Thị trấn không ngã tư

TRUNG VIỆT 18/12/2021 06:18

Tôi đi lại con đường cũ cách đây đã hơn 20 năm. Hồi đó, bao lần, ban đêm, tôi ngồi với Giang, hai thằng uống rượu gạo với mồi hột vịt lộn trong đèn vàng hiu hắt. Gió, sương, phơi đá núi, cả thâm u của bóng rừng đổ vào đáy cốc trong tiếng vọng rì rầm thi thoảng xe máy, ô tô băng qua, rồi tiếng người cười nói. Đường trước chợ Giằng (Nam Giang) đó.

Đường vào chợ mới Thạnh Mỹ. Ảnh: T.V
Đường vào chợ mới Thạnh Mỹ. Ảnh: T.V

1. Gần đó có bến xe. Những chiếc xe xanh đỏ một thời, giờ xương tàn của nó cũng hóa kiếp thành mấy đời đâu đó rồi. Còn chợ, bây giờ là khu đất bỏ hoang. Tôi hỏi chị bán bánh mì gần đó, khi mới 5h30 sáng: “Chị mở hàng hả?”. “Mô, chị bán hồi 4h sáng rồi”.

Mọi thứ vẫn yên lặng trong sương và bóng tối nhờ nhờ, buốt lạnh. Tôi nhớ ngày đó, có bữa đêm mưa, Giang vốn lành hiền, rượu vào càng ủ dột, rằng em sẽ không biết răng nữa, sống ở đây buồn quá. Đường qua mịt mùng. Rồi Giang cũng về đồng bằng cùng vợ con.

Giờ tôi đang đứng đây. Mọi thứ vùn vụt. Đài Truyền thanh huyện ngày đó, giờ còn Thủy, anh Nhuận. Chị Hoa Chi trưởng đài đã về hưu lâu rồi. Việt Thắng chuyển công tác.

Bữa đang cà phê sáng ở đài, có người đàn ông hai mắt mở to bước tới. “Hiếu phải không?”. Hiếu không đáp mà hỏi ngược: “Anh lên hồi nào?”. Ngày đó Hiếu làm kỹ thuật. Giờ còn làm, nhưng đã có… sui. Già nhanh kinh khủng. “Em ở đây 24 năm rồi mà anh”, Thủy nói, giọng từ tốn như ngày nào.

Sân đài ngày trước rộng mênh mông, mặt tiền kéo sát quốc lộ phía trái có gốc bàng lớn, kê bàn ở đó nhậu. “Đúng, chừ sân thành đất nhà nước rồi, đất mặt tiền đã bán cho dân, đài chỉ có hàng hiên là không bị đụng thôi” - Thủy nói.

Mọi thứ chu chuyển, thì số phận của huyện này, trung tâm hành chính đó, đưa lên Bến Giằng hơn 10 năm, rồi về lại, sau khi đã nhận ra chuyển đi là sai lầm trong sách lược.

Quay về, xây dựng lại trụ sở hành chính, mở đường. Nhưng cứ nhìn hai đường xuôi ngược giữa lòng thị trấn, có vẻ như bao năm cũng thế, cứ gợn cảm giác như bị hai tay dồn vào hai đầu, tưng tức răng đó.

Ông Chơ Rum Nhiên, cựu Bí thư Huyện ủy Nam Giang gật liền khi tôi nói rằng khó thấy một không gian mở trên suốt tuyến từ cầu Thạnh Mỹ đến Pà Dấu 1 dài 5km. “Nó hẹp mà, phía đông thì chỉ được mặt tiền, sau lưng nhà dân là núi. Bây giờ chỉ còn phía tây” – ông Nhiên nói.

Hồi đó, 25 năm trước, ông vừa nói vừa nhẩm tính, là suốt đoạn đường 5km nói trên chỉ có chừng 35 căn nhà nằm phía đông, mà phải tới năm 2004 mới có nhà; nhà xây chưa tới 5 căn. Chỗ chợ mà tôi nói, theo ông, là trung tâm thị trấn. Số phận nó cũng trôi dạt, đến giờ là 3 lần di chuyển.

Ngay cả bến xe, năm 1996 đã có nhưng chẳng ra bến bãi chi, có bến chứ không có xe, vì chỉ là chỗ đặt cái phòng ký giấy tờ xuất bến… Tất cả là đường đất chật hẹp chứ làm chi có bê tông.

2. Hăm lăm năm, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Trang phục truyền thống thanh niên không dùng. Tình làng nghĩa xóm không khắng khít nữa. Nghề đan lát mất dần. Có thứ cần nó mất, nhưng nó âm ỉ còn, như chuyện đòi của khi cưới xin, ngầm lấy trước khi tổ chức cưới, đòi ti vi, xe máy chứ không phải đồng hồ điện tử như xưa.

“Chia tỉnh” - ông Nhiên nhớ lại - “Nam Giang là một trong ba huyện nghèo nhất tỉnh”. “Bây giờ, Thạnh Mỹ là bộ mặt của huyện mà con số đói nghèo đang ở 11,64%, anh nghĩ sao?”.

“Đây là thị trấn duy nhất của Quảng Nam không có ngã tư, không đường xương cá” - ông nói - “khó khăn lớn nhất là quy hoạch, dù cuối năm 1999 huyện đã mở không gian lên tới Bến Giằng, lên rồi về, chịu thôi”.

Chợ mới Thạnh Mỹ. Ảnh: T.V
Chợ mới Thạnh Mỹ. Ảnh: T.V

“Con số dân cư hiện nay là 7.800 người, áp lực không?”. “Có chứ, anh em đồng bằng muốn lên đầu tư, ở cũng khó, vùng cao muốn xuống ở càng chịu, đất ít, lại đắt”. “Hết quỹ đất rồi?”. “Không, tính từ tim đường Hồ Chí Minh đến sát núi về phía tây bắc chiều rộng còn khoảng 500m. Giờ nếu có vốn, sẽ mở bung đường ra, với các tuyến Pà Dương - Bến Giằng, Thạnh Mỹ 3 - làng Rô chạy song song đường Hồ Chí Minh.

Đường Pà Dương - Bến Giằng bố trí vốn 170 tỷ, dài hơn 10km, bắt đầu từ sân vận động thị trấn đến thôn Pà  Dấu 1. Có đường dọc mới mở được đường ngang, rồi mới cho ra khu dân cư, khai thác quỹ đất.

Tôi nhớ hồi đó Chủ tịch tỉnh là anh Lê Minh Ánh nói vui “Nam Giang có tới 4 quốc lộ mà nghèo cái chi”! Đúng là 4 quốc lộ thiệt, là đường Hồ Chí Minh, 14B, 14D, Đông Trường Sơn. Hồi đó tỉnh cứ giao mỗi năm khai thác quỹ đất 25 - 30 tỷ đồng. Lấy đâu mà có, khi không có đường”.

“Thị trấn của cả huyện, mà sao cứ giậm châm?”, tôi hỏi và nhớ bao huyện miền núi, không riêng gì Nam Giang này, nhìn bên ngoài thì bóng bẩy lung linh, đi vào trong nhìn cái bếp, sẽ biết thực tế ra sao.

“Do cơ chế và ý thức người dân cả. Thạnh Mỹ có đến hơn 70% đồng bào thiểu số. Tôi chẳng hiểu làm sao đến bây giờ mà vẫn trợ cấp muối, mì chính cho dân. Tâm lý ỷ lại, không muốn thoát nghèo vì mất quyền lợi bám riết họ.

Chính vì cứ dựa nhà nước, mà nhà nước thì không dám cắt quyền lợi, sinh ù lì, không chịu làm ăn, vì thế làm sao mà bền vững, căn cơ được, chưa nói là giàu. Ở đây, trừ các nhà mặt tiền, chứ lội vào xóm, nhiều nhà không bằng trên vùng cao, ngán lắm nhưng đành thua. Đầu tư bao nhiêu, trôi bấy nhiêu. Cho bò cũng bán ăn, gà vịt cũng chết, hết rồi lại chờ nhà nước”.

“Sẽ mãi thế này ư?”. Ông Nhiên gật đầu, rồi nói thêm rằng, chính sách, tuyên truyền cứ nói cho cần câu không cho con cá, nhưng chính nhà nước lại đưa cá. Huyện tổng kết 10 năm kinh tế hộ, kết quả là chẳng căn cơ, bền vững chi. Thạnh Mỹ đang phấn đấu lên đô thị loại 4.

“Hộ nghèo cứ dai dẳng hai con số, không bền vững, thì có lên đô thị được không?”. Ông cười chua chát: “Khó lắm. Đất, giống, tiền, tuyên truyền, nhà nước tốn biết bao nhiêu, nhưng rồi vẫn cứ thế, do làm biếng mà ra. Gốc vấn đề nằm ở cơ chế!”.

Anh Sáu - Phó Chủ tịch MTTQ huyện chia sẻ ý nghĩ của tôi, rằng 25 năm là đủ 1 thế hệ, người sinh năm mới chia tỉnh, giờ đã trưởng thành, lớp thanh niên lớn lên, chữ nghĩa, phương tiện, điều kiện khác biệt cha ông, nhưng vẫn sống trong tư tưởng ỷ lại, nhà mình vẫn… nghèo bền vững, thì đó là họa.

Tôi hỏi anh Thu - quản lý Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, rằng ở thị trấn có ai vào đây học mô hình nuôi heo, gà vốn mang lại hiệu quả kinh tế cao như mấy  thanh niên ở đây không, anh lắc đầu.

Trên chợ cũ, năm ngoái mở ra một ngã ba, đường mới dẫn vào chợ mới. Nhìn chợ biết đời sống dân. Biết đến khi nào, những người làm ăn lớn, chiếm thị phần lớn trong chợ là đồng bào thiểu số địa phương, thì lúc đó mới thấy sức khỏe thị trấn này là mạnh thiệt chứ không phải nhờ đèn đường, xe máy, máy hát… phủ bóng lên.

Bây giờ chỉ trông chờ mở đường. Chỉ có mở đường ra thì mới có sinh khí, người ta mới đến tính chuyện làm ăn, cuốn theo những ai chây ì. Đó là tôi nghĩ. Còn hình như với  nhiều người ở núi, ai làm chi thì làm, giàu cũng kệ, mình cứ nghèo cho… sang.

Mà sang thiệt, y như quý tử, ái nữ nhà giàu, cha mẹ bảo bọc hết. Sinh ở rừng thì dựa vào rừng mà sống. Giờ rừng không còn thì dựa nhà nước. Đến khi nhà nước không cho dựa nữa, bị dồn đuổi đến chân tường, lúc đó mới biết hụt ra sao. 

Ở đây nói trắng ra, nhà nước sợ này nọ, nên không dám vứt bỏ tư duy lạc hậu trong chính sách. Nhìn lâu dài, có thể là hại nhiều hơn được, bởi nếu cứ thế, họ mãi mãi là người đến sau trong cái nhìn về đời sống.

Tôi nhớ ông Nhiên nói, nếu đầu tư mở đường, thì ở đây sẽ có đến 5 ngã tư. Vậy, bao giờ mới có ngã rẽ trong tư tưởng những ai sống nhờ, ỷ lại? Khi họ chưa đến ngã ba sinh tử để chọn lựa, thì có bao nhiêu ngã tư cũng chừng ấy thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thị trấn không ngã tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO