Thầy trò vượt khó ở đỉnh trời Phước Lộc

NGUYỄN DƯƠNG 03/12/2022 08:00

Mùa mưa lũ, con đường đến trường của học sinh nơi đỉnh trời Phước Lộc (Phước Sơn) trở nên xa hơn. Hàng ngày, không đành nhìn lũ trẻ lấm lem bùn đất đến lớp, các thầy cô đã vận động phụ huynh cho con em ở lại nội trú. Những đôi chân, nhờ vậy bớt phần sấp ngửa...

Ngôi trường nơi đỉnh trời Phước Lộc. Ảnh: N.D
Ngôi trường nơi đỉnh trời Phước Lộc. Ảnh: N.D

Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc nói rằng, bão lũ liên miên, mọi con đường bê tông, thảm nhựa chỉ còn lại đống đất đá ngổn ngang. Trời nắng thì còn đi lại được, nhưng chỉ cần mưa xuống, những con đường trở nên nhão nhoẹt. Phía trên, những ngọn núi có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Khó khăn nơi "đỉnh trời"

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc nằm chênh vênh trên đỉnh đồi, ngay cạnh trụ sở UBND xã. Trường là nơi học tập của 185 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 của 6 thôn trong xã. Khó khăn của xã vùng cao vốn đã nhiều, nay đối với Phước Lộc lại càng chồng chất.

“Trước đây, khi đường chưa bị phá nát như bây giờ, các em vẫn học theo hình thức bán trú: sáng đi chiều về. Nhưng từ khi núi ầm ào đổ xuống, những con đường bị cuốn phăng. Qua 2 năm cố gắng khắc phục, sửa chữa cũng chỉ hình thành được con đường đi tạm với đầy bùn đất, sỏi đá. Quãng đường từ nhà đến trường của các em vốn đã xa, lại thêm xa” - thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc nói.

Hàng ngày, nhìn học trò lấm lem bùn đất tới lớp, cuối ngày quần ống cao ống thấp tất tả vượt quãng đường lầy lội về nhà, các thầy cô vận động phụ huynh cho các em chuyển từ hình thức bán trú sang nội trú, nghĩa là ở lại trường từ đầu tuần đến cuối tuần mới về nhà.

“Như thế, các em sẽ an toàn, được chăm sóc tốt hơn thay vì hàng ngày lội bộ hơn 10km, vừa vất vả vừa không an toàn” - thầy Ngộ nói.

Cứ thế, cả thầy và trò cùng nhau vượt khó. Mỗi tháng, các em được hỗ trợ tiền ăn bán trú khoảng 500 ngàn đồng. Trong khoảng đó, giáo viên cân đối chế độ dinh dưỡng để phù hợp hơn với chế độ chuyển từ bán trú thành nội trú.

“Nói thì nghe dễ, nhưng rất khó khăn, bởi chuyển từ ngày ăn 1 bữa cơm thành 3 bữa nó chênh nhau ghê lắm. Nhưng không làm điều này thì các em lại càng vất vả hơn. Vậy nên, nhà trường tranh thủ nguồn hỗ trợ của các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm, cộng với tiền chế độ hỗ trợ của các em để cố thu xếp bữa ăn, không để các em bị đói đi học” - cô giáo Đinh Thị Tươi - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Để chăm sóc học trò của mình tốt hơn, các thầy cô giáo nơi đây đã chuyển từ chế độ bán trú sang nội trú.
Để chăm sóc học trò của mình tốt hơn, các thầy cô giáo nơi đây đã chuyển từ chế độ bán trú sang nội trú.

Cái khó của trường học ở đây là sự cô lập. Mỗi khi mưa to dài ngày, đất đá trên đồi lại ầm ào đổ xuống, chia cắt Phước Lộc với các địa phương khác. Cũng chính vì thế, lương thực đôi lúc không thể chuyển đến trường.

“Có đợt, mưa kéo dài cả tuần. Lương thực từ Phước Công, Phước Thành không thể vào. Những lúc đó, chỉ có cá khô làm thức ăn, mì tôm làm canh. Rồi thầy và trò cũng vượt qua được” - cô Tươi nói.

Phước Lộc, nơi được gọi là “đỉnh trời” cũng là nơi phải gánh chịu nhiều hậu quả từ mưa lũ. Cuộc sống vốn đã khốn khó lại càng thêm phần cơ cực. Những năm trước, khi bệnh bạch hầu hoành hành, người làng chỉ biết gọi đó là “bệnh lạ”. Rồi ngơ ngác tiêm phòng sau khi các cán bộ xã từ vận động cho đến... dọa. Vì nếu không làm vậy, người làng lại tìm heo đen để cúng trừ tà.

Ngay cả làng Ong Bộng (thôn 6), nơi được mệnh danh là trù phú nhất của xã cũng bị cơn lũ quét qua, xóa sổ. Giờ, làng chỉ còn đâu 30 hộ tá túc trong những ngôi nhà được xây mới. Nhưng, cuộc sống của họ, đã không còn được như trước. Mùa này, những con ong đã thôi không về làm tổ. Thất thu!

Thầy trò cùng vượt khó

Chúng tôi đến trường khi những đứa trẻ kéo nhau xuống nhà ăn ăn bữa cơm trưa. Có lẽ, vì sống xa nhà, bọn trẻ con đã tự tập tính tự lập cho mình. Thức ăn dọn lên, tô cơm trắng được chia đều cho nhau.

Thức ăn vơi dần, nhưng tuyệt không có chuyện tranh giành, mà ở đó là sự nhường nhịn. Sự ưu tiên được dành cho những em nhỏ. Vì là từ lớp 1 đến lớp 9, nên có nhiều em là anh em trong cùng một nhà. Sự sẻ chia có lẽ cũng từ trong khốn khó.

“Thương nhất là những đợt bị cô lập kéo dài, thức ăn không lên được. Những lúc đó, chúng tôi tìm về những hộ dân ở gần trung tâm xã, xem có con heo nhỏ, hay con gà gì đó không rồi mua, cải thiện bữa ăn cho bọn nhỏ” - thầy Ngộ tâm sự.

Bữa ăn của những học sinh vùng cao. Ảnh: N.D
Bữa ăn của những học sinh vùng cao. Ảnh: N.D

Khi các em ở lại trường, bên cạnh khó khăn cũng có điểm thuận lợi. Các em được thầy cô quan tâm nhiều hơn. Nhà trường thường xuyên tổ chức những lớp phụ đạo vào buổi tối cho các em thêm kiến thức.

“Trường cũng lập tổ tư vấn tâm lý để kịp thời nắm bắt, chia sẻ với những học sinh lớp lớn. Từ những rung động đầu đời cho đến sự phát triển tâm sinh lý đều được chia sẻ một cách cởi mở để các em có được kiến thức cơ bản nhất, kể cả trong việc học hay trong cuộc sống. Rất may, là các em học sinh ở đây đều rất ngoan và chịu khó học” - cô giáo Đinh Thị Tươi nói.

Giáo viên ở trường hầu hết là người từ địa phương khác đến. Có lẽ, chỉ có lòng yêu nghề mới khiến họ bám trụ với “đỉnh trời” này. Bởi chỉ tính mỗi quãng đường họ vượt qua để đến được nơi giảng dạy đã xa diệu vợi.

Họ cũng có gia đình, con cái để phải lo lắng, gồng gánh. Vượt qua mọi khó khăn, họ bám trụ và cố giúp học sinh có điều kiện học hành tốt nhất. Điều động viên với các thầy cô của trường là học sinh xem họ không chỉ là người thầy mà như người thân, cha mẹ trong gia đình.

Cô giáo Đinh Thị Tươi, khi mang bầu đứa con đầu lòng sắp đến thời kỳ sinh nở thì bão lũ đổ xuống. Đợt đó, Phước Lộc bị cô lập gần 1 tháng. Lúc đó chồng cô làm cán bộ xã, phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm người mất tích.

May là đợt đó, có máy bay trực thăng của Quân khu 5 vào tiếp tế lương thực, hai vợ chồng đánh liều xin cho cô Tươi được lên máy bay, ra khỏi vùng cô lập để về kịp sinh nở. Đứa con được 8 tháng, hai vợ chồng cô gửi cho ông bà nội ở thị trấn Khâm Đức rồi vào lại Phước Lộc công tác. Đứa trẻ đó, giờ đã quen với sự vắng mặt của cha mẹ.

Hay như thầy giáo Ating Gioong (23 tuổi) là người ở tận xã Aur (Tây Giang) cũng lặn lội sang đây công tác. Ngày trúng tuyển viên chức, mọi người tìm mọi cách để thông báo cho Gioong biết nhưng không thể liên lạc.

Từ huyện Tây Giang lên nhà Gioong hơn 70km, ngoài đi xe thì còn phải mất thêm 3 tiếng đi bộ, hoàn toàn không có sóng điện thoại. Cũng vì cách trở như thế, số lần Gioong về thăm nhà đếm được trên đầu ngón tay.

“Mình còn trẻ, chưa vợ con nên cũng dễ hơn. Giờ cứ lo cho sắp trẻ đã, rồi sau này tính tiếp” - Gioong cười, khuôn mặt hiền khô.

Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc thở dài khi nhắc đến thầy trò của ngôi trường nằm sát trụ sở xã. “Khó là khó chung rồi. Biết đó nhưng không có nguồn, không có tiềm lực thì không thể giúp được nhiều hơn. Thành ra, tranh thủ được gì thì cố hỗ trợ các em cũng như thầy cô ở đây bớt khổ hơn thôi. Rồi cũng phải cùng nhau vượt khó” - ông Thoại nói.

Hôm đó, chúng tôi rời ngôi trường khi khắp nơi rộn ràng cho ngày lễ 20/11. Nhưng ở ngôi trường trên đỉnh trời này, thầy và trò vẫn thầm lặng vượt qua gian khó để học, để dạy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thầy trò vượt khó ở đỉnh trời Phước Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO