Quán Gò đi... xuống

TRUNG VIỆT 22/05/2022 07:19

Quán Gò đi lên là Bình Quế, có chợ Đo Đo, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã xuất bản truyện dài rất hot với dân Quảng trẻ tuổi “Quán Gò đi lên”. Quán Gò đi xuống là xã Bình Nam (Thăng Bình). Qua hết chợ Quán Gò, chạy chừng 4km là tới xã.

Ngã tư thôn Phương Tân, thôn làm nghề chính là ngư nghiệp, đang khá dần lên. Ảnh: T.V
Ngã tư thôn Phương Tân, thôn làm nghề chính là ngư nghiệp, đang khá dần lên. Ảnh: T.V

Chủ tịch UBND xã Bình Nam là anh Phạm Văn Quốc thả điện thoại xuống bàn, vẻ mệt mỏi: “Anh em đánh nhau cũng vì bán đất, chia đất không đều”. Tôi rầu theo.

Vùng đất phía đông của tỉnh, kéo từ Thăng Bình ra Duy Xuyên, nhiều năm qua “đất lên, tình người xuống”, nhiều gia đình hục hặc, ly tán, máu mủ ruột rà đâm ra thành kẻ thù cũng vì tiền vì đất. “Cò”, “vạc” đâu đâu tới thổi giá, đại gia như từ dưới âm phủ đội lên hô giá, thế là miếng đất trở thành trung tâm rắc rối.

Có bữa tôi hỏi một đồng nghiệp quê Thăng Bình, là có chi hay chỉ cái viết chơi, vừa tếu táo vừa chua chát anh nói ngay, là tộc phả nhiều nơi mấy năm qua thêm họ Từ. Anh từ em. Cha từ con. Giường từ chiếu.

Tôi nhớ cách đây mấy năm ở Củ Chi (Sài Gòn), có đồng nghiệp đi viết khi rộ lên giá đất ngất ngưỡng, nhiều người đã nói rằng: Không bán đâu. Cha ông để lại, đất như núm ruột, nỡ đành mà dứt sao! Tôi gọi đó là mạch truyền tâm từ đất, nó còn hay đứt, là vạn sự… tùy duyên.

Hai thôn Phương Tân và Vịnh Giang sát biển của Bình Nam, đã và đang sốt giá đất. Biết làm sao. Thôi đành xếp nó vào cái gọi là thế… thịnh của Bình Nam, có vẻ đang bắt đầu phát. Đó là anh Quốc nói về Khu công nghiệp Bắc Tam Thăng mở rộng kéo ra đến Bình Nam với diện tích tăng thêm 242ha. Xã đang chuẩn bị giải phóng mặt bằng 80ha.

Chính khu công nghiệp đó đã níu khoảng 1.500 - 2.000 dân của xã, trong đó có nhiều người tháo chạy trong trận bão Covid năm ngoái ở Sài Gòn về trụ bám lại. Hy vọng khi nó mở ra nữa, sẽ giải quyết được nhiều lao động, kéo theo dịch vụ đi kèm.

Hy vọng đời sống của người Bình Nam như ngư dân này rồi sẽ tốt hơn. Ảnh: T.V
Hy vọng đời sống của người Bình Nam như ngư dân này rồi sẽ tốt hơn. Ảnh: T.V

Đó là thì tương lai gần mà dân Bình Nam đang chờ. Còn hiện tại, thiệt, dù bây giờ, như anh Quốc nhấn mạnh rằng, 5 năm trở lại đây, Bình Nam khác hẳn, từ việc đầu tư hạ tầng giao thông, hưởng chính sách đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới, đến sự trỗi dậy không ngờ về tư duy làm ăn của bà con đánh bắt thủy hải sản ở hai thôn sát biển kia. Là họ thấy cảnh đi bạn chẳng thu được bao nhiêu, làm gần bờ thì khó khá được, nên họ chuyển, sắm tàu xa bờ, từ chỗ là con số 0, nay đã có 56 chiếc tàu xa bờ, làm ăn  hiệu quả.

*
*            *

Tôi nói với anh Quốc, rằng câu hỏi sau đây là tế nhị, chắc chắn anh không trả lời, là tại sao 5 năm trở về trước, Bình Nam bị vây trong bịt bùng trước sau, nghèo ơi là nghèo. Mà thật. Anh xin không trả lời. Tôi hiểu.

Hỏi, để bồi thêm một lần nhớ. Hình như năm hai nghìn lẻ mấy đó, lụt, tôi về, chủ tịch xã lúc đó là anh Lực ngồi co ro trên ghế nhựa ở ủy ban, bất lực, rằng, nước mênh mông, đi mô được mà không ngồi hả anh?

Tôi lại thêm với anh Quốc rằng, hôm kia đây thôi, tôi search google, từ khóa Bình Nam cực kỳ ít ỏi. Anh gật: “Dám đảm bảo rằng, 10 năm trước, không mấy ai biết Bình Nam đâu. Khổ lắm”. Mưa bùn nắng bụi. Khó khăn bủa vây.

“Điểm khác biệt của Bình Nam với các xã khác của Thăng Bình, là gì?”. “Bình Nam khác biệt 22 xã, thị trấn của Thăng Bình” - anh nói - “Có biển, sông, rừng, ruộng (lúa nước và nước trời), khu công nghiệp, nông nghiệp, thủy hải sản. Diện tích xã lớn nhất, nhì huyện”.

“Có phát huy được lợi thế từ rừng không?”. “Khó, hơn 300ha nhưng chủ yếu là cây keo lá tràm và rừng phòng hộ”. Khác biệt, nó sẽ mở ra hai đường, hoặc là tất cả, hoặc là không gì cả. Số dân của xã hiện gần 3.000 hộ. Sự khó, nghèo kéo dài mấy chục năm qua, dấu tích còn đó, với tỷ lệ nghèo 4,6%.

Nắng chát chúa, sục vào họng cơn khát, dù còn sớm. Nhìn ly trà anh Quốc pha, tôi sực nhớ, bữa trước, tình cờ quen với Đại đức Thích Thông Hạnh trụ trì chùa Bình Nam. Vị sư trẻ tu tập ở chùa Pháp Hoa nổi tiếng tại đường Thích Quảng Đức, là đệ tử của thầy Thích Như Niệm ở Sài Gòn, về đây đảm trách Phật sự.

Thầy Thích Thông Hạnh kể rằng, dân đây khổ lắm, hàng ngày chùa cung cấp miễn phí cho bà con 3.000 lít nước, vì không có nước máy. Anh Quốc nói: “Đúng rồi đó anh, cả xã chứ riêng gì khu vực đó đâu. Mấy chục năm rồi đâu có nước máy, chừ cũng vậy”.

“Sao không đầu tư?”. “Kinh phí nghe nói lớn, chuẩn bị khảo sát. Nước đã về đến đường Võ Chí Công rồi. Tính toán sơ bộ bọc quanh xã chừng 20km, cái này là của các ngành chuyên môn, xã không rành anh ơi”.

Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng, vùng giải tỏa là của Bình Nam.Ảnh: T.V
Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng, vùng giải tỏa là của Bình Nam.Ảnh: T.V

Mang tiếng là vùng biển, nhưng Quán Gò đi xuống chừng 4-5km chứ vùng sâu vùng xa chi đâu! Nước giếng đóng, dọc biển, dọc sông thì nuôi tôm, nước không ô nhiễm mới lạ. Xã đang phấn đấu hoàn thành nông thôn mới. Nước máy không có, thì có đủ để công nhận không hè? Hình như không đưa vào tiêu chí thì phải…

*
*            *

Cách trung tâm xã vài ba cây số, là thôn Vĩnh Bình xã Tam Thăng (Tam Kỳ). Khi đưa tôi chạy ngó nghiêng thử, anh Phan Văn Quốc - cán bộ Xã đội Bình Nam nói rằng, Vĩnh Bình ni hồi chưa có khu công nghiệp cũng đường xí xi, mà chừ thì như đô thị, dịch vụ mọc lên, dân cư đông đúc, ngó qua bên Bình Nam sát rạt thấy vắng quá.

“Dân Tam Thăng thắc mắc đó” - anh Quốc Chủ tịch UBND xã nói - “Họ kêu răng bên Bình Nam khó quá”. “Khó chi?”. “Bao năm, đường liên thôn làm từ 2008, rồi đường ĐH17 Tam Thăng - Bình Tú ngang qua đây, xuống cấp, mà xã không có tiền đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng vướng đủ thứ. Nhưng khó nhất, gay go nhất, phiền phức nhất là từ Chỉ thị 19 của tỉnh về quản lý hiện trạng đất”.

“Xã có quy hoạch chi tiết chưa?”. “Chưa, chính vì thế mới khó. Chỉ thị trên nêu rõ, muốn làm chi phải xin ý kiến Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (nay là Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh). Dân số đông, tách hộ, lập vườn nhưng đâu có được, vì lệnh trên là giữ nguyên hiện trạng đất.

Chính quyền khổ lắm. Dân kêu la, xã kiến nghị, nói miết rồi, nhưng có được đâu. Hàng xóm với Tam Thăng, nhưng họ tách thửa, giao đất, ký cái rẹt, còn mình, dân mang hồ sơ lên, anh em giải thích, có la trời rồi cũng về thôi. Làm trái lệnh trên thì không được, mà làm đúng là xâm phạm quyền lợi dân. Khó không chi bằng!”. Vấn nạn này, đâu chỉ Bình Nam.

Tôi xuống biển. Ngã tư thôn Phương Tân có vẻ hao hao giống trong Vĩnh Bình - Tam Thăng rồi đó. Biển sớm, ghe bãi ngang đã về gác mái. Ông Phận, một ngư dân đang lấy tấm bạt phủ ghe che nắng, nói rằng chiều lại đi ra, làm cũng được, đang là mùa cá trích, mỗi đêm kiếm vài tạ. Gương mặt ông là bản gốc của bao phận biển.

Không biết rồi đây, câu chuyện đổi đời khi lối ra cho miệt biển này, đã thấy, sẽ giúp họ khá lên nhiều nữa không, nhưng hình như gió đã khác. Tự trong tâm khảm, tôi mong, câu chuyện nghèo, khát của xứ đất này, sẽ trở thành ký ức buồn đi không trở lại. Mênh mông gần 26 ngàn hecta diện tích đất toàn xã, chứ phải ít đâu. Đất đẻ ra vàng mà nói như ông chủ tịch ủy ban xã, là cứ xã nghèo hoài, đi họp, dị lắm…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quán Gò đi... xuống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO