Nơi đâu là an toàn?

THÀNH CÔNG 04/06/2022 08:54

Nỗi lo cũ trở lại. Khi ám ảnh chưa kịp nguôi, vết nứt xuất hiện một lần nữa dấy lên nhiều ưu tư, nụ cười vừa ấm trên gương mặt người nay thấp thoáng nỗi bất an. Những chiều mưa dông ở núi, trong câu chuyện của người dân ở làng tái định cư, rồi mai làng có an yên trước những khe nước ngầu đục màu đất đổ xuống từ phía đỉnh đồi…

Bữa cơm vội của ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch xã Phước Lộc cùng bà con di dời nhà cửa sang nơi ở mới vào cuối năm 2021. Ảnh: T.C
Bữa cơm vội của ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch xã Phước Lộc cùng bà con di dời nhà cửa sang nơi ở mới vào cuối năm 2021. Ảnh: T.C

Những đêm trắng

Những căn nhà dựng lên trên khu tái định cư thôn 1 (xã Phước Thành, Phước Sơn) từ gần một năm trước. Rậm rịch dời đồ đạc, dựng nhà cửa, bếp lửa kịp ấm đỏ những mong chờ của người dân về tương lai ổn định hơn, sau cuộc sấp ngửa rời nhà chạy khỏi dòng lũ dữ mùa mưa bão 2020.

Suốt nhiều tháng phải sống tạm bợ, chật chội trong nhà người thân hay ký gửi phận mình dưới căn lều bạt, họ đã rất kỳ vọng vào một cuộc sống mới, nhất là khi mặt bằng khu tái định cư bằng phẳng, khang trang hơn nơi ở cũ rất nhiều.

Khu tái định cư thôn 1 vốn là một ngọn đồi. Trước khi di dời đến địa điểm mới, nhiều hộ dân thôn 1 phải chịu cảnh sống chung trong những ngôi nhà chật chội với hai, ba thế hệ, không có đất để làm nhà vệ sinh, thiếu hạ tầng bài bản.

Năm 2019, huyện Phước Sơn chủ trương thực hiện dự án, tạo mặt bằng rộng hơn để sắp xếp lại chỗ ở cho người dân, đồng thời đầu tư hạ tầng căn bản bao gồm đường giao thông nội bộ, hệ thống điện, nước sạch.

Xã Phước Thành từng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai năm 2020. Ảnh: T.C
Xã Phước Thành từng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai năm 2020. Ảnh: T.C

Công trình đang được xúc tiến thì mùa mưa bão 2020 ập đến, một phần khu tái định cư bị sạt lở. Yêu cầu tái thiết cấp bách sau thiên tai được khẩn trương thực hiện. Bằng nhiều nỗ lực, vượt qua áp lực về thủ tục đầu tư, tiến độ thi công được đẩy nhanh, ngọn đồi được san ủi để hình thành khu dân cư rộng khoảng 13ha, bố trí tái định cư cho 107 hộ dân vùng sạt lở.

Nhiều kỳ vọng được gieo xuống nơi làng mới. Những chuyến trở lại Phước Thành, chúng tôi thấy nụ cười sáng của nhiều người khi tất bật san lấp mặt bằng, cùng nhau dựng nhà. Khói bếp bảng lảng mỗi chiều, như dấu hiệu của một cuộc hồi sinh. Nhưng rồi, đợt mưa lũ năm ngoái xé nát những mảng bê tông kè taluy, nhiều nhà dân vừa xây dựng xong lại đối mặt với nguy cơ sạt lở trở lại vì nền đất yếu.

Gia đình ông Hồ Văn Chàng là một trong số 5 hộ dân phải di dời khẩn cấp để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ vừa qua. Tết Nguyên đán năm ngoái, cả nhà ông Chàng phải sống xen ghép tạm bợ trong nhà những người bà con, trong khi chờ chính quyền tìm giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở. Bộn bề lo toan xuất hiện.

“Trước đây khi thi công, chúng tôi thấy nhiều đất gửi, bờ kè được xây dựng, trám bê tông, nhưng lúc mới xây nhà không lâu, tôi đã thấy vài vết nứt. Qua nhiều đợt mưa, vết nứt to dần, rồi sạt hẳn, dân cũng không biết phải làm sao. Để bảo đảm an toàn, chính quyền xã yêu cầu di dời khẩn cấp, chúng tôi lại phải sống tạm và chờ đợi” - ông Chàng nói.

Nhiều hộ dân có nguy cơ sạt lở ở khu tái định cư mới đã được di dời sang vị trí khác. Ảnh: P.C
Nhiều hộ dân có nguy cơ sạt lở ở khu tái định cư mới đã được di dời sang vị trí khác. Ảnh: P.C

Nhiều đêm trắng trôi qua cùng nỗi lo của các gia đình nơi khu tái định cư mới. Khó có thể xóa đi ám ảnh của mùa mưa lũ năm 2020, khi cơn cuồng nộ của núi đồi xé toang cuộc sống bình yên của hàng trăm hộ dân vùng cao Phước Sơn, kéo theo nhiều tháng ròng chật vật để ổn định sau thiên tai.

Bà Hồ Thị Út, người dân thôn 1 chuyển về khu tái định cư từ tháng 10.2021, kể rằng rất nhiều đêm không ngủ được, vì sợ. “Làm sao mà ngủ yên được khi nhìn những vết nứt khắp nơi, quanh nhà mình. Nhiều người đã chết vì sạt lở. Nhà kiên cố cũng bị cuốn trôi, chúng tôi không thể yên tâm được. Chạy đã chạy rồi, nhà cũng đã chuyển đi, dựng lại rồi, giờ biết đi đâu nữa” - bà Út kể.  

Không đơn độc

Tôi có mặt ở xã Phước Thành, Phước Lộc ngay sau đợt thiên tai năm 2020. Nhiều chuyến đi sau đó với các đoàn khảo sát, câu chuyện tìm kiếm mặt bằng cho người dân vùng sạt lở luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà chức trách, từ cơ sở đến tỉnh.

Tìm kiếm một vị trí an toàn, nhất là khi thảm họa đã từng ập xuống nơi này với mức độ tàn phá chưa từng thấy trong lịch sử lập làng, thực sự là nan đề cho người làm chính sách.

Cán bộ xã Phước Lộc được huy động để giúp dân dựng nhà cửa sau thiên tai. Ảnh: T.C
Cán bộ xã Phước Lộc được huy động để giúp dân dựng nhà cửa sau thiên tai. Ảnh: T.C

Và ngọn đồi, nơi bây giờ là khu tái định cư, gần như là lựa chọn tối ưu cho yêu cầu tái thiết lúc đó. Nằm tách rời với những ngọn núi xung quanh, tránh được nguy cơ sạt lở ập xuống, diện tích tương đối đủ cho nhu cầu tái định cư, ngọn đồi đã được tính toán để hình thành 4 “thớt”, đủ diện tích để có thể đưa người dân ở vùng nguy cơ đến ở.

Trong cuộc tái sinh của người dân ở Phước Thành, Phước Lộc, có những tính toán cấp bách và cả lâu dài của các cấp ngành, với mục tiêu duy nhất: ổn định cuộc sống, thích ứng với thiên tai cho đồng bào bản địa.

Ở xã Phước Lộc, nơi hạ tầng gần như bị xóa sổ, 6 hộ dân cuối cùng trong số 32 hộ bị mất nhà cũng đã sửa soạn di dời về nơi ở mới.

Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc thông tin, đời sống người dân từng bước ổn định và bắt tay vào khôi phục sản xuất, duy trì sinh kế. Gian khó chưa hẳn đã hết, nhưng ít nhất, họ không còn phải quá lo lắng về cuộc sống. Những ngày tháng tạm bợ đã qua rồi…

“Trước nguy cơ mất an toàn tại thôn 1 xã Phước Thành, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra, đánh giá lại nguy cơ sạt lở để tìm giải pháp khắc phục. Địa phương đã di dời các hộ dân sống gần điểm sạt lở mới, đồng thời vận động người dân thu gom dòng chảy, hạn chế việc nước chảy tập trung để giảm thiểu tác động gây nguy cơ sạt lở.

Phần sạt lở ở thớt thứ nhất, tỉnh hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cùng với ngân sách huyện đang thực hiện kè bằng rọ đá có cọc sắt gia cường, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong thời gian đến, tiến độ thực hiện trên 40%.

Phần sạt lở thớt thứ 2 và 3, những hộ dân bị ảnh hưởng đã dời đến vị trí khác, hỗ trợ cho xã 500 triệu đồng để tạo mặt bằng cho các hộ này tại khuôn đất phía trên thớt thứ 4 của khu dân cư và sẽ bố trí dân vào ở trước 30.6 tới. Địa phương vận động nhân dân trồng các loại cây chống sạt tiếp ở các vị trí còn lại” - ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói.

Khu tái định cư thôn 1 (xã Phước Thành). Ảnh: P.C
Khu tái định cư thôn 1 (xã Phước Thành). Ảnh: P.C

Mùa mưa bão năm 2020, khi dòng nước cuồn cuộn đổ xuống từ phía dòng Đăk Ba Sao, xé đôi trung tâm xã Phước Thành, nhiều nhân chứng kể ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã đã đứng bên kia dòng lũ, gào đến khản cả giọng rồi bật khóc kêu gọi người dân chạy khỏi nhà. Nhờ tiếng kêu đó mà nhiều người đã sống.

Năm ngoái, khi trở lại làng Ong ở thôn 6 xã Phước Lộc, tôi gặp ông Lưu Huyền Thoại, ngồi xổm trên nền đất, ăn bữa cơm vội cùng với bà con, sau khi cùng họ vác từng thanh gỗ, khuân từng miếng ngói xuống dựng nhà tái định cư.

Đặt câu hỏi về chất lượng công trình, về trách nhiệm khi để tái diễn cảnh sạt lở ở làng tái định cư, hẳn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều đối với việc lo từng bữa ăn, dựng từng ngôi nhà cho dân sau thảm họa.

Càng dễ hơn nhiều so với việc đưa ra một vị trí an toàn, khi thiên tai trước đó đã xô đổ mọi định kiến về “vùng an toàn” ở vùng cao Phước Lộc, Phước Thành. Nên nhớ, người dân vùng cao không dễ dàng gì rời làng đi nơi khác ở.

Đó là văn hóa, là tập tục, là bao thế hệ cha ông họ đã khai đất lập làng, là sinh kế để nuôi sống họ từ đời này sang đời khác. Chỉ có một “vùng an toàn” duy nhất, nơi chính quyền sát cánh cùng bà con, lắng lo cho họ từ cái ăn, chốn ở, sẻ chia và xóa bỏ những nỗi lo thường trực.

Đặt câu hỏi, bao giờ cũng dễ hơn chỉ ra câu trả lời!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơi đâu là an toàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO