “dứt áo” quay về, tôi từng nghĩ đây là thảm cảnh nhưng cũng là cơ hội của nhiều địa phương ở miền Trung. Nhưng hình như không phải thế.

“Em chỉ về quê để tránh dịch một thời gian và sẽ quay lại Sài Gòn khi có cơ hội” - chị  Bùi Thị Trang, một “người về” ở xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam làm tôi bất ngờ.

Bất ngờ hơn, theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, số người lao động từ các tỉnh phía Nam về Quảng Nam thời gian qua rất đông - gần 7 nghìn người (chưa kể người về tự do).

“Dự báo của chúng tôi là sẽ có rất nhiều người không trở vào lại Sài Gòn mà ở lại Quảng Nam để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên điều chúng tôi không ngờ tới là kết quả các huyện báo về thì số lượng tìm việc rất thấp. Các doanh nghiệp Quảng Nam có nhu cầu tuyển dụng gần 15 nghìn người nhưng chỉ có 1,6% trong số gần 7 nghìn người nói trên có nhu cầu tìm việc làm” - ông Quý cho biết.

Đáng nói, đây không phải là chuyện riêng của Quảng Nam mà là thực trạng chung của nhiều địa phương ở miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Và nguyên nhân của mọi nguyên nhân, theo ông Nguyễn Quí Quý là “mình cần có các phiên chợ việc làm để nghe tâm tư nguyện vọng của họ”.

Nhưng có lẽ, phần nào như lời của anh Lê Hải - người “dứt áo” hồi hương khi ngoài vợ con còn mang theo cả chó, gà, nói với tôi trên đỉnh đèo Hải Vân: “Giờ em chỉ muốn mau được an toàn gặp ba mạ để ôm họ mà khóc, sau đó thì ngủ cho lại sức, còn lại tương lai khi mô ngủ dậy mới tính…”.

Vậy nên biết đâu đấy mai này khi bão tạnh mưa tan, trên đường cái quan sẽ lại có những chuyến xe chở những dòng người mang theo cả chó, gà cùng “dứt áo” ngược xuôi đi tìm một tương lai mới ở một vùng đất nào đó, cũng có thể là những nơi chốn tưởng rằng đã cũ…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những phận người dứt áo, tới lui trên đường cái quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO