Ơn trời giữa biển

TRẦN ĐĂNG 12/06/2021 06:28

Đại đức Thích Nguyên Quang nói với tôi rằng, ông đặt tên Thiên Ân cho ngôi chùa này với hai lý do: một là để gợi nhớ ngôi cổ tự Thiên Ấn - tổ đình Phật giáo Quảng Ngãi quê ông; hai là, ngôi chùa như một ơn huệ từ trời nên phải được chia đều cho chúng sinh.

Chùa Thiên Ân nhìn từ Xuân Đừng. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Chùa Thiên Ân nhìn từ Xuân Đừng. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Từ đèo Cổ Mã huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa, men theo con đường nhựa thênh thang dẫn về vịnh Vân Phong chừng 20 cây số, chùa Thiên Ân đột ngột mọc lên giữa trời nước bao la. Các đại gia có thể giàu hàng tỷ đô la nhưng không dễ sở hữu một vị trí đẹp như thế này.

Vị sư trụ trì trẻ tuổi hẳn là có lý để đặt tên Thiên Ân cho ngôi chùa mà ông hành đạo. Đúng là “ơn trời” ban xuống. Những trận bão liên tiếp “ghé thăm” vùng này trong 5 năm qua, nếu không có ngôi chùa giữa vịnh biển này, số phận của hàng trăm ngư dân chẳng biết sẽ như thế nào. Như một sự tình cờ của số phận, cho đến bây giờ, sau 8 năm trụ trì, sư thầy Thích Nguyên Quang cũng không hiểu vì sao mình lại nhận được ân huệ lớn lao đến vậy.

Cuộc thiên di bất ngờ

Sư thầy Thích Nguyên Quang (44 tuổi), sinh ra và lớn lên ở đảo Lý Sơn, từng tham gia quân đội. Năm 1998 ông ra quân và xuất gia đi tu. Cha sư thầy - ông Nguyễn Vui, trong một lần tránh bão cách đây hơn 20 năm đã nhìn thấy dưới chân Hòn Lớn giữa vịnh Vân Phong một con đất đắc địa có thể “dung thân”.

Hòn Lớn ngày ấy còn hoang sơ lắm. Để đến được nơi đó phải đi tàu biển từ bến Vạn Giã hơn một giờ mới tới nơi. Đò giang cách trở vậy nhưng ông Vui luôn... vui vì chẳng thấy xa xôi gì. Ông quyết định “lên bờ” và khai khẩn đất hoang bằng việc trồng tỏi - loại cây đặc sản quê ông.

Cây kơ nia được trao bằng kỷ lục “bách niên cổ mộc” ngày 30.4.2021. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Cây kơ nia được trao bằng kỷ lục “bách niên cổ mộc” ngày 30.4.2021. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Thấy vùng đất bình yên, lại trồng được tỏi, ông Vui về quê kéo theo hàng chục gia đình khác ở Lý Sơn vào đây lập làng mới. Đứa con trai của ông Vui - sư thầy Nguyên Quang ngày ấy đang theo học lớp Cao đẳng Phật học ở Vũng Tàu, thường xuyên về thăm cha.

Đi về dăm ba bận, vị sư quyết định… dựng một ngôi chùa lợp bằng lá tại đây. Thế là từ năm 2010, vùng hoang vu này không chỉ có chim muông hòa cùng sóng biển mà còn có cả chuông chùa điểm tiếng vào thinh lặng mỗi hoàng hôn.

Những tưởng ở yên, năm 2012, tỉnh Khánh Hòa “động viên” sư thầy… chuyển chùa đi nơi khác, nhường đất cho những dự án tương lai trong Khu kinh tế Vân Phong. “Tôi thật sự lo lắng vì không biết xoay đâu ra tiền để chuyển… 3 ông Phật bằng gỗ ra khỏi chùa chứ đừng nói chi đến chuyện xây chùa mới. Thế nhưng, mấy vị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa lúc ấy nói với tôi là tỉnh sẽ vận động đạo hữu giúp thầy chuyển chùa đến bất cứ nơi nào trong vịnh Vân Phong mà thầy ưng ý” - vị sư trẻ nhớ lại.

Ơn trời đỗ ở Xuân Đừng

Sau một ngày dọc ngang khắp vịnh Vân Phong, sư thầy Nguyên Quang nhìn thấy một hòn đảo hoang nằm cách bờ chừng 300m, ông quyết định chọn nơi đây để “định đô”.

Hỏi ra ông mới biết vùng này còn có tên là Xuân Đừng, hay còn gọi là Sơn Dừng với hàm nghĩa, đi đến cuối con đường, nơi có dãy núi chắn ngang vịnh biển, hễ gặp nhiều cây sơn thì dừng lại.

Sẽ là bình thường như bao địa danh do ông bà mình đặt lúc đi mở cõi nếu ở Xuân Đừng không có câu chuyện đã làm lao tâm khổ tứ bao nhà nghiên cứu dân tộc học. Đó là một tộc người có tên Đàng Hạ hiện vẫn còn khoảng 40 gia đình quần cư trong một xóm vắng bên cạnh hòn đảo hoang này.

Xóm nhỏ rợp bóng dừa và không có một giếng nước nào nhưng vẫn xài nước ngọt thoải mái. Chỉ cần ra mép biển moi cát lên là nước ngọt như từ bốn phương tám hướng đổ về. Sự kỳ lạ này từng làm “đau đầu” vị giáo sư khả kính Trần Quốc Vượng khi ông có chuyến điền dã vùng này để tìm hiểu tộc người Đàng Hạ từ hơn 30 năm trước.

Có nhiều giả thiết nói về nguồn gốc của tộc người Đàng Hạ, chẳng hạn như họ là một nhánh của người Indonesia bị sóng đánh giạt vào vịnh Vân Phong từ nhiều thế kỷ trước rồi định cư luôn tại đây. Cũng có ý kiến cho rằng, người Đàng Hạ là kết quả của sự hòa huyết giữa người Chămpa và người dân tộc thiểu số vùng này…

Ngôi làng còn được dân gian phủ lên một lớp huyền sử. Trong một lần, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ngài lánh nạn đến vùng  này. Trong lúc nước uống không có, lương thảo cạn kiệt thì ngài được báo mộng, cứ ra mép biển mà moi cát lên sẽ gặp nước ngọt, ra cạnh hòn đảo hoang kia sẽ gặp cá cơm đùn lên như núi. Nguyễn Ánh đã thoát nạn nhờ vào điềm báo mộng này. Làng được vua Khải Định ban tặng sắc phong và tiền thưởng vì nhờ có công cứu mạng vị vua khai sáng nhà Nguyễn.

Những câu chuyện trên đây, sau khi xây chùa xong thì sư thầy Nguyên Quang mới biết. Ông vỡ lẽ rằng, ông chọn chỗ này để xây chùa Thiên Ân cũng do chữ “duyên” nhà Phật mà nên vậy.

Những “kỷ lục” tình cờ

Vì là “duyên” nên ngôi chùa xác lập những kỷ lục hết sức tình cờ. Có cây kơ nia (cây cầy) không biết từ đâu đỗ lại đây rồi thành cổ thụ trên hòn đảo hoang. Ông Nguyễn Văn Xáng - Trưởng văn phòng đại diện Kỷ lục Việt Nam tại miền Trung vừa trao bằng “Bách niên cổ mộc - cây Kơ nia 200 tuổi” cho chùa Thiên Ân, lý giải: “Trao kỷ lục cho cây kơ nia ngoài việc nó được xác định có trên 200 năm tuổi còn có một “kỷ lục” khác, đó là sự hiện diện của một loài cây rừng chỉ có ở Tây Nguyên nhưng lại “lạc” giữa hoang đảo, tứ bề là biển này. Chỉ riêng việc chống chọi với gió bão hàng năm giữa biển để tồn tại như cây kơ nia này đã là một kỷ lục rồi”.

Dẫn tôi đi một vòng quanh chùa, sư thầy Nguyên Quang “khoe” với khách: “Tôi về quê Lý Sơn mang vô 100 cây bàng vuông, trồng được vài năm nay, hy vọng chừng 5 - 10 năm nữa, hòn đảo này sẽ thành “đảo bàng vuông” giữa biển”.

Ông nói thêm: “Diện tích đảo quá bé nên không một loài cây nào chịu đời nổi với sóng biển mỗi mùa gió bão nên chỉ toàn bụi dây leo như anh thấy đấy. Nghĩ mãi mới chọn được loại bàng vuông, vừa để khỏi quên quê cha đất tổ Lý Sơn, vừa tạo bóng mát cho ngôi chùa và các phật tử có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi vãn cảnh”. Vị sư không quên giới thiệu với tôi một “kỷ lục” khác, cũng rất tình cờ. Đó là tảng đá mang hình đầu một con rùa khổng lồ nằm sát mép biển. “Tôi không “can thiệp” gì vào đầu con rùa này. Ý trời sao, tôi để vậy”.

Nhưng có lẽ “kỷ lục” đáng trân trọng và ghi ơn nhất là ngôi chùa đã cưu mang hàng trăm ngư dân mỗi bận bão ập vào vùng biển này.

Chắc mọi người còn nhớ cơn bão cách đây 5 năm càn qua vùng này, lấy đi sinh mạng của hàng chục ngư dân bám các lồng bè trên vịnh Vân Phong vì không ai nghĩ bão lại mạnh đến vậy. Kể từ đó, mỗi khi có bão, thay vì phải chạy đường vòng hàng giờ mới tới đất liền, từ ngư dân đánh cá trên vịnh lẫn những người nuôi cá ở các lồng bè đều coi ngôi chùa như một chỗ trú ẩn an toàn của mình.

“Nhà chùa tích trữ lương thực và thực phẩm cho hàng trăm người có thể lưu lại hàng tuần ở đây. Mấy năm nay, chùa Thiên Ân thành điểm dừng chân tin cậy cho ngư dân mỗi khi có bão” - sư thầy Nguyên Quang nói.

Có lẽ đấy mới là “kỷ lục” đáng đưa vào sách nhất của ngôi chùa này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ơn trời giữa biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO